35 tỷ USD xuất khẩu ngành nông nghiệp: Chiến lược 3 trục sản phẩm cần tập trung đẩy mạnh

01/11/2017 19:09 PM | Xã hội

Hiện sản xuất nông nghiệp Việt Nam không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước với 30 tỷ USD năm vừa qua và năm nay dự kiến 35 tỷ USD.

Trong phiên làm việc ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Xuân Cường trả lời chất vấn liên quan đến 3 nội dung lớn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng với cơ chế thị trường; Chuyển giao nhiệm vụ quản lý phân bón và chất lượng phân bón; Chính sách đối với quản lý và bảo vệ rừng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Cường hiện sản xuất nông nghiệp Việt Nam không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước với 30 tỷ USD năm vừa qua và năm nay dự kiến 35 tỷ USD. Hai vấn đề cấp bách với ngành nông nghiệp trong bối cảnh mở cửa được Bộ trưởng nêu ra gồm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu và thích ứng cơ chế thị trường. 

Ông cho rằng biến đổi khí hậu 2 năm vừa qua diễn ra cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn kể cả kịch bản đã dự đoán. Điều này đã gây tổn thất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của ta. Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là một nguyên tắc cơ bản để chúng ta tiến hành tái cơ cấu kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, quy mô ngành hàng vùng và quy mô ngành hàng địa phương.

Những tác động của biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho rằng nếu biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn vẫn thành công trong tái cơ cấu. Hiện chương trình tái cơ cấu chung của ngành nông nghiệp thực hiện theo 3 trục sản phẩm:

Một là trục sản phẩm quốc gia. Với 10 sản phẩm nông nghiệp có  giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đang được Bộ rà soát lại hết, tập trung vào những khâu yếu nhất ở những chuỗi sản xuất đó để tác động vào. Lấy ví dụ về cá tra, hiện chỉ chỉ có 5.000 ha nuôi cá tra nhưng cho ra sản lượng 1,3 triệu tấn. Với sản phẩm này, hiện nay khâu khó phải tập trung là giống chưa tốt, phải tập trung; chế biến ra sản phẩm chưa nhiều, chưa sâu. Hiện tỉnh An Giang phối hợp cùng Bộ Khoa học, Bộ Nông nghiệp làm tốt khâu giống, hiện nay đảm bảo được khoảng 30% và Bộ Nông nghiệp sẽ giải quyết nốt 100%. 

Thứ hai là trục sản phẩm của cấp tỉnh. Tất cả các tỉnh đều lựa chọn các sản phẩm mang tính chất quy mô, đặc sản, quy mô sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh, ở đâu cũng có xoài Cao Lãnh, rau hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong của Hòa Bình. Điển hình tỉnh Bắc Giang có 3 sản phẩm chính, chủ lực của tỉnh: Vải thiều 20.000 ha có giá trị sản lượng 50.000 tỷ, riêng gà đồi Yên Thế 15 triệu con có giá trị sản lượng 1.400 tỷ, na của Lục Nam hơn 3.000 ha có giá trị gần 1.000 tỷ. Như vậy, riêng một tỉnh lựa chọn đúng đối tượng ngành hàng, đúng tính chất quy mô của tỉnh, chúng ta cũng có giá trị 6.000 - 7.000 tỷ, gần 500 triệu USD. Ông cũng đưa ra thông tin hiện Bắc Giang đang phấn đấu thời gian ngắn tới sẽ đưa giá trị tăng gấp đôi của những ngành hàng quy mô cấp tỉnh.

Trục thứ ba là trục sản phẩm mỗi làng một sản phẩm, hay nói đúng hơn là mỗi khu vực của lân cận các xã có đặc thù, đặc sản. Hiện cả nước có gần 19.000 xã, trải dài 15 vĩ độ, tiểu khí hậu tốt, nông hóa thổ nhưỡng các vùng tốt, lựa chọn những sản phẩm mang tính địa phương, tổ chức ngành hàng cũng theo quy trình đưa nông nghiệp công nghệ cao nhưng quy mô mang tính chất đặc sản.

Bộ trưởng Cường lấy dẫn chứng về Quảng Ninh 3 năm làm OCOP rất tốt, cho đến hôm nay riêng Quảng Ninh đã thành lập được 198 doanh nghiệp và hợp tác xã từ người dân làm chương trình này, đưa ra 290 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm đạt cấp độ 5 sao. Những sản phẩm này xuất khẩu được như Trà hoa vàng, chả cá mực.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM