32 tuổi có 2 tỷ đồng, có nhà cho thuê, muốn về quê nghỉ hưu nhưng chuyên gia khẳng định ngay: Đừng lấy tự do làm "điểm dừng" tài chính

20/03/2022 20:02 PM | Sống

Tự do tài chính là một trạng thái và bạn phải không ngừng duy trì, cân bằng trạng thái đó để không phải đối mặt với các rủi ro đến từ cuộc sống.

Trong số thứ 12 của Tự do tài chính mang tên "An toàn - Độc lập - Tự do", chị Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản, Khối trong nước DCVFM có chia sẻ khá mới mẻ về chủ đề tự do tài chính.

Cụ thể, khán giả Quỳnh Nga của chương trình bày tỏ mong muốn bỏ phố về quê, nghỉ hưu sớm ở tuổi 32 khi đã có trong tay 2 tỷ đồng cùng một căn chung cư cho thuê ở Hà Nội, đem lại thu nhập thụ động khoảng 12 triệu đồng/tháng.

Trước tình huống này, chị Lương Thị Mỹ Hạnh nhận định: "Bạn đã có 2 tỷ đồng để đầu tư, nếu tính trung bình lãi suất đầu tư thu về là 10%, vậy mỗi tháng có thêm một khoản thu nhập là 20 triệu đồng. Cộng với tiền cho thuê căn hộ chung cư, bạn Quỳnh Nga đã sở hữu khoảng 32 triệu đồng mỗi tháng. Nếu như chi tiêu theo mức sống mong muốn của bạn nằm dưới con số 32 triệu đồng thì bạn đã bước vào giai đoạn tự do tài chính."

Khi đã bước qua ngưỡng tự do tài chính, nếu bạn Quỳnh Nga vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt hơn, gia tăng lợi nhuận của mình từ 10% lên tới 12 - 15% thì sự tích lũy sẽ ngày càng tăng tiến.

Tuy nhiên, nếu "bỏ phố về quê", mức lao động gần như bằng 0 thì cô gái 32 tuổi cũng phải đối mặt với không ít rủi ro.

32 tuổi có 2 tỷ đồng, có nhà cho thuê, muốn về quê nghỉ hưu nhưng chuyên gia khẳng định ngay: Đừng lấy tự do làm điểm dừng tài chính - Ảnh 1.

Chị Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản, Khối trong nước DCVFM chia sẻ về "Tự do tài chính" trong chương trình Money Talk. Ảnh: MoneyTalk

Nữ Giám đốc quản lý tài sản nhận định: "Rủi ro là luôn có dù mình vẫn đang nằm trong ngưỡng tự do tài chính. Điều đó có thể đến từ việc mong muốn của mình thay đổi, mức sống gia tăng, chẳng hạn mình không thích đi xe máy mà muốn đổi sang đi xe hơi. Hoặc là biến động trong đầu tư, trong cuộc sống, tất cả đều có thể đem tới rủi ro."

Do đó, không phải đạt tự do tài chính là mình có thể dừng lại. Chị Hạnh cho rằng, chúng ta vẫn phải tiếp tục tìm cách duy trì, tiếp tục cân bằng trạng thái tự do đó.

"Tự do tài chính không phải một điểm dừng. Nó giống như một vòng xe đạp phải không ngừng quay đều, yêu cầu chúng ta không ngừng nỗ lực", Host Dương Ngọc Trinh tổng kết.

Bên cạnh đó, khi mà đại dịch Covid-19 thay đổi khá nhiều khía cạnh trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể an tâm với tình trạng tự do tài chính của mình.

Rất nhiều mặt bằng cho thuê bị trả lại, khiến nguồn thu nhập thụ động của đa số người bị ảnh hưởng. Đây cũng là một rủi ro được đề cập và thảo luận trong chương trình. Để cân bằng trạng thái, người ta phải tiếp tục tìm kiếm những con đường đầu tư khác.

Theo đó, chị Hạnh cho rằng: "Nếu bạn Quỳnh Nga có thể đầu tư 2 tỷ đồng trong tay một cách thích hợp và thông minh thì khoản tiền đó hoàn toàn có thể tài trợ cho những chi tiêu thường ngày. Bên cạnh đó, số tiền vẫn tiếp tục tăng trưởng hơn."

Quả thật, "An toàn - Độc lập - Tự do" tài chính - 3 khái niệm "na ná" nhau trong cách hiểu của nhiều người, đều là những từ chỉ tình trạng tài chính ổn định. Tuy nhiên, ba khái niệm này "nhìn vậy mà không phải vậy", chúng là những trạng thái tài chính khác nhau mà mỗi cá nhân phải vượt qua.

Khi nói với về tự do tài chính, Host Ngọc Trinh nhấn mạnh "Đầu tư chính là khoản bảo hiểm lớn nhất để mình có một cuộc sống an toàn và tự do tài chính."

Theo Thúy Phương

Cùng chuyên mục
XEM