32 vụ tắc đường trong 3 tháng: Singapore thua xa Việt Nam?
Hiệp hội Vận tải Hà Nội và TP.HCM đều tỏ ra bất ngờ trước con số cả nước xảy ra 32 vụ tắc đường trong 3 tháng đầu năm.
Hà Nội hay tắc đường do có quá nhiều trụ sở Giải oan Hà Nội: Tắc đường, trộm cắp... vẫn hạnh phúc
Hà Nội, TP.HCM vượt cả Singapore
Sáng 12/4, trong báo cáo sơ kết quý I/2016 của Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội, dù thừa nhận tình hình ùn, ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại nhiều đoạn tuyến, nhưng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước chỉ có 32 vụ ùn tắc giao thông, trong đó TP HCM 12 vụ, Hà Nội 9 vụ.
Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên.
“Tôi thấy số liệu công bố không phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, tôi nghĩ đã nhiều hơn thế rất nhiều. Sáng nào ra đường tôi cũng thấy tình trạng ùn, tắc xảy ra. Riêng ngày lễ và ngày tết thì tắc thường xuyên, nhất là bến xe ở trước đường Lê Duẩn, Phát Vân – Cầu Giẽ, rồi những tai nạn xảy ra dẫn đến ùn tắc ở các tuyến đường trên cao. Ở Mỹ Đình, Phạm Hùng thì hầu như không có ngày nào là không bị tắc.
Tôi ghi nhận là thành phố có nhiều nỗ lực để giảm ùn tắc nhưng tính ra 3 vụ tắc đường/tháng là vô lý. Ngay cả Singapore họ làm đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng không được như vậy. Nếu với số liệu vừa được công bố thì Hà Nội và TP.HCM rất ít khi tắc đường, thậm chí còn ít hơn cả Singapore, ít hơn cả Thái Lan, đứng đầu Đông Nam Á.
Nếu chúng ta đạt được thành tích đó thì chẳng cần chiến lược là hạn chế phương tiện cá nhân hay chống ùn tắc giao thông trong nhiệm kỳ tới này cả”, ông Liên đặt vấn đề.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thừa nhận, với những con số vừa được công bố, người dân sẽ phản đối vì thực tế trên đường hàng ngày đã phơi bày tất cả những hạn chế của GTVT nước ta.
“Tôi không hiểu phía bên Ủy ban ATGT quốc gia lấy đâu ra những con số đó. Nhưng người dân chắc chắn sẽ phản đối. Cá nhân tôi cũng vậy. Sáng nào tôi đưa cháu đi học cũng tắc đường, hôm nào ít thì 15 phút, hôm 30 phút có hôm lâu hơn.
Tôi nghĩ là không nên coi trọng kết quả vừa được công bố vì nó không có tác dụng thúc đẩy chống ùn tắc. Phải thấy rằng người dân thủ đô đang bị ùn tắc giao thông, chính vì thế nó làm cho người dân nghĩ rằng mọi công dân phải đóng góp một cái gì đó để giải quyết, giảm bớt các khó khăn bản thân mình và cho xã hội nói chung. Nói như vậy thì quá lạc quan”, ông Liên nhấn mạnh.
Cần nhìn nhận lại khái niệm tắc đường
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cần phải nhìn nhận lại khái niệm tắc đường cho đúng, cho đầy đủ, nếu không người dân tỏ chỉ nhìn vào số liệu công bố sẽ tỏ ra ra lạc quan và không thể huy động được toàn dân tham gia chống ùn tắc giao thông.
“Tắc đường 10 phút, 15 phút cũng là tắc chứ không không thể hiểu ngầm rằng tắc 1 tiếng, 2 tiếng đồng hồ mới gọi là tắc đường. Những trường hợp tắc nhiều giờ liền chỉ là đột biến trong vòng 1 năm, trong 6 tháng còn tại các điểm ùn tắc giao thông, người dân vẫn hàng ngày đi làm, đi học muộn giờ.
Cho nên những con số đó không phải lấy ra để làm thành tích mà phải được vấn đề thực sự là người dân hiện nay ở thủ đô cũng như TP.HCM ra đến đường là bị ùn, bị tắc. Đây là nỗi khổ của những người đi xe máy, đi xe máy, đi ô tô khi phải thường xuyên đứng ở trên đường để chờ đợi và phải hít thở khí thải do phương tiện thải ra, rất là vất vả”, ông Liên nhận định.
Mổ xẻ lý luận không tắc đường vì xe vẫn nhúc nhích
Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM cũng cho rằng thống kê tắc đường tại TP.HCM như vậy là chưa chính xác.
“TP.HCM rất rộng, cá nhân tôi không thể quan sát hết được. Nhưng thống kê 3 tháng thành phố xảy ra 12 vụ thì không đúng với thực tế. Tôi thấy đoạn cảng Cát Lái, vòng xoay Mỹ Thủy hay đoạn cầu Phú Mỹ ngày nào cũng tắc đường thì làm sao có thể 4 vụ/tháng được. Những chỗ đó, tắc ít thì 15 phút, có lúc nửa tiếng, thậm chí nhiều hơn”, ông Quản nêu dẫn chứng.
Từ thực tế trên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM đặt câu hỏi: “Thế nào là tắc đường? Tắc đường chỉ tính không di chuyển được hay di chuyển chậm 30-40 phút một quãng đường 600m đến 1km không tính? Cần phải quy định rõ ràng để không bị hiểu lầm”.