5 cách cứu bạn thoát cảnh shopping quá đà khi cuối năm chỗ nào cũng giảm giá sốc, “cháy túi” vẫn cắm đầu mua?

15/11/2021 14:12 PM | Kinh doanh

Vào dịp cuối năm, không ít người hễ cứ thấy thứ gì hay ho là mua mà không cần biết mình có thực sự cần hay không.

Cuối năm là dịp mà cám dỗ mua sắm có ở khắp mọi nơi. Vì thế, không ít người rơi vào tình trạng chi tiêu quá tay cho bản thân và gia đình. Mặc dù vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của họ. Chẳng ai muốn bắt đầu năm mới trong tình trạng rỗng túi hay nợ nần cả.

Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia tài chính về cách chống lại cám dỗ chi tiêu quá mức dịp cuối năm:

Lập ngân sách mua sắm cuối năm

Chuyên gia tài chính cá nhân Bobbi Rebell cho biết: "Bước đầu tiên để đảm bảo không vung tay quá trán là quyết định số tiền bạn sẽ chi tiêu. Hãy ước tính xem bạn có thể tiết kiệm bao nhiêu lương tháng từ giờ cho đến cuối năm và dùng bao nhiêu trong số đó để mua sắm.

Nếu con số đó thấp, hãy cắt giảm chi tiêu ngay từ bây giờ để ngân sách mua sắm cuối năm tăng lên. Việc lập ngân sách chi tiêu như vậy cho phép bạn tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn hơn mà không phải lo lắng đến việc chi tiêu quá đà hay mắc nợ.

Tránh mua những thứ có tiền "ship" quá cao

Rebell nói: "Chi phí vận chuyển sẽ tăng cao trong mùa lễ cuối năm nay. Lời khuyên của tôi là hãy cân nhắc mua những thứ miễn phí vận chuyển hay chỉ tính một khoản phí nhỏ".

Mua online để tránh cám dỗ từ cửa hàng vật lý

5 cách để không mua sắm quá đà trong dịp lễ cuối năm - Ảnh 1.

Bạn sẽ có ít khả năng cho vào giỏ hàng những thứ mình không thực sự cần khi mua sắm trực tuyến. Một chuyên gia khuyên: "Hãy cân nhắc chuyển sang mua hàng online. Dù việc đến tận nơi chọn đồ rất thú vị nhưng các cửa hàng và siêu thị luôn có cách để khiến chúng ta mua nhiều hơn so với dự định. Khi mua sắm trực tuyến, bạn cũng nên hạn chế xem những sản phẩm được gợi ý".

Thanh toán bằng tiền mặt, hạn chế thẻ tín dụng

Thay vì quẹt thẻ tín dụng, hãy thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc tiền mặt. Khi tiền bị trừ trực tiếp hay ví mỏng đi, bạn sẽ thấy xót tiền hơn, từ đó hạn chế chi tiêu. Nếu dùng thẻ tín dụng để mua trả góp những món hàng giá trị lớn, bạn sẽ phải trả thêm cả tiền lãi và lãi suất thẻ tín dụng không hề thấp chút nào.

Trong khi đó, Bola Sokunbi, người sáng lập và CEO của Clever Girl Finance, khuyên bạn nên có một tài khoản chuyên dụng để chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ cuối năm.

"Một cách để chống lại sự cám dỗ của việc bội chi trong các kỳ nghỉ lễ là thiết lập một tài khoản dành riêng cho dịp cuối năm như quà tặng, du lịch, sự kiện... Bằng cách này, bạn có thể lập kế hoạch chính xác số tiền bạn có đủ khả năng chi mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu khác và đồng thời dễ dàng theo dõi chi tiêu dựa trên tài khoản này để luôn đi đúng hướng".

Giảm thời gian dùng mạng xã hội

Ngay cả khi tránh mua sắm ở các cửa hàng, bạn vẫn có thể bị cám dỗ để chi tiêu quá đà bởi những gì xuất hiện trên mạng xã hội. Vì vậy hãy thận trọng khi lướt mạng xã hội.

Mike Butler, Phó chủ tịch phụ trách tăng trưởng tại Asset Direct of Canada Inc. cho biết: "Bạn nên giảm thời gian dùng mạng xã hội. Thời điểm này, khi vô tình lướt qua quảng cáo hay ảnh của bạn bè khoe mua sắm thứ này thứ kia, bạn dễ bị thúc đẩy để làm điều tương tự. Nhiều trong số đó là những thứ bạn không thực sự cần.

Nguồn: Ins

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM