4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao?

25/12/2022 09:19 AM | Kinh doanh

Ông Trần Anh Vương (sinh năm 1972) được khán giả truyền hình biết đến thông qua chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) mùa 1 năm 2017 với tên gọi "Shark Vương". Thời điểm ngồi "bể cá mập" mùa 1 ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SAM Holdings, một trong hai công ty cổ phần đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần SAM Holdings (tiền thân là nhà máy Vật liệu Bưu điện II được thành lập năm 1986), là đơn vị đầu tiên trong ngành bưu chính viễn thông và tại tỉnh Đồng Nai được cổ phần hóa vào năm 1998.

Ngày 2/6/2000 đánh dấu SAM Holdings chính thức trở thành một trong hai công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán SAM, vốn điều lệ ban đầu là 120 tỷ đồng.

Trong suốt 20 năm phát triển, từ lĩnh vực hoạt động ban đầu là sản xuất và phân phối các loại cáp cho ngành bưu chính viễn thông, đến nay, SAM Holdings đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam.

Ông Trần Anh Vương, hay thường được gọi là Shark Vương, từng ngồi ghế Tổng Giám Đốc Sam Holdings giai đoạn 2016 - 2018.

Năm 2017, ông Vương xuất hiện trong chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa đầu tiên. Báo cáo thường niên của SAM năm này cho biết:

“Năm 2017 cũng ghi nhận những sự kiện quan trọng của SAM Holdings như việc tăng vốn điều lệ thành công từ 1.802 tỷ đồng lên 2.418 tỷ đồng, đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần SAM Holdings phù hợp với định hướng phát triển của Công ty theo mô hình holdings, chuyển trụ sở chính từ Đồng Nai về Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra Công ty còn tích cực tham gia tài trợ và đồng hành nhiều chương trình, sự kiện của cộng đồng doanh nghiệp như Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam…"

4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

Ông Trần Anh Vương - Cựu TGĐ SAM Holdings, ảnh: Shark Tank VN

Đến tháng 8/2018, ông Vương có đơn từ nhiệm vị trí TGĐ sau khi đã đăng ký bán toàn bộ 15,28 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,32% vốn điều lệ.

Sam Holdings đã công bố nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm chức danh TGĐ của ông Trần Anh Vương từ ngày 31/8/2018 và bổ nhiệm Phó TGĐ Trần Việt Anh thay thế vị trí này, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Sau khi ông Vương rời vị trí TGĐ, hoạt động kinh doanh của SAM không có quá nhiều thay đổi. 5 mảng kinh doanh chiến lược của tập đoàn vẫn bao gồm: Đầu tư tài chính; Bất động sản; Sản xuất công nghiệp (cáp điện với thương hiệu SACOM); Nông lâm nghiệp; BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.

Doanh thu tập đoàn trong giai đoạn từ 2016 - 2021 đạt đỉnh vào năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế (LNST) của năm này lại giảm nhẹ so với năm 2018 - 2019.

Trong 2 năm 2020 - 2021, do tình hình chung chịu ảnh hưởng của Covid nên doanh thu tụt giảm tương đối nhiều nhưng điểm sáng là LNST không bị ảnh hưởng, thậm chí năm 2021 LNST còn tăng 58% so với trước dịch.

4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao? - Ảnh 3.

Doanh thu hoạt động KD và lợi nhuận sau thuế của SAM (tỷ đồng)

Theo báo cáo chi tiết từ 2018 đến 2021, mảng kinh doanh đóng góp nhiều lợi nhuận cho SAM nhất là BĐS nhà ở, văn phòng và dây, cáp điện.

4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao? - Ảnh 4.

Tổng hợp từ BCTN của SAM

Hoạt động cho thuê và vận hành tòa nhà văn phòng SCS (Sacom Chíp Sáng) trong khu công nghệ cao đem lại nguồn lợi nhuận khá ổn định cho SAM. Mặc dù tình hình dịch bệnh trong năm 2021 vẫn diễn biến phức tạp, dẫn đến giãn cách toàn xã hội trong 5 tháng, đồng thời tỷ lệ lấp đầy toà nhà trong năm giảm nhẹ do khách hàng FPT rời đi, tuy nhiên ban lãnh đạo SCS đã chủ động ứng phó cắt giảm các chi phí vận hành liên quan đồng thời triển khai tìm khách hàng mới lắp đầy.

Với mảng BĐS KCN, năm 2021 là năm đầu tiên Capella Quảng Nam chính thức tham gia đóng góp vào hoạt động kinh doanh của Tập đoàn và đã đạt doanh thu thuần 1,43 tỷ đồng, vượt kế hoạch kinh doanh đề ra và tăng 148% so với cùng kỳ năm 2020.

BĐS du lịch chưa thoát lỗ năm 2019 lại tiếp tục gặp 2 năm Covid khó khăn.

Mảng Nông lâm nghiệp với SAM Agritech (SAG) vẫn đang trong giai đoạn đầu tư nền tảng, do đó nguồn thu nhập chính hiện tại vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào hoạt động chế biến và thương mại hồ tiêu. Do tình hình chung của thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng, giá tiêu liên tục suy giảm mạnh qua các năm khiến cho doanh thu, lợi nhuận năm 2021 của SAG không đạt được theo kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, từ mảng cáp điện truyền thống vốn là hoạt động kinh doanh "core" của doanh nghiệp hay những mảng phát triển sau này như BĐS, thuê văn phòng, nông nghiệp,... chưa đóng góp được nhiều vào tổng lợi nhuận của tập đoàn, trừ năm 2019 với điểm sáng về dự án Samsora Riverside, nhờ thi công nhanh và bàn giao sớm cho khách hàng, dự án này đã mang lại phần lớn doanh thu BĐS cho SAM Land.

4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao? - Ảnh 5.

Dự án Samsora Riverside. Nguồn: Samland

Trên thực tế, đầu tư tài chính mới là "trụ cột" thu nhập cho SAM. Báo cáo thường niên 2021 khẳng định, một trong những mảng kinh doanh mũi nhọn của Tập đoàn trong thời gian qua là đầu tư tài chính . Doanh thu tài chính hợp nhất năm 2021 đạt 362,5 tỷ đồng, vượt 122% so với năm 2020 và hoàn thành vượt kế hoạch 118,4%.

Năm 2021, SAM đã tích cực tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi ngắn hạn để thực hiện các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trên thị trường chứng khoán đồng thời đảm bảo tiêu chí thận trọng, bảo toàn nguồn vốn.

Trước đó, trong năm 2020, SAM đã bán 5,94 triệu cổ phần CTCP Đầu tư & Phát triển hạ tầng An Việt, ghi nhận khoản lãi 57,8 tỷ và thanh lý các khoản hợp tác đầu tư khác.

Năm 2019, SAM ghi nhận doanh thu tài chính từ việc thoái 13 triệu cổ phiếu CTCP Phú Hữu Gia thu lợi nhuận gần 120 tỷ đồng và bán 6.7 triệu cổ phiếu DNP, thu lợi nhuận 18 tỷ.

Năm 2017, doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu đến từ việc thoái vốn tại CTCP BĐS Hiệp Phú (lãi 90,7 tỷ) và các khoản đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán niêm yết. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính năm này đạt 77 tỷ đồng.

Mới đây, SAM Holdings thông báo đăng ký bán toàn bộ hơn 3,7 triệu cổ phiếu DNH (tỷ lệ 3,12%) của CTCP DNP Holding để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận từ 26/12/2022 đến 19/1/2023.

Tháng 11/2019 SAM Holdings mua vào 3,37 triệu cổ phiếu DNP (tỷ lệ 3,37%). Trước đó SAM Holdings không sở hữu cổ phiếu DNP nào. Thời điểm đó giá cổ phiếu DNP đang giao dịch quanh mức 14.000 đến 17.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại sau 3 năm sở hữu, SAM Holdings muốn thoái vốn. Giá cổ phiếu DNP đang “neo” quanh mức 24.200 đồng/cổ phiếu.

Dự kiến giao dịch thành công sẽ mang lại cho SAM một khoản thu nhập tài chính như mọi khi.

Về mặt quy mô, vốn điều lệ của SAM đã tăng từ 2.490 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 3.654 tỷ đồng vào tháng 3/2022. Riêng trong năm 2021, SAM đã tiến hành tăng vốn 934,6 tỷ đồng để triển khai đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và bất động sản khu công nghiệp.

4 năm sau khi Shark Vương từ nhiệm vị trí TGĐ và bán hơn 15 triệu cổ phiếu, Sam Holdings hoạt động ra sao? - Ảnh 6.

Nguồn: BCTN của DN

Tốc độ tăng trưởng hằng năm của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của SAM trong giai đoạn 2016-2021 lần lượt là 15.6% và 13.3%.

Theo BCTC tự lập, tại thời điểm 30/09/2022, tổng tài sản của SAM Holdings đạt 9.915 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm là 1.574 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 117 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 70 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM