3 'quy tắc ngầm' để phụ huynh có mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô

08/03/2023 20:30 PM | Sống

Nếu làm tốt những điều này, bạn sẽ là phụ huynh học sinh mà thầy cô nào cũng yêu mến.

Một cư dân mạng từng chia sẻ câu chuyện trên một diễn đàn dành cho phụ huynh. Cô kể, bạn cô muốn tạo mối quan hệ tốt với giáo viên, một ngày đánh tiếng mời cô giáo ra nhà hàng ăn uống nhưng không nhận được sự đồng ý. Lý do cô giáo đưa ra là: Đứa trẻ vẫn được chăm sóc đầy đủ, cha mẹ không cần phải lo lắng quá nhiều!

Tuy nhiên, sau khi bị từ chối, người bạn đó cảm thấy rất khó chịu, cô ấy nói: "Cô giáo không muốn ra ngoài ăn cơm, có phải không thích con mình? Mình mua một bộ mỹ phẩm đắt tiền tặng cho cô nhé". Phụ huynh này cứ nghĩ đủ thứ quà mà không hiểu sự nhiệt tình của mình có thể trở thành gánh nặng cho giáo viên.

Khi con mới bắt đầu đi học, hầu hết cha mẹ sẽ rất lo lắng về tình hình của con, sợ trẻ không thích nghi được với môi trường và quấy khóc, bị bắt nạt, ức hiếp,... Nhiều người vì thế cố gắng hết sức lấy lòng giáo viên bằng những món quà để thầy cô phải đặc biệt quan tâm đến con mình. Tuy nhiên trên thực tế, món quà tuyệt vời nhất mà giáo viên mong muốn nhận được chưa hẳn đã là vật chất. 

Không phải tặng quà, đây mới là 3 "Quy tắc ngầm" để phụ huynh có mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô  - Ảnh 1.

Trên thực tế, món quà tuyệt vời nhất mà giáo viên mong muốn nhận được chưa hẳn đã là vật chất.

Có những "quy tắc ngầm" để chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt với thầy cô, không nhất thiết phải mời ăn uống, tặng quà. Nếu làm tốt những điều này, bạn sẽ là phụ huynh học sinh mà thầy cô nào cũng yêu mến.

1. Tin tưởng

Khi con đi học, nhất là giai đoạn nhà trẻ, cô giáo chính là người tiếp xúc và dạy dỗ con nhiều nhất, không chỉ về kỹ năng, kiến thức mà còn góp phần hình thành nhân cách trẻ. Một khi đã gửi gắm, cha mẹ nên có niềm tin vào giáo viên. 

Một số phụ huynh vì lo lắng nên hàng ngày liên tục hỏi thăm tình hình của con. Cha mẹ cần biết rằng có rất nhiều trẻ mà giáo viên cần chăm sóc, không thể chỉ nhìn chằm chằm vào con mình. Việc "làm phiền" giáo viên liên tục sẽ tạo cho họ cảm giác phụ huynh không tin tưởng mình, gây mệt mỏi và áp lực tâm lý.

Giáo viên mẫu giáo đặc biệt gặp khó khăn khi chăm sóc những đứa trẻ còn nhỏ, khả năng ngôn ngữ hạn chế. Sự tin tưởng của phụ huynh đối với giáo viên là rất quan trọng. Vài trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" có thể khiến cha mẹ lo lắng nhưng trên thực tế, hầu hết các giáo viên đều có đạo đức tốt và đối xử với trẻ một cách kiên nhẫn và cẩn thận. Chỉ khi phụ huynh và giáo viên tin tưởng lẫn nhau thì mới có thể phối hợp tốt hơn trong công tác giáo dục trẻ.

2. Dạy con tốt hơn là nghĩ cách làm "đẹp lòng" giáo viên

Khi con đi học, cha mẹ luôn mong muốn con được cô giáo quan tâm nhiều hơn. Thực tế, hầu hết các giáo viên đều đối xử bình đẳng với trẻ. Có thể khi bạn tặng một món quà, cô giáo sẽ để ý con bạn hơn một chút. Nhưng nếu đứa trẻ quậy phá, vô kỷ luật thì không có giáo viên nào kiên nhẫn lâu dài. Ngược lại, con bạn ngoan, thông minh thì dù cha mẹ không tặng quà, cô giáo cũng sẽ có thiện cảm hơn với bé.

Trước khi trẻ đi học, cha mẹ hãy trau dồi khả năng tự chăm sóc bản thân của con. Bên cạnh đó, rèn luyện cho con cách cư xử văn minh, lịch sự, biết đoàn kết với các bạn trong lớp, kính trọng thầy cô. Bên cạnh đó, trẻ học cách gọi tên cảm xúc càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ có kỹ năng phân biệt và đánh giá cảm xúc xung quanh thường dễ hòa đồng hơn với những đứa trẻ khác. 

Con cũng cần biết cách chào hỏi người khác và chờ đợi, không cắt ngang lời người khác khi nói chuyện. Đến 5-6 tuổi, con cần biết xin phép, biết cảm ơn, xin lỗi. Cha mẹ sẽ là tấm gương quan trọng và đóng vai trò tích cực trong giai đoạn này.

Trẻ ở nhà là một đứa trẻ, nhưng khi bước vào cuộc sống tập thể, trẻ cần tuân thủ các quy tắc chung. Nếu đứa trẻ được tùy tiện và nuông chiều như ở nhà sẽ khiến khối lượng công việc của giáo viên rất nặng nề.

3. Hợp tác và giao tiếp với giáo viên nhiều hơn

Đối với giáo dục trẻ em, giáo viên và phụ huynh nên đứng trên cùng một "mặt trận", thống nhất cùng một quan điểm giáo dục.

Về phía phụ huynh, nên thông báo với giáo viên chủ nhiệm một cách khái quát tình hình của con em mình. Đó là tình hình sức khỏe của trẻ, tình hình tâm lý của trẻ, như trẻ có kiên nhẫn hay không, có hay cáu bẳn không, trẻ có dễ xúc động không, trẻ dạn dĩ, năng động hay nhút nhát… Đồng thời, giáo viên hiểu được hoàn cảnh và điều kiện sống của bé. Từ đó đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp và tạo mối quan hệ thân thiết, thân thiện và cởi mở hơn giữa phụ huynh và giáo viên.

Ngoài ra, các hoạt động, sự kiện ở trường cũng là dịp để nhà trường và các bậc phụ huynh có cơ hội giao lưu. Cha mẹ nên sắp xếp thời gian tham gia.

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM