5 chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu 'cú sốc' mạnh do Covid-19

16/03/2020 14:34 PM | Xã hội

Lượng đặt phòng khách sạn, vé xem nhạc kịch Broadway, vé xem phim tại Mỹ sụt giảm mạnh trong tuần đầu tiên của tháng 3 đã cho thấy nền kinh tế nước này chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19.

Các chỉ số chính thức của Mỹ về việc làm, lạm phát và GDP dường như đã được coi là "lỗi thời" khi sự bùng phát nhanh chóng của Covid-19 đang "tàn phá" nền kinh tế nước này. Những số liệu này thường được công bố chính thức sau 1 tháng. Tuy nhiên, những chỉ báo dưới đây lại được cập nhật thường xuyên, thể hiện rõ ràng hơn về cách người tiêu dùng phản ứng với cuộc khủng hoảng y tế này.

Tại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% nền kinh tế, do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng nặng nề hoặc khiến đà tăng trưởng tụt dốc. Bởi vậy, các nhà kinh tế cho rằng đây là rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số lĩnh vực đã cho thấy sự trì trệ.

Khách sạn

Tỷ lệ phòng có khách đặt tại Mỹ đã giảm xuống còn 61,8% trong tuần kết thúc vào ngày 7/3, từ mức 66,6% của 1 năm trước. Trong đó, các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là California, New York và Washington, theo công cụ theo dõi STR.

Tại Seattle – nơi ghi nhận dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất của nước Mỹ, tỷ lệ phòng được lấp đầy đã giảm xuống mức 52,3%, mức thấp nhất trong số 25 bang thuộc top đầu. Những khách sạn ở Anaheim-Santa Ana (California) gần Disneyland cũng trống trơn, đã đóng cửa từ hôm 14/3.

 5 chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu cú sốc mạnh do Covid-19  - Ảnh 1.

Lượng phòng có khách nghỉ tại các thành phố của Mỹ giảm mạnh.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu cá nhân của người dân cho chỗ ở chiếm 0,8% GDP. Con số này có thể sụt giảm 1 nửa nếu kịch bản như vụ khủng bố 11/9 diễn ra, Neil Dutta – trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Renaissance Macro Research, cho hay. Hiện tại, Nhà Trắng đang cân nhắc về một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ ngành du lịch đang chịu tác động mạnh do dịch bệnh.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng

Chỉ số này đã có diễn biến tiêu cực trong 6 tuần liên tiếp, đây là khoảng thời gian có đà giảm dài nhất kể từ năm 2015, theo chỉ số Consumer Comfort của Bloomberg. Thước đo niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh, khi tình hình tài chính của họ chịu ảnh hưởng do thị trường chứng khoán lao dốc. Dẫu vậy, người tiêu dùng vẫn chi tiêu đều và niềm tin vẫn ở mức cao so với thời điểm khủng hoảng tài chính diễn ra.

 5 chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu cú sốc mạnh do Covid-19  - Ảnh 2.

Chỉ số Consumer Comfort được thành lập dựa theo chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan. Richard Curtin – trưởng nhóm nghiên cứu trên của Đại học Michigan, nhận định dịch bệnh này không tạo ra "cơn hoảng loạn về kinh tế" như thời kỳ suy thoái kinh tế 2007-2009. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong niềm tin người tiêu dùng rất có thể sẽ xảy ra.

Bán lẻ

Báo cáo doanh số bán lẻ hàng tuần của Johnson Redbook là một "điểm sáng" duy nhất cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm, dù họ đã chuyển sang mua một số mặt hàng thiết yếu để dự trữ khi đối mặt với sự lây lan của Covid-19.

 5 chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu cú sốc mạnh do Covid-19  - Ảnh 3.

Doanh thu trong tuần đầu tiên của tháng 3 đã tăng 6%, dù hoạt động mua sắm tăng lên ở các cửa hàng có chương trình giảm giá, trong khi doanh thu của các cửa hàng trong trung tâm thương mại sụt giảm. Báo cáo này viết: "Dược phẩm, sản phẩm tẩy rửa, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, nước đóng chai và thực phẩm là những mặt hàng được ‘săn lùng’ nhiều nhất."

Phim, điện ảnh

Ngành công nghiệp điện ảnh – từ các chuỗi lớn nhất cho tới những công ty độc lập, đang cắt giảm hoạt động kinh doanh do lo ngại về sự lây lan của virus corona. AMC Entertainment Holdings, chuỗi rạp chiếu phim đứng đầu thị trường Mỹ, cho biết công ty sẽ giảm một nửa số lượng vé bán ra cho mỗi suất chiếu tại những bang như New York, California và Washington.

Trong khi nhiều người dân đang tránh những nơi đông người theo khuyến nghị của giới chức y tế, thì một số bộ phim vẫn thu hút khán giả. Một số hãng phim đang hoãn ngày công chiếu của một số tác phẩm bom tấn, như phần phim mới của James Bond "No Time to Die" (Không phải lúc chết) và "Mộc Lan" của Disney. Động thái này càng khiến các rạp chiếu phim trở nên vắng vẻ trong thời gian dài.

Lượng vé xem nhạc kịch Broadway

Hôm 12/3, Thống đốc bang New York – Andrew Cuomo, đã yêu cầu các nhà hát Broadway tạm thời đóng cửa và cấm các sự kiện đông người để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Các buổi biểu diễn sẽ được hoãn lại cho đến ngày 12/4, theo Hiệp hội biểu diễn Broadway. Trong tuần kết thúc vào ngày 8/3, lượng khách đến Broadway đã giảm 6,5% so với năm trước.

Theo đó, những địa điểm tham quan văn hoá nổi tiếng cũng tạm ngừng hoạt động. Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan tại New York, Hội trường Carnegie và Nhà hát Metropolitan đều đóng cửa.

Tham khảo Bloomberg

 5 chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu cú sốc mạnh do Covid-19  - Ảnh 4.

Theo Giang Ng

Cùng chuyên mục
XEM