3 tháng trong dịch, thị trường bán lẻ Tp.HCM không ghi nhận nguồn cung mới, giá chào cho thuê ngoài trung tâm xu hướng giảm

06/10/2021 16:30 PM | Kinh doanh

Theo báo cáo thị trường BĐS Tp.HCM quý 3/2021 của CBRE Việt Nam, thị trường bán lẻ không ghi nhận nguồn cung mới và tổng nguồn cung bán lẻ tại Tp.HCM giữ nguyên mức 1.068.128 m2. Giá chào thuê khu trung tâm giữ nguyên mức 137 USD/m2/tháng và giá chào thuê khu ngoài trung tâm giảm 3,8% so với quý trước.

Theo đơn vị này, đợt dịch Covid-19 mới đã khiến tất cả TTTM đóng cửa từ đầu tháng 6 và đa số đang xem xét việc mở cửa lại trong tháng 10/2021 đi kèm với những điều kiện an toàn về phòng chống dịch cũng như có khả năng thu hẹp thời gian mở cửa mua sắm; các ngành hàng vui chơi giải trí tạm thời chưa có thông báo được hoạt động trở lại. Các khách thuê hiện hữu đều được miễn phí giá thuê trong giai đoạn áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ.

Trong Quý 3/2021, thị trường không có nguồn cung mới và tổng nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM giữ nguyên mức 1.068.128 m2. Giá chào thuê khu trung tâm giữ nguyên mức 137 USD/m2/tháng và giá chào thuê khu ngoài trung tâm giảm 3,8% so với quý trước, đạt 32,6 USD/m2/tháng, do các chủ đầu tư chủ động đưa ra mức giá ưu đãi cho những mặt bằng còn trống, tuy vậy diện tích thuê mới không đáng kể.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ toàn quốc giảm 28% so với cùng kỳ năm trước đi kèm với niềm tin người tiêu dùng đang ở mức thấp, theo thống kê của Infocus Mekong.

Tuy vậy, tương tự như các quý trước, hoạt động M& A vẫn sôi nổi. Các doanh nghiệp lớn tích cực trên thị trường bán lẻ như Masan mua lại 70% cổ phần Mobicast để mở rộng sang Dịch vụ số hay Thế Giới Di Động với chuỗi Bách Hóa Xanh cũng ghi nhận hoạt động tích cực trong giai đoạn quý 3/2021. Tại các thị trường tỉnh, chuỗi siêu thị Go! của Central Group đẩy mạnh mở rộng/trùng tu trong giai đoạn 2 trong năm tới và tại các mô hình khu đô thị, khu du lịch… Nhiều chủ đầu tư dần quan tâm hơn đến việc nghiên cứu phát triển hạng mục bán lẻ trong dự án của mình.

Dự báo của CBRE Việt Nam, thị trường dự đoán sẽ có thêm 200.000 m2 diện tích bán lẻ từ đây cho đến 2024, trên toàn thành phố.

Trong ngắn hạn, các ngành nghề như ăn uống, chuỗi cà phê, Siêu thị tiện lợi, sức khỏe và sắc đẹp hoặc thời trang thể thao, thường phục sẽ tiếp tục được mở rộng ở mô hình Nhà phố thương mại cũng như thị trường tỉnh, do ngày khai trương của các TTTM mới bị lùi lại. Tâm lý thị trường cho thuê vẫn ở mức chưa khả quan.

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám Đốc, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong giai đoạn cuối năm do tình hình kiểm soát dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nước rút. Trong thời gian tới, các dự án TTTM đặc biệt là TTTM quy mô lớn cần điều chỉnh phù hợp chính sách cho thuê, hỗ trợ cũng như thay đổi cơ cấu ngành hàng để phù hợp với nhu cầu thuê hiện tại của các nhãn hàng. Xét đến yếu tố vĩ mô, chỉ khi nền kinh tế hồi phục đi kèm với thu nhập người dân tăng trở lại, thị trường bán lẻ mới có thể bước vào chu kỳ phát triển mới.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM