3 nguyên tắc tối thượng trong cuốn best-seller của Mega Guru đương đại về thành công đã được doanh nhân đất Cảng ứng dụng như thế nào để vươn lên vị trí “Vua hồ tiêu”
Tinh hoa nhân loại bao gồm những quy luật bất biến theo thời gian vẫn luôn là chân lý và đúng với bất kỳ ai. Dưới đây là ba nguyên tắc tối thượng được chọn lọc trong cuốn sách “những nguyên tắc thành công” của Jack Canfield (Mega Guru đương đại về thành công) sẽ được khắc họa sinh động bằng câu chuyện kinh doanh của anh Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Phúc Sinh Group - Vua hồ tiêu, “nhà cải cách” cà phê sạch Việt Nam.
Xác định rõ những điều bạn mong muốn đạt được
Mark Twain từng nói "Có hai ngày quan trọng nhất trong đời bạn. Một là khi bạn được sinh ra. Hai là khi bạn biết được tại sao." Xác định mục đích sống và làm rõ những điều bạn mong muốn đạt được cũng giống như việc phát minh ra hệ thống định vị GPS vậy.
Bản đồ của Phúc Sinh và "ý đồ" của doanh nhân Phan Minh Thông rõ ràng nhưng cũng rất đỗi mơ mộng. Người ta nhìn thấy hình ảnh của người tiên phong, nhà cải cách và tinh thần đổi mới trong ý chí và quyết tâm có phần gan lỳ của người con đất Cảng. Đó là lý tưởng.
Còn về mục tiêu, dễ thấy nhất là mong muốn cải tiến, nâng cao giá trị của sản phẩm tiêu, cà phê đến nông sản Việt từ đó tối đa lợi ích cho nhiều bên. Lớn hơn là việc viết nên sứ mệnh thay đổi bản đồ nông sản Việt Nam trên trường quốc tế... Xa hơn nữa là xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, lòng tự tôn dân tộc.
Phúc Sinh xác định rõ mục tiêu rất rõ ràng là trở thành người tiên phong, đổi mới và liên tục sáng tạo cho ngành nông sản Việt Nam.
Cùng điểm xuất phát nhưng khi chọn vạch đích xa hơn, con đường của Phúc Sinh cũng khác biệt. Thay vì bán hàng đổ đống (lẫn với đất, cát), giá rẻ mạt, người nông dân chịu thiệt thòi, lại không thể gắn "mác" hay được "gọi tên" vì đó chỉ là nguyên liệu, sản phẩm thô, Phúc Sinh lại nhọc công tìm cách làm và bán tiêu thành phẩm, lựa chọn tiêu hạt lớn Jumbo rồi đầu tư bao bì đẳng cấp, nhờ vậy mà bán được giá cao. Kết quả là, ngành nông sản bỗng dưng có "bà đỡ", tiêu Việt Nam có "giấy khai sinh" còn Phúc Sinh là doanh nghiệp tiên phong mở cõi "tiêu" ra thị trường quốc tế.
Cũng như vậy, Phúc Sinh khai phá thị trường tiêu trắng, bắt đầu từ nghịch lý, ở các nước bạn, tiêu biểu là Indonesia, họ đã sản xuất cả 100 năm tiêu trắng mà Việt Nam mới trồng nhiều từ năm 2000 trở lại đây. Sau 10 năm một mình thong dong trong "đại dương xanh" về tiêu trắng, nhờ có Phúc Sinh, từ không xuất khẩu tiêu trắng, Việt Nam đã xuất khẩu 25% sản lượng tiêu trắng ra thế giới.
Thỏa sức tung hoành trong "vùng an toàn" mãi cũng chán, mới đây, sau 2 năm dày công nghiên cứu và đầu tư công nghệ Phúc Sinh cũng đã chính thức ra mắt thị trường sản phẩm tiêu sấy lạnh. Điều đáng nói đây không chỉ là sản phẩm đầu tiên có mặt ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
Cuối năm 2019, sau 2 năm nghiên cứu, đầu tư hơn 50 tỉ đồng, Phúc Sinh đã chính thức ra mắt sản phẩm tiêu sấy lạnh đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới.
Công thức và lộ trình kinh doanh này được "nhân bản" cho ngành cà phê để rồi các năm tiếp theo, Phúc Sinh là đại diện tiêu biểu cho doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tự mình phát triển, xây dựng và đưa ra thế giới những thương hiệu cà phê thực sự "made in Việt Nam" như Blue Sơn La, K Coffee, Cascara, rất đáng tự hào.
Niềm tự hào đó, không chỉ của riêng Phúc Sinh mà lan tỏa sang cả ngành cà phê, ngành nông sản và hàng triệu doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Như vậy, nếu Phúc Sinh chỉ xác định đạt được những mục tiêu nhỏ bé của doanh nghiệp về lợi nhuận và tăng trưởng kinh doanh mỗi năm, hay tập trung vào sản lượng, số lượng mà không đặt tham vọng lớn hơn về chất lượng, giá trị, thương hiệu và đặc biệt sự ghi nhận của bạn bè quốc tế về những gì mà doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được, Phúc Sinh không thể có "bệ phóng" với lực đẩy không tưởng để tiến xa như thế.
Lý tưởng lớn, hành động không thể tầm thường. Khi mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn càng lớn bao nhiêu, hành động theo đó cũng mạnh mẽ, quyết liệt, đáng kinh ngạc, vượt lên khỏi giới hạn của bản thân và không chấp nhận bỏ cuộc. Điều này đã từng được minh chứng bằng các câu chuyện thành công vượt bậc của nhiều cá nhân kiệt xuất trên thế giới ở nhiều lĩnh vực.
Doanh nhân Minh Thông may mắn khi ngay từ đầu khởi sự kinh doanh đã tìm ra được sứ mệnh cuộc đời, gắn liền với bức tranh toàn cảnh của dân tộc để có thể phóng tầm nhìn cao hơn trách nhiệm mà một chủ doanh nghiệp phải gánh vác. Bởi vậy, từng bước đi để đạt tới thành công của anh và Phúc Sinh được tiếp sức và nối dài để cất cánh cho những giấc mơ lớn.
Henry Louis Mencken có câu: "Bạn bước vào thế giới này chẳng có gì, và mục đích cuộc đời chính là làm nên được điều gì đó từ hai bàn tay trắng". Câu nói này dường như rất phù hợp với anh Thông, chi phối cách anh ứng xử và đối diện với thành công và thất bại, cách anh sau khi xác định được rõ "điều mình muốn" đã chuẩn bị chuyên tâm, tiến hành tích cực và theo đuổi bền bỉ những "giấc mơ lớn" của cuộc đời.
Học hỏi nhiều hơn, kiếm tiền tốt hơn
Luôn có mối liên hệ mật thiết giữa thành công, thậm chí là tài sản, sự thịnh vượng với quá trình phát triển bản thân. Nói đơn giản thì càng học, càng hành, càng trở nên giàu có.
Vạch xuất phát của Vua hồ tiêu là tấm bằng cử nhân đại học ngoại thương. Vì thế con đường để lên tới vị thế Vua hồ tiêu hiện nay chỉ có thể được giải thích bằng quá trình học hỏi và nỗ lực không ngừng.
Khi trở thành đơn vị xuất khẩu "cà phê xanh" đạt sản lượng tới 50.000 tấn/năm, ông chủ Phúc Sinh vẫn còn thấy mình đang "chập chững" biết đi. Bởi vì thế giới đã có cà phê thành phẩm, có rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng, còn Việt Nam muôn đời vẫn chỉ dừng chân ở "phận gia công". Ngành cà phê, tiêu hay nhiều ngành khác cũng đều thế cả.
Muốn thay đổi, phải học. Anh quyết tâm học cách "tái sinh" các sản phẩm nông sản, dấn thân vào việc sản xuất và chế biến sâu các loại cà phê có giá trị gia tăng cao, như cà phê rang xay hạt và nghiền, cà phê hòa tan, các loại tiêu đen, tiêu trắng đóng gói, nước sốt tiêu xanh đóng chai….
Nhưng đấy mới chỉ là bắt đầu. Ngành cà phê đồ sộ với doanh thu 3,7 tỉ đô ở thời điểm 2016 nhưng nghịch lý là không có cơ sở hạ tầng, nhân sự được đào tạo manh mún và hầu hết là tự học, kể cả ông chủ…
Ngoài việc tự học và đào tạo nội bộ, Phúc Sinh cũng tổ chức nhiều buổi đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân.
Từ đây, anh Thông hăm hở "nhập môn" ở ngôi trường không có ngày tốt nghiệp, học và đào tạo lại những nghiệp vụ căn bản của ngành cà phê thế giới nhưng lại vô cùng mới mẻ với Việt Nam như Barista, thử nếm, cupping, hedging (nghiệp vụ đảm bảo hàng hóa)... rồi sau này là rất nhiều thứ chuyên sâu liên quan đến an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, các chứng nhận về chất lượng. Thậm chí, không có trường dạy chính quy ở Việt Nam, anh còn mua rất nhiều băng đĩa từ Hiệp hội Cà phê của Mỹ (SCAA) và của châu Âu (SCEA) về tự học.
Không chỉ tôi luyện qua thực tế và trong lĩnh vực, ngành nghề sản xuất đặc thù của mình, doanh nhân Phan Minh Thông cũng là người ham mê đọc sách. Thậm chí anh còn tham gia viết sách. Tủ sách của anh trải dài trên nhiều lĩnh vực trong đó sách về kinh doanh, tư duy chiến lược chiếm nhiều nhất. Tiêu biểu là sách của Lý Quang Diệu, Về Nhà của Phan Việt, đừng bao giờ ăn đi ăn một mình, rồi một nửa của 8 là 13 và cả tiếng Anh như The Apprentice...
Vua hồ tiêu cũng là một người đam mê đọc sách và viết sách (Ảnh: Không gian làm việc và đọc sách của doanh nhân Phan Minh Thông).
Hành động, hành động, hành động bất chấp mọi nỗi sợ hãi
Nguyên tắc này thực tế và khốc liệt bởi đây chính là "vĩ tuyến 17" giữa người thắng cuộc và kẻ thất bại. Dám hành động còn là một sự dũng cảm vì con người thường phải đối diện với muôn vàn khó khăn, không vượt qua được hết thảy thì bản thân khó lòng bước tiếp và thành trì niềm tin cũng sẽ sụp đổ theo.
Chặng đường phát triển của Phúc Sinh được ví như một bộ phim truyền hình ăn khách, ly kỳ, hấp dẫn với hàng chuỗi những hành động liên tục. Sẽ không có gì đáng nói nếu những hành động đó đôi khi được đặt trong những phút giây căng thẳng, những tình huống cam go, ngàn cân treo sợi tóc, những lằn ranh "sinh tử" khiến cho trí não phải hoạt động hết công suất và tinh thần phải luôn vững vàng, minh mẫn, bình tĩnh và can đảm vượt lên trên mọi nỗi sợ hãi.
Tôi rất chú ý tới câu chuyện "đòi nợ" mà anh kể, nghe quen quen nhưng đây là đòi nợ quốc tế, người làm kinh doanh có thể đồng cảm với tâm trạng lo lắng, bất an của một chủ doanh nghiệp trước nguy cơ bị mất tiền thậm chí phá sản nhưng bất cứ ai cũng có thể học ở anh sự nhẫn nại, bền bỉ đền lì lợm, luôn suy nghĩ, trăn trở, xoay xở và thực hiện bằng mọi cách để giải quyết vấn đề…
Có thể thấy rõ, mức độ quyết liệt trong hành động ảnh hưởng đến kết quả và thành công như thế nào. Đơn cử như chuyện tiếp thị quốc tế. Việt Nam năm nào cũng có "xúc tiến thương mại thế giới" nhưng thực chất chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Còn Phúc Sinh hàng năm bỏ ra hàng trăm ngàn USD để học và làm theo cách tiếp thị của nước bạn, tức là đầu tư thật, làm thật và phải làm cho tới.
Anh Thông chia sẻ, tại các hội chợ về cà phê, anh rất choáng ngợp trước các gian hàng của Indonesia, Ấn Độ đặc biệt ấn tượng bởi cung cách "chào hàng" của họ, "trang bị" cả một đội quân hùng hậu, từ chuyên gia thử nếm đến chuyên gia tiếp thị, thu hút và "bao vây" khách hàng vòng trong vòng ngoài. Đỉnh nhất là Brazil, từ nông dân trồng cà phê cho đến doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến…đều tham gia vào công tác tiếp thị.
Nếu chỉ quan sát và học hỏi thôi là chưa đủ, ông chủ tiêu đã quyết tâm "làm theo" và làm liên tục, hàng năm tham gia không biết bao nhiêu hội chợ quốc tế, tại mỗi hội chợ ra sức giới thiệu, trình bày, giải thích, chứng minh, gây thiện cảm, tạo dựng niềm tin, truyền cảm hứng, nhờ vậy mà thương hiệu Phúc Sinh "mưa dầm thấm lâu" mới được biết đến nhiều hơn, đơn hàng nước ngoài chuyển về tới tấp.
Hàng năm, Phúc Sinh bỏ ra hàng trăm ngàn USD để tham gia hầu hết các hội chợ triển lãm trên thế giới.
Trở lại câu chuyện tiêu trắng, từ câu hỏi ám ảnh "tại sao nước bạn có tiêu trắng từ thế kỷ mà mình không có" doanh nhân đất Cảng đã biến nó thành những quyết định và hành động táo bạo, tìm kiếm nhà sản xuất hợp tác để làm tiêu trắng. Anh cũng dựa theo cách làm của người Indonesia nhưng không copy hoàn toàn và đã tính đến phương án "được ăn cả, ngã về không".
Đúng là "quả ngọt" không dễ hái. Tuy nhiên, sau nhiều lần thất bại, tức là trải qua rất nhiều "hành động" và "thử sai", phải mất một năm làm marketing, đi chào hàng, thuyết phục khách hàng chịu mua và trả giá tốt, cuối cùng may mắn mới gõ cửa.
Nhìn lại, không có hành động thì sẽ không có kết quả, không có hành động tới tận cùng thì không có thành công tới bến. Kết quả tạo ra kết quả. Những sản phẩm sáng tạo và tiên phong đã mở đường cho Phúc Sinh vững vàng đi tiếp và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tiến sâu đến ngôi vị dẫn đầu.
Cụ thể như tiêu trắng mang lại lợi nhuận cho Phúc Sinh để tái đầu tư xây dựng được nhà máy tiêu, cà phê Blue Sơn La, độc nhất vô nhị, mang lại thương hiệu cho vùng Tây Bắc Sơn La và ghi dấu ấn cà phê sản vật cho Việt Nam. Còn giờ đây là tiêu sấy lạnh mang đến phong vị mới cho người dùng Việt.
Cà phê Blue Sơn La, độc nhất vô nhị, mang lại thương hiệu cho vùng Tây Bắc Sơn La và ghi dấu ấn cà phê sản vật cho Việt Nam.
Hiểu rõ bản thân, sẵn lòng học hỏi và hành động liên tục là "passport" giúp Phúc Sinh "đi để trở về" ngoạn mục. Đúng là, con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các cá nhân, tổ chức trên thế giới nếu chuyên tâm tiếp thu kiến thức, trau dồi kỹ năng và mạnh dạn chinh chiến trên mọi mặt trận.
Trước thềm năm mới, dù bạn đang ở vị trí nào thì lúc này chính là thời điểm thích hợp để vẽ lên "vision board" cho chính mình. Dẫu chỉ là một lối nhỏ vào đời hay là đại lộ lớn thì ba nguyên tắc "vượt thời gian" cùng những bài học thực tiễn xác đáng trên đây cũng sẽ dẫn đường cho bạn "vươn tới đỉnh cao từ xuất phát điểm hiện tại".
Nguồn: Tracy Vũ, Founder Genius Việt Nam