3 nước "hữu hảo" với Việt Nam nắm giữ kho báu kim loại đủ khuấy đảo cả thị trường thế giới

07/12/2021 08:00 AM | Xã hội

Các quốc gia này nắm giữ tổng cộng hơn 74% lượng magie toàn cầu.

Theo Economist, magie thường được biết tới từ những thí nghiệm đốt cháy tạo ra ánh lửa trắng sáng. Giá của kim loại này đã tăng hơn 2.000 USD/tấn trong những năm gần đây, thậm chí đạt mức 11.000 USD/tấn vào tháng 9.

Nhu cầu tăng cao

Magie thường được sử dụng với một lượng nhỏ để tăng thêm độ chống chịu cho hợp kim nhôm dùng trong vật tư xây dựng và đóng gói hàng hóa. Theo European Aluminium, một cơ quan trong ngành, hoạt động tiêu thụ như vậy chiếm khoảng 40% sản lượng magie trên thế giới. Một lượng tương tự khác được sử dụng để đúc các bộ phận - hầu hết được sử dụng trong ô tô, chẳng hạn như hộp số và khung ghế.

 3 nước hữu hảo với Việt Nam nắm giữ kho báu kim loại đủ khuấy đảo cả thị trường thế giới - Ảnh 1.

Các bộ phận của xe ô tô cần tới hợp kim chứa magie. Ảnh: Total Materia

Magie còn được sử dụng để lắp ráp máy bay, máy tính xách tay đắt tiền và các hàng hóa khác. Giá magiê đã giảm xuống còn 5.300 USD vào ngày 13/11 nhưng một số nhà sản xuất vẫn tỏ ra lo lắng. Trong một cuộc gọi báo cáo doanh thu gần đây, người đứng đầu bộ phận mua sắm của hãng Volkswagen cho biết tình trạng thiếu magiê “chắc chắn sẽ xảy ra”.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trữ lượng magie trên thế giới phân bố không đồng đều mà chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á. Theo USGS, tính theo trữ lượng chắc chắn và trữ lượng ước tính (tính cả các nguồn phỏng đoán và có thể chuyển hóa thành nguồn khai thác mang lại lợi ích kinh tế trong trường hợp cần thiết), thì 3 quốc gia có trữ lượng magie lớn nhất là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Chỉ riêng 3 quốc gia này đã có trữ lượng magie tương đương hơn 74% trữ lượng toàn cầu.

 3 nước hữu hảo với Việt Nam nắm giữ kho báu kim loại đủ khuấy đảo cả thị trường thế giới - Ảnh 2.

Số liệu ước tính đã làm tròn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS).

Matalco, một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Mỹ, đã cảnh báo khách hàng rằng họ có thể phải phân bổ lượng giao hàng trong năm tới. Đâu là lí do cho tình trạng này?

Nguồn cung bị siết chặt

Theo Economist, Trung Quốc sản xuất khoảng 85% lượng magie trên thế giới. Vào năm 2020, con số này lên tới 961.000 tấn, chủ yếu từ vùng Yulin ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây. Việc sản xuất cần tiêu tốn một mức năng lượng khổng lồ: cần khoảng 4 kg than để sản xuất 1 kg magie.

Vào tháng 9 vừa qua, các quan chức ở Yulin đã yêu cầu ít nhất 40 nhà sản xuất đóng cửa hoặc giảm sản lượng của họ để cắt giảm lượng khí thải và đáp ứng các mục tiêu tiêu thụ năng lượng.

Tại các khu vực sản xuất magie khác của Trung Quốc, giá than cao đã gây ra tình trạng mất điện. Sản lượng của Yulin trong tháng 9 thấp hơn gần 40% so với mức của tháng 6 - mức cao nhất của năm.

Kể từ đó, các nhà sản xuất magie đã tăng sản lượng của họ, nhưng họ vẫn bị hạn chế. Theo công ty nghiên cứu S&P Global Platts Analytics, sản lượng magie tại Trung Quốc có thể sụt giảm tới 120.000 tấn trong năm nay.

Châu Âu là khu vực đặc biệt dễ bị thiệt hại từ vấn đề nêu trên bởi nguồn cung magie của châu lục 95% tới từ Trung Quốc. Tháng trước, WV Metalle, một hiệp hội thương mại kim loại của Đức, cho biết họ dự kiến lượng magie dự trữ của nước này sẽ cạn kiệt vào cuối tháng 11.

Nhưng dường như đây không phải vấn đề quá đáng ngại. Cả BMW và Stellantis tuyên bố với Reuters rằng họ có nguồn cung dồi dào. Chuyên gia James Reilly từ công ty tư vấn Capital Economics cho biết tình trạng thiếu chất bán dẫn mới là nỗi lo cấp bách hơn hết đối với lĩnh vực ô tô.

Hiện tại, Mỹ áp đặt mức thuế bảo hộ hơn 140% đối với magie từ Trung Quốc. Mỹ hiện đang có nguồn cung cấp từ một nhà sản xuất kim loại nguyên chất ở Utah, cũng như một lượng nhỏ hàng nhập khẩu. Cả Ford và General Motors đều cho biết họ hầu như không sử dụng magie Trung Quốc trong xe của mình.

Dù vậy, việc giảm nguồn cung magie kéo dài vẫn gây ra tổn hại to lớn. Chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô rất dễ chịu thiệt hại. ZF, nhà sản xuất hộp số cho một số nhà sản xuất lớn bao gồm BMW, cho biết hồi tuần trước rằng họ đang tìm kiếm các nguồn magie mới nhưng có rất ít lựa chọn ngoài Trung Quốc.

Công ty Nhôm Châu Âu lo ngại rằng ngay cả khi sản lượng trở lại bình thường, Trung Quốc sẽ ưu tiên các nhu cầu của nền kinh tế nước này hơn là xuất khẩu. Trong một thế giới mà tình trạng thiếu hụt đã trở thành trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, các ngành công nghiệp sử dụng magie có thể gặp phải vấn đề đau đầu về chuỗi cung ứng khác.

Theo Tất Đạt

Từ khóa:  hợp kim nhôm
Cùng chuyên mục
XEM