3 kịch bản của CEO Abivin - startup mang tham vọng "kỳ lân B2B" nếu phải bán công ty: Nếu muốn bán cũng phải bán cho khéo léo!

19/10/2019 14:05 PM | Kinh doanh

"Mình có đứng vị trí thứ nhất trên thị trường không? Thị trường của tôi có mở rộng được trong tương lai hay không? Nếu cả 2 câu trả lời là không thì doanh nghiệp của tôi không có cửa", CEO Abivin đưa ra giả thiết.

"Startup cũng đã có sự chuẩn bị để các nhà đầu tư vào M&A"

Nếu như 10 trước, thực tế tình hình sáp nhập và mua bán (M&A) ở Việt Nam còn khá xa lạ nhưng hiện nay khái niệm này đã trở nên quen thuộc đối với những người trong cộng đồng kinh doanh. Trong Hội Thảo "Huy động vốn và Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp" ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch IDJ Group cho biết: "Trong 3,4 năm trở lại đây thì hoạt động M&A diễn ra hết sức sôi nổi"

Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp thì hoạt động này diễn ra phổ biến hơn những doanh nghiệp đã có lịch sử phát triển. Vì thực tế, những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có nguồn vốn rất hạn chế. Có khoảng 95% startup sẽ chết sau 2 năm, 98% bị chết sau 5 năm và rất nhiều startup đã phải bán doanh nghiệp của mình.

Nhiều người cho rằng M&A là đường cùng của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây liệu có phải là đường cùng như nhiều người vẫn suy đoán?

Chủ tịch IDJ Group cho rằng: "Những doanh nhân khởi nghiệp hiện nay cũng đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Khi khởi nghiệp, họ cũng đã nghĩ đến câu chuyện mình huy động được bao nhiêu, cũng như có một chiến lược để các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư vào M&A".

Chủ tịch IDJ Group cũng chia sẻ, thực sự nhiều người ở Việt Nam suy nghĩ về M&A còn hơi nặng nề, chứ thật ra chúng ta đang có người đồng hành cùng. Tức là tôi đầu tư vào một doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng tôi cũng không có mục đích chiếm lĩnh để tôi làm CEO.

Cũng theo vị chủ tịch này, thực tế là ngân quỹ của nhiều tập đoàn có vốn và họ muốn đầu tư để gia tăng thêm nguồn thu nhập. Khi đầu tư, chúng tôi cũng phải giữ được bộ máy phát triển của các doanh nghiệp được đầu tư và giúp họ có thể thành công trong kinh doanh. Không chỉ nhận được đầu tư về vốn mà những doanh nghiệp còn được định hướng và hỗ trợ rất nhiều nguồn lực.

Một quyền lợi nữa mà các doanh nghiệp, startup nhận được nghe tưởng chừng như vô lý nhưng nó thực sự hữu ích đó là được giám sát. Nhiều người sợ sự giám sát, nhưng có những người thích sự giám sát để họ không làm theo cảm hứng.

Những qũy, tổ chức đầu tư họ rất khắt khe, họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp, startup đặt ra kế hoạch, mục tiêu. Nếu không làm được thì doanh nghiệp sẽ bị cảnh cáo cho nên giám sát chính là một quyền lợi.

Đồng thời, khi nhận được đầu tư từ các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, tập đoàn lớn thì các doanh nghiệp đầu tư cũng trở nên có giá trị hơn. Từ đó, những sản phẩm của doanh nghiệp này cũng sẽ được đánh giá cao.

3 kịch bản của CEO Abivin - startup mang tham vọng kỳ lân B2B nếu phải bán công ty: Nếu muốn bán cũng phải bán cho khéo léo! - Ảnh 1.

3 kịch bản mà CEO Abivin đưa ra

Tham gia Hội thảo, CEO Abivin Phạm Nam Long cũng chia sẻ rằng: "Chúng tôi khởi nghiệp cách đây 5 năm và cũng đã từng nghĩ đến trường hợp M&A. Tuy nhiên, nếu muốn bán thì cũng phải khéo léo vì bán công ty là một quyết định lớn".

Theo CEO Abivin, câu chuyện M&A là câu chuyện không được chia sẻ nhiều vì thông thường đây là các hợp đồng được ký bảo mật.

Vị CEO này cũng cho biết: "Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa bán công ty vì tôi có thể cố gắng và xoay chuyển tình hình. Nhưng tôi vẫn có những chiến lược đặt ra nếu phải bán Abivin vào một ngày nào đó và tôi đã chuẩn bị 3 kịch bản:

Thứ nhất chúng tôi sẽ bán về con người và công nghệ, ở đây chỉ là công nghệ lõi thôi. Một công ty muốn có đội ngũ 20-30 kỹ sư ngay một lúc, họ đào tạo thì sẽ rất mất thời gian. Vì vậy chúng tôi có thể bán cho họ.

Thứ hai là sẽ bán sản phẩm, sản phẩm của chúng tôi đã trọn vẹn rồi và những đơn vị mua lại sản phẩm của chúng tôi vừa có thể mua sản phẩm vừa có được một đội sales, marketing hùng hậu.

Thứ ba là khi mà chúng tôi bán hoàn toàn công ty. Như vừa rồi tôi cũng thấy rất nhiều công đã phải bán mình, tiêu biểu như Linkedin. Họ đã bán cho Microsoft với giá khoảng 20 tỷ đô. Ngay cả khi là một công ty lớn rồi nhưng vẫn có khả năng bị công ty lớn hơn mua lại.

Tùy vào mỗi hoàn cảnh, chúng tôi sẽ đưa ra những chiến lược khác nhau".

Hoặc khi nhận được một offer (đề nghị) từ các nhà đầu tư về việc M&A doanh nghiệp của mình, CEO Abivin đã đặt ra hai câu hỏi để có quyết định M&A doanh nghiệp của mình hay không?

CEO Abivin đưa ra giả thiết: "Thứ nhất, tôi đặt ra câu hỏi mình có đứng vị trí thứ nhất trên thị trường hay không? Thứ hai, thị trường mà tôi đang nhắm đến có thể mở rộng trong tương lai không, nếu mở rộng được trong hiện tại thì tôi tin có thể mở rộng trong tương lai. Và nếu tôi bán bây giờ thì tôi đang bán rẻ doanh nghiệp của mình.

Nếu cả hai câu trả lời là không thì có nghĩa là doanh nghiệp của tôi không có cửa, việc M&A là đương nhiên".

Theo CEO Abivin, nếu phải bán doanh nghiệp của mình thì định giá là một trong những yếu tố rất quan trọng. Vì điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã cùng vị CEO này xây dựng doanh nghiệp. Đồng thời, anh cũng quan điểm: định giá là tổng số tiền mà doanh nghiệp sẽ kiếm được trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Khởi Minh

Cùng chuyên mục
XEM