3 tháng không chốt được khách, môi giới thấp thỏm lại lo tới "tháng cô hồn"

24/07/2022 10:40 AM | Kinh doanh

Chạy quảng cáo nhưng không ra đơn, rao bán sản phẩm 3 tháng không có người mua… là những gì mà môi giới đang phải đối mặt khi thị trường trầm lắng. Nỗi lo đó càng gia tăng khi nhiều môi giới than thở, sắp đến "tháng cô hồn", cơ hội tìm khách lại càng heo hút.

Môi giới than khó

3 năm làm nghề môi giới nhưng lần đầu tiên, chị Lê Nhàn (Hà Nội) rơi vào tình cảnh 3 tháng không có bất kỳ giao dịch nào thành công xảy ra. Chuyên môi giới đất nền tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, chị Nhàn kể có thời điểm, tháng chốt thành công tới 4 giao dịch. Ngay cả lúc dịch bệnh, vẫn có khách hàng thi thoảng hỏi thăm và lác đác giao dịch được chốt.

Nhưng trong vòng 3 tháng nay, chị Nhàn than thở: "Khách hỏi không có ai. Giao dịch cũng chưa chốt được một thương vụ nào. Ngay cả chủ đất nhờ bán hộ có cắt lỗ tới 15% nhưng chẳng có khách mua".

Chị Nhàn chia sẻ thêm, suốt khoảng thời gian vừa qua, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu của chồng. Thậm chí, chị đã phải sử dụng tới khoản tiền tiết kiệm. "Mấy tháng ròng không chốt được đất. Lại sắp tới là tháng cô hồn, khả quan là cũng khó tìm được khách. Chắc thêm 1, 2 tháng nữa, tôi chuyển tạm xin một công việc khác", chị Nhàn chia sẻ.

 3 tháng không chốt được khách, môi giới thấp thỏm lại lo tới tháng cô hồn  - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tương tự như chị Nhàn, anh Trần Huy (Hải Dương) cho biết, giai đoạn đầu năm, công việc của anh khá suôn sẻ. Lượng khách hỏi thăm nhiều và tỷ lệ chốt khách tốt. Nhưng hơn 2 tháng trở lại đây, công việc trở nên khó khăn. Lượng khách hỏi vẫn có nhưng tỷ lệ chốt khách bằng 0. Thậm chí, ngay cả chạy quảng cáo tìm khách hàng nếu như trước đây đều ra đơn thì hiện tại, đổ bao vốn cũng không xuất hiện đơn cho khách.

Để tìm thêm khách, anh Huy còn mua thêm nguồn thông tin khách hàng và gọi điện để chăm sóc. "Nhưng cũng không ăn thua vì người mua đều dập máy. Tình hình ế ẩm này chắc còn kéo dài tới tháng cô hồn", môi giới này cho biết.

Mới vào nghề 6 tháng, với Hoàng Lâm, đây đúng là giai đoạn thử thách sự kiên trì với nghề. 6 tháng vào nghề trong đó có 1 tháng đầu học việc. Tháng 2 bắt đầu chốt khách thành công với 2 thương vụ, cầm về 60 triệu đồng tiền hoa hồng. Cứ tưởng mọi việc dễ dàng nhưng 4 tháng trôi qua, thu nhập cuả Lâm là con số 0 tròn trĩnh. Dù thừa nhận hơi nản, và tự động viên tinh thần rằng, đây là giai đoạn chững lại cho học hỏi rèn luyện, nhưng Lâm hoang mang vì sẽ không có thu nhập để trang trải sinh hoạt phí.

"Khách gọi điện chỉ hỏi thăm nhưng bảo đi xem thì từ chối. Khách nhắn tin hỏi sản phẩm nhưng cứ đến khâu đi xem cũng từ chối. Thị trường hiện tại trầm lắng. Những anh em môi giới làm mảng nhà đất đều ngồi chơi dài", Lâm cho hay.

Chia sẻ về dự định trong nghề, Lâm cho biết, hiện môi giới này đã nộp hồ sơ vào xin việc vào nhân viên kinh doanh của công ty chuyên về sữa để kiếm thêm thu nhập cầm cự trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Lâm khẳng định, sẽ không bỏ nghề môi giới mà vừa kết hợp tư vấn mua – bán đất, vừa tranh thủ làm thêm công việc khác kiếm thêm tiền.

Thời khó khăn của môi giới đã tới

Thời khó khăn của môi giới đã xuất hiện khi thị trường đang trở nên trầm lắng. Làn sóng môi giới bỏ nghề hoặc chuyển tạm sang công việc khác đã và đang xuất hiện. Theo chuyên gia, thị trường địa ốc trong thời gian tới sẽ chưa thể phục hồi ngay và sắp tới lại đến "tháng cô hồn". Tâm lý của khách hàng sẽ trở nên e dè giao dịch trong tháng 7 âm lịch. Môi giới sẽ còn khó khăn vì thu nhập giảm mạnh trong thời điểm thị trường trầm lắng.

Báo cáo mới đây của batdongsan.com.vn nhận định, mức độ quan tâm đến bất động sản sụt giảm trong 3 tháng qua. Mặc dù vậy nhưng khả năng giảm giá trong ngắn hạn là khó xảy ra.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Kim Chung nhận định, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022 có nhiều diễn biến khác nhau giữa các phân khúc, song điểm chung là đều không có sự bứt phá.

Một kịch bản mà ông Chung đưa ra đó là nếu kinh tế thế giới diễn biến theo hướng tiêu cực; trong nước lạm phát tăng, vốn đầu tư công không giải ngân đúng tiến độ..., thị trường sẽ trầm lắng.

Trong khi đó, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cũng chỉ ra thách thức lớn cho thị trường địa ốc. Theo ông Khương, có 3 vấn đề mà thị trường sẽ phải đối mặt, đó là nguồn cung ít, giá bán vẫn cao và thanh khoản chậm. Nguyên nhân là quỹ đất hạn chế, không phát triển được các dự án mới, nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao. Một số sản phẩm được quan tâm là căn hộ đã bàn giao, có "sổ đỏ", nhà phố trong trung tâm các thành phố lớn, đất nền của các địa phương gần Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có mức giá hợp lý.

Theo Triệu Vương

Cùng chuyên mục
XEM