3 kỹ năng khi nuôi con có thể giúp ích trong công việc

16/05/2016 09:02 AM | Sống

Vai trò làm cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến bản thân của chính chúng ta trong công việc. Những kỹ năng học được trong hành trình làm cha mẹ nên được áp dụng trong công việc, và ngược lại.

Qua nhiều năm, những người làm việc trong các tổ chức lớn như chúng tôi đã trở nên thoải mái hơn trong việc thảo luận sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống dưới góc độ kinh doanh; về việc biến công sở thành một môi trường chân thực và giàu tình cảm hơn; rằng mọi công việc đều xứng đáng được dành cho một niềm đam mê, ý nghĩa, thậm chí là tình yêu.

Cuối một ngày làm việc, liệu chúng ta sẽ bỏ lại sau cánh cửa văn phòng những kỹ năng như giao tiếp, quản lý mâu thuẫn và xác định ưu tiên? Và khi quay trở lại công việc vào sáng hôm sau, chúng ta sẽ lại bỏ sau lưng những kỹ năng học được từ gia đình như sự kiên nhẫn, thấu hiểu …?

Việc trở thành một người mẹ đã khiến tôi nhận ra rằng thật vô cùng lãng phí khi không nhận ra những giao điểm của hai vai trò xã hội này. Vai trò làm cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến bản thân của chính chúng ta trong công việc. Những kỹ năng học được trong hành trình làm cha mẹ nên được áp dụng trong công việc, và ngược lại.

Là người làm nghiên cứu, cách tôi tiếp cận vai trò làm cha mẹ của mình cũng tương tự như với những chủ đề nghiên cứu khác- bằng đam mê thực sự và sự tò mò để hiểu rõ ngọn ngành của mọi vấn đề. Điều này bao gồm việc đọc các tác phẩm văn học về đề tài này, trò chuyện với các bậc cha mẹ khác (trong tư duy nghiên cứu của mình, tôi đang “phỏng vấn” họ), và tham gia các workshop về kỹ năng làm cha mẹ, đồng thời luôn chú ý quan sát xem những cách tiếp cận đa dạng này có hiệu quả không? Lũ trẻ, khác với nhiều nhà quản lý, luôn rất nhanh nhạy và thẳng thắn với những phản hồi.

Nghiên cứu của tôi vẫn chưa hoàn thiện, tuy nhiên dưới đây là 3 kỹ năng làm cha mẹ mà tôi đã học được, đồng thời chúng cũng có khả năng hỗ trợ rất hiệu quả trong công việc:

Thích nghi với thay đổi

Là một người mẹ, bản thân tôi thường xuyên phải thích nghi với những tình huống mới. Các thành viên trong gia đình thường xuyên đưa ra những thử thách mới, điều này cũng giống như sự biến động trong môi trường làm việc. Hành trình làm cha mẹ phát triển từ khi chứng kiến lũ trẻ học những từ đầu tiên, bước đi những bước vụng về, kết bạn, rồi đối mặt với sự thất bại.

Ngay khoảnh khắc bạn cảm thấy cả thế giới đều đứng về phía mình, tất cả có vẻ như đang rất trơn tru, mọi chuyện có thể đột ngột thay đổi; một sự tăng trưởng mới hoặc một cột mốc phát triển quan trọng bất ngờ xuất hiện, đồng thời nhiều câu hỏi mới cần phải được giải đáp ngay lập tức.

Vì phải thường xuyên đối mặt với những xáo trộn này, chúng ta sẽ tạo ra “những năng lực động” một cách hiệu quả hơn. Nuôi dạy một đứa trẻ khiến chúng ta học được cách thích nghi dễ dàng hơn với thay đổi- đương đầu đồng thời học hỏi từ những thay đổi đó.

Chúng ta chấp nhận rằng sự bất ổn định là bình thường, rằng việc sẵn sàng đương đầu với những thay đổi và chấp nhận những thử thách hàng ngày sẽ khiến chúng ta trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn. Khi lũ trẻ lớn lên, chúng ta cũng trưởng thành cùng chúng. Hành trình làm cha mẹ cho phép chúng ta soi chiếu và thích nghi đồng thời cùng bọn trẻ, và đôi khi học từ chính những sai lầm của bản thân. Những kỹ năng tương tự là tài sản quý giá trong lực lượng lao động ngày nay.

Tôn trọng sự an toàn về mặt tâm lý như một nhu cầu tất yếu của con người

Bạn có từng nghĩ đến việc tạo cho đồng nghiệp cảm giác an toàn không? Với số đông, điều này là khá hiếm hoi. Ở cương vị là cha mẹ, bạn có nghĩ đến việc khiến lũ trẻ cảm thấy an toàn không? Với số đông, đây là suy nghĩ thường ngày.

Đứng ở góc độ phụ huynh, chúng ta nỗ lực tạo ra một môi trường nơi bọn trẻ có thể học tập và trưởng thành, thử thách bản thân và cảm thấy an toàn để khám phá, thắc mắc và chia sẻ những nỗi sợ hãi và cảm giác bất an. Môi trường gia đình càng cởi mở, tích cực, mối liên kết giữa cha mẹ và con cái sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Tương tự trong công việc, chúng ta phải đối mặt với một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất: quản lý các mối quan hệ. Môi trường công việc càng cởi mở và an toàn về mặt tâm lý, các thành viên sẽ càng thể hiện tốt hơn. Chúng ta càng tuân thủ một tư duy cởi mở, có tính xây dựng với đồng nghiệp, sự liên kết trong công việc sẽ càng trở nên vững mạnh hơn.

Ở nhà, chúng ta cố gắng khiến tạo cho lũ trẻ một tinh thần bền bỉ và khả năng tự tìm ra giải pháp, điều tương tự cũng có thể được thực hiện với các đồng nghiệp. Điều này có nghĩa là tạo ra một văn hóa công sở nơi sự an toàn về mặt tâm lý được đặt lên hàng đầu, nơi các đồng nghiệp cảm thấy thoải mái và sẵn sàng chia sẻ những lo lắng, nguyện vọng và ý tưởng.

Tự đối chiếu và không ngừng phát triển bản thân

Trở thành cha mẹ là một trong những công việc khó khăn nhất mà chúng ta phải đảm nhiệm. Giờ giấc là 24/7 và đây cũng là vai trò khiến chúng ta hài lòng nhất trong cuộc sống. Với những động lực và thách thức, ai cũng muốn thực hiện thật tốt vai trò của mình. Chúng ta luôn hoài nghi về năng lực của mình trong vai trò làm cha mẹ hoặc trong công việc, và để vượt qua điều này là không dễ dàng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực làm cha mẹ sẽ khuyến khích chúng ta không chỉ thắc mắc về cách thức tiếp cận với hành trình này mà còn học hỏi từ chính những sai lầm của bản thân và những phản hồi của bọn trẻ. Việc trở thành cha mẹ hay một nhà lãnh đạo thực thụ sẽ đưa chúng ta về với những giá trị đích thực của bản thân, cởi mở tiếp nhận những phản hồi, trở thành chuyên gia trong việc lắng nghe chủ động, và sẵn sàng thử nghiệm với những phương pháp mới.

Điểm thứ ba này cũng chính là nền tảng của ý tưởng “những giao điểm tích cực”. Để những giao điểm tích cực giữa trách nhiệm làm cha mẹ và công việc xuất hiện, chúng ta sẽ phải xem xét cách thức vận hành của từng lĩnh vực riêng biệt trong cuộc sống, và vai trò cụ thể của bản thân là gì. Nếu không thắc mắc về cách thức vận hành của cuộc sống, con người sẽ không thể học hỏi và tiến bộ.

Bọn trẻ có lẽ là những vị giám khảo tuyệt vời và thành thực nhất, chúng đánh giá một cách thẳng thắn và đáng tin cậy nhất có thể. Con cái có thể dạy cha mẹ trở thành những nhà lãnh đạo tuyệt vời hơn, đồng thời chúng ta cũng có thể áp dụng những điều học được trong công việc để trở thành những người cha, người mẹ tuyệt vời hơn.

Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM