3 KHÔNG khi bơi lội: Người biết bơi rồi cũng cần lưu ý để tránh thủy nạn

11/04/2022 14:20 PM | Sống

Học các kiến thức và kỹ năng để phòng tránh rủi ro đuối nước là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi mùa hè nóng nực đang đến gần

Mùa hè đến là lúc những chuyến du lịch biển được nhiều người lựa chọn để giải nhiệt và thư giãn. Không chỉ gần đây mà từ đã nhiều năm trước, những khu vực sông nước vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những người sinh sống xung quanh nơi này, đặc biệt những người hay có thói quen tắm tại các sông, biển, ao hồ, trong đó có bao gồm trẻ em.

Một sự thật đau lòng là trong số các nạn nhân tử nạn vì đuối nước, những người biết bơi, thậm chí bơi lội rất giỏi cũng vẫn không thể thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Do đó, khả năng lường trước các rủi ro để hết sức tránh là vô cùng cần thiết và cấp bách. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra đuối nước ở biển?

1. Không bơi quá sức

Chuột rút khi bơi là hiện tượng rất nguy hiểm, là tình trạng cơ bị co thắt đột ngột, gây đau dữ dội, khó cử động. Chuột rút xảy ra khá thường xuyên khi đi bơi hoặc tắm biển, nó không chỉ gây đau đớn dữ dội, hạn chế vận động mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Chuột rút có thể xảy ra với mọi đối tượng, kể cả đối với những người giỏi bơi lội.

Chớ coi thường chốn sông nước: 3 KHÔNG người biết bơi rồi cũng cần lưu ý để tránh thủy nạn - Ảnh 1.

Những người gặp rủi ro nguy hiểm khi bơi vì lí do chuột rút thường khởi nguồn từ việc trước khi bơi không khởi động kỹ; dùng sức quá mạnh khi bơi; cơ thể không được cung cấp đủ canxi.

Chuột rút rất thường xảy ra và vô cùng nguy hiểm đối với những đối với:

- Những người mới học bơi: Nếu kỹ thuật bơi chưa tốt, khi xuống nước, vì chưa có sự thăng bằng tốt trên mặt nước do độ nổi kém, bạn sẽ phải đạp chân rất mạnh và phải gập gối nhiều. Điều này khiến bạn tốn nhiều sức, tạo thêm gánh nặng cho cơ chân khiến cho bạn dễ bị chuột rút khi bơi. Nếu bạn bơi trong điều kiện nước lạnh, tình trạng chuột rút lại càng dễ xảy ra.

- Những người không thường xuyên vận động:

Việc lâu lâu bạn mới đi bơi một lần khiến cho cơ thể phải vận động nhiều để nổi. Đặc biệt những người tập thể hình lại càng dễ bị chuột rút bởi khối cơ nặng nên cơ thể dễ chìm. Chính vì vậy, việc phải vận động nhiều để nổi khiến cơ thể nhanh mệt và dễ bị chuột rút. Trong đó, người lớn tuổi là người đặc biệt cần phải chú ý đến hiện tượng này. Ngoài ra, những đối tượng bị bệnh tiểu đường, tim mạnh thường mắc bệnh động mạch ngoại biên, khiến cho lưu lượng máu đến chân giảm, cũng thường gặp tình trạng chuột rút khi bơi.

- Người tập luyện với cường độ cao:

Thật đáng ngạc nhiên khi người thường xuyên vận động lại vẫn có nguy cơ này. Tuy nhiên, lí do đơn giản là do cơ thể chưa thích nghi được với lượng vận động lớn và do axit lactic bị ứ đọng khi gắng sức bơi ở cường độ cao, khiến bạn dễ bị chuột rút khi bơi.

2. Không lại gần những dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ (rip current) là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Khi sóng đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng chảy xa bờ có hình thái và kích thước của một luồng nước mạnh với bề ngang chừng 15–30 mét, bề dài ra cách bờ chừng vài chục mét, có khi lên đến 100–150 mét phụ thuộc vào điều kiện địa hình, từng thời điểm. Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng/cả năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ.

Chớ coi thường chốn sông nước: 3 KHÔNG người biết bơi rồi cũng cần lưu ý để tránh thủy nạn - Ảnh 2.

Cần cẩn trọng chú ý và tránh thật xa những dòng chảy xa bờ khi đi bơi trên biển.

Dòng chảy xa bờ chính là "tử thần" nguy hiểm nhất ở các bãi biển bởi dòng nước rút sẽ kéo mọi người ra xa khỏi bờ biển, không ai có thể bơi ngược dòng nước rút để bơi vào bờ, kể cả người biết bơi cũng sẽ bị chết đuối do kiệt sức nếu cố bơi ngược dòng. Vận tốc dòng nước rút lớn hơn vận tốc bơi của một vận động viên Olympic - trong 1 phút có thể bất ngờ cuốn xa khoảng 100 m.

Chớ coi thường chốn sông nước: 3 KHÔNG người biết bơi rồi cũng cần lưu ý để tránh thủy nạn - Ảnh 3.

Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, không có sóng, vì vậy mà mọi người lầm tưởng đó là nơi an toàn và chọn nơi đó để tắm thay vì những chỗ có sóng. Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, mọi người nên dành thời gian nhận dạng các dòng chảy xa bờ trước khi xuống bơi. Dòng chảy xa bờ thường có màu sậm hơn vì nơi đó nước thường sâu hơn; Nơi có dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng, thường có sóng nhỏ; Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ hoặc bọt biển nổi lên trên mặt nước của dòng chảy xa bờ, trôi ra biển.

Khi không may bơi vào dòng nước này, chúng ta cần bình tĩnh, tuyệt đối không bơi ngược dòng. Hãy cứ thả lỏng cơ thể, cố gắng bơi song song dòng nước và chờ đến chỗ có sóng biển bạc đầu thì bơi ngược lại, khi ấy sóng biển sẽ giúp đưa bạn vào bờ. Nếu bạn bơi yếu hoặc không biết bơi, nên thả nổi cơ thể, giơ tay ra hiệu trợ giúp.

3. Không tắm biển ngay sau khi uống rượu, bia

Mùa hè đến, nhu cầu giải khát, tham gia các bữa tiệc và sử dụng rượu, bia là vô cùng phổ biến. Cảm giác khô khan, nóng nực trong người sau khi uống rượu khiến nhiều người không kiềm được cảm giác muốn ra khu hồ, sông, biển để bơi. Tuy nhiên, rượu, bia đóng vai trò trong khoảng 70% số trường hợp chết đuối ở thanh thiếu niên và người lớn.

Rượu, bia chứa nhiều chất kích thích, vì thế dễ làm ức chế hoạt động của gan, tiêu hao một lượng lớn chất glucose trong cơ thể. Sử dụng rượu, bia trước khi tắm biển sẽ ảnh hưởng đến thăng bằng, khả năng phán đoán và xử lý tình huống nguy hiểm, và hậu quả này càng tăng lên dưới tác động của tiết trời nắng nóng.

Chớ coi thường chốn sông nước: 3 KHÔNG người biết bơi rồi cũng cần lưu ý để tránh thủy nạn - Ảnh 4.

Bơi ngay sau khi uống rượu, bia sẽ khiến đường huyết không được bổ sung kịp thời, làm cho huyết quản bị co vào, dẫn đến cảm lạnh; Nặng hơn có thể gây vỡ mạch máu, nguy hiểm đến tính mạng. Rất nhiều trường hợp sau khi uống rượu bia dẫn tới huyết áp tăng cao gây đột quỵ.

Tóm lại, kể cả người bơi giỏi cũng tuyệt đối không được tắm, bơi sau khi uống rượu bia, phòng trừ rủi ro đuối nước.

Chớ coi thường chốn sông nước: 3 KHÔNG người biết bơi rồi cũng cần lưu ý để tránh thủy nạn - Ảnh 5.

Một số lưu ý khác:

- Trước khi xuống tắm biển, bạn nên vận động toàn thân, kéo căng các cơ xương khớp trong cơ thể ít nhất 10-15 phút để làm ấm cơ thể, tránh tình trạng mệt mỏi.

- Không nên đột ngột xuống bơi, không nên bơi quá lâu, bơi lúc trời mới sáng hoặc nhá nhem tối vì có thể dẫn đến nguy cơ chuột rút do hạ thân nhiệt, nhiễm lạnh, hạ đường huyết.

- Trong khi đang bơi, nếu cảm thấy mỏi cơ, hãy giảm tốc độ, bơi vào gần bờ, gần khu vực cứu hộ, sau đó thả lỏng cơ thể vài phút trước khi lên bờ. Nếu cảm thấy rét thì phải lên bờ ngay, tìm nơi kín gió để cơ thể ấm dần trở lại, có thể uống một ít trà quế, trà gừng nóng.

- Tìm mọi cách để ra hiệu, thông báo cho người khác khi thấy có nhiều dấu hiệu mình bị đuối sức dưới nước.

- Khi bị chuột rút, tuyệt đối không giẫy giụa mà cần thả nổi, thả lỏng toàn bộ cơ thể, ngửa người xuôi theo dòng nước, hai chân duỗi dài, hai tay đưa lên phía đầu duỗi thẳng, bàn tay ngửa lên trên mặt nước để người trôi trên mặt nước, sau đó hãy bình tĩnh chờ người đến trợ giúp.

Thu Ngân

Cùng chuyên mục
XEM