3 quy tắc dùng smartphone để không gây hại đến não bộ

31/03/2018 17:00 PM | Công nghệ

Các nhà khoa học có đủ lập luận để tin rằng, điện thoại hay smartphone thực sự có tính gây nghiện và khiến con người bị trầm cảm.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đã quá quen với âm thanh như tiếng chuông điện thoại , tin nhắn, thông báo ứng dụng,…Nhưng đó chỉ là số ít những tác động mà smartphone có thể ảnh hưởng tới bạn bằng cách này hay cách khác.

3 quy tắc dùng smartphone để không gây hại đến não bộ - Ảnh 1.

Mỗi chúng ta đang trở thành một nô lệ cho smartphone trong thời đại số

Sẽ có người cho rằng, những âm thanh này là đặc trưng của đời sống hiện đại và chúng ta buộc phải làm quen với nó. Tuy nhiên, sống mà không phải chịu sự căng thẳng từ smartphone và công nghệ thì vẫn hơn chứ phải không?

Vậy smartphone và công nghệ tác động thế nào tới não bộ của bạn? Hãy cùng tìm hiểu qua những phân tích và nghiên cứu khoa học dưới đây:

1. Bộ não chỉ có thể làm một thứ trong cùng một thời điểm

Điều này cũng giống như việc chúng ta vừa muốn dùng smartphone để check Facebook, vừa muốn đọc tin tức mới hay xem một video giải trí vậy. Các nhà khoa học từ lâu đã đặt giả thuyết, đa số chúng ta (khoảng 97,5%) không thể làm nhiều việc cùng lúc. Nhưng còn 2,5% kia là những người có khả năng đa nhiệm cực kỳ tốt. Họ có thể vừa lái xe mà vẫn nói chuyện điện thoại dễ dàng.

3 quy tắc dùng smartphone để không gây hại đến não bộ - Ảnh 2.

Điện thoại chi phối quá nhiều tới khả năng tập trung của não bộ

Nhưng phải nhắc lại, chỉ có 1/50 người sở hữu siêu khả năng này. Điều này cũng có nghĩa rằng trả lời thông báo, nhận cuộc gọi hay tin nhắn sẽ khiến chúng ta bị phân tâm. Đôi khi, chuyển từ việc này sang việc khác chỉ mất vài giây nhưng cũng có trường hợp mất rất nhiều thời gian. Quá trình này chắc chắn ảnh hưởng không hề nhỏ sức khỏe não bộ của bạn.

Khi làm nhiều việc cùng lúc, chúng ta đang tự tạo áp lực vô hình cho bản thân. Và áp lực đó sẽ kích thích cơ thể tiết ra hormone căng thẳng cortisol, một loại hormone stress gây nguy hiểm cho sức khỏe.

2. Dùng điện thoại nhiều, não bộ sẽ ngày càng "lười" hơn

Bộ não của con người không thể xử lý quá nhiều thông tin cùng lúc. Trung bình, số thông tin có thể quy đổi ra chỉ rơi vào khoảng 60 byte/giây.

Dưới áp lực có quá nhiều công việc, chúng ta buộc phải chọn cách vắt óc để suy nghĩ. Thế nhưng giờ đây, con người đã có những trợ thủ đắc lực như Google Search, smartphone hay cả trợ lý ảo. Do đó không khó hiểu khi chúng ta dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại, nhờ cậy smartphone hay trợ lý ảo thông minh.

3 quy tắc dùng smartphone để không gây hại đến não bộ - Ảnh 3.

Lệ thuộc quá nhiều vào smartphone chỉ khiến não bộ ngày càng lười tư duy hơn mà thôi!

Phụ thuộc vào cái gì quá nhiều cũng không tốt. Quả thực đã có nhiều bằng chứng cho thấy, lệ thuộc tư duy và suy nghĩ vào smartphone, trợ lý ảo khiến não bộ ngày càng lười biếng hơn. Nghiên cứu đã chứng minh, những người thông minh và có óc phân tích hiếm khi tìm kiếm qua smartphone. Không thể phủ nhận lợi ích tìm kiếm nhanh nhưng rõ ràng smartphone đang làm hạn chế khả năng tư duy của con người.

Đọc tin trên smartphone có thể là cách hay để tiếp thu tin tức và nâng cao hiểu biết. Thế nhưng việc đọc sách đôi khi lại có lợi hơn so với đọc tin từ màn hình điện thoại, bởi nó có thể kích thích hình thành liên kết trong não bộ, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự vật.

3. Smartphone có khả năng gây nghiện, xứng đáng bị cấm trong tương lai?

Facebook, smartphone hay ứng dụng di động luôn tạo ra một cảm giác gây nghiện, khiến bạn luôn muốn sử dụng và tìm hiểu mỗi ngày. Chất gây nghiện trong thời đại số giờ không chỉ còn bó hẹp trong khái niệm mạng xã hội hay smartphone. Đơn cử việc săn hàng online hay mua vé máy bay giá rẻ thôi cũng có thể là thứ gây nghiện với nhiều người.

3 quy tắc dùng smartphone để không gây hại đến não bộ - Ảnh 4.

Nếu ra đường mà thấy ai cũng giống như "zombie" chính hiệu thế này thì quả thực rất đáng ái ngại

Tuy nhiên, nhà nội tiết học người Mỹ Robert Lustig cho rằng, bản thân công nghệ, smartphone hay các mạng xã hội không gây hại cho con người, thậm chí chúng còn đem lại niềm vui cho chúng ta. Mọi thứ chỉ đi quá xa khi chúng được trao cho sự tự do quá mức. Điều này dẫn tới việc công nghệ hay smartphone có thể dễ dàng can thiệp vào đời sống của con người. Chúng khiến não bộ chúng ta phải vật lộn để chống lại cám dỗ và cơn thèm muốn sử dụng hàng ngày.

Lustig tin rằng, chỉ có cách vạch ra một ranh giới rõ ràng trong việc sử dụng smartphone mới giải quyết được vấn đề. Chúng ta có thể ban hành một lệnh cấm dùng smartphone tại những nơi nhất định như công sở, nơi đông người hoặc thậm chí xử phạt thẳng tay những ai dùng smartphone quá lâu. Chỉ có như vậy, não bộ hay chính cơ thể chúng ta mới có thời gian được nghỉ ngơi.

Nếu đã đọc đến đây, bạn biết phải dùng smartphone và công nghệ như thế nào rồi đấy. Hãy sử dụng có chừng mực nếu không muốn chính bản thân phải gồng gánh những tác hại nghiêm trọng.

Tham khảo: Bussiness Insider

TITI

Cùng chuyên mục
XEM