3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam

13/09/2019 08:30 AM | Kinh doanh

Zuru là một trong những công ty đồ chơi trẻ em phát triển nhanh nhất thế giới và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Nghĩ lớn làm lớn

Ba người anh em gồm anh trai Nick, Mathew và cô em gái Anna Mowbray sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường ở Cambridge, một thị trấn thuộc quận Waipa, Bắc New Zealand.

Năm 1993, khi mới 12 tuổi, Mat giành chiến thắng trong hội chợ khoa học quốc gia với mô hình khinh khí cầu của mình. Sau đó, cậu bé cùng em trai Nick, khi ấy mới chỉ 8 tuổi bắt đầu tự sản xuất những bộ dụng cụ và gõ cửa từng nhà để bán chúng tại khu dân cư.

Năm 19 tuổi, Mat bỏ học đại học và thành lập một nhà máy nhỏ ở trang trại của bố mẹ ở Tokoroa, một thị trấn nông thôn trên đảo phía bắc New Zealand.

3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 1.

Hai anh em Nick và Anna Mowbray là người thường xuyên xuất hiện trước truyền thông, trong khi anh trai Mathew kín tiếng hơn.

Năm 2005, khi Nick tròn 18, cậu cũng bỏ học đại học. Tình hình kinh doanh khả quan khiến hai anh em nảy ra một quyết định táo bạo, nếu không muốn nói là điên rồ. Với khoản tiền 20.000 USD vay từ bố mẹ, họ chuyển đến Trung Quốc lập nghiệp. Anna cũng tham gia một năm sau đó.

Anh cả Mat thành lập doanh nghiệp và là giám đốc điều hành. Nick giữ vai trò giám đốc và chủ tịch còn Anna trở thành chuyên gia tài chính.


Trung Quốc không như là mơ

Kí ức về những năm đầu tiên tại Trung Quốc của anh em nhà Mowbray chưa bao giờ phai nhòa. "Đêm đầu tiên, chúng tôi phải ngủ trong bụi rậm bên ngoài sân bay Hong Kong", Nick tự hào kể lại. Với số tiền ít ỏi, họ cùng sống trong căn hộ shoebox với tiền thuê 20 USD mỗi tháng.

Trung Quốc không như là mơ, đặc biệt đối với những cô cậu chân ướt chân ráo, còn rất "non và xanh" này.

Mowbrays tìm thấy hai sản phẩm đồ chơi trên mạng và sao chép chúng rồi mang đến trưng bày tại Hội chợ đồ chơi New York - một trong những sự kiện lớn nhất trong ngành. Tuy nhiên, "cha đẻ" của các thiết kế đã nhận ra và khởi kiện Zuru.

"Bạn biết đấy, chúng tôi rất ngây thơ. Chúng tôi thậm chí không biết vụ kiện hay bằng sáng chế là gì", Nick kể lại. "Điều duy nhất chúng tôi tin rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời và phải thực hiện ngay thôi!". Vụ kiện sau đó đã được giải quyết ổn thỏa.

3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 2.

Sau bài học nhớ đời, Mowbrays bắt đầu trả tiền để phân phối đồ chơi cho các thị trường quốc tế, như đĩa cao su quay và một chiếc boomerang hình máy bay trực thăng từ một công ty Hồng Kông, Zing.


Tìm lối đi riêng

Tuy nhiên, mong muốn tìm kiếm những đơn hàng và nguồn thu lớn hơn, họ quyết định tập trung vào việc sản xuất đồ chơi của riêng mình.

3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 3.

Năm 2005, anh em Mowbray hợp tác với một nhà sản xuất đồ chơi tại Trung Quốc và trả 1 triệu USD tiền bản quyền cho một máy chơi game cầm tay. Đổi lại, Zuru nhận được đơn hàng trị giá 29 triệu đô la để cung cấp 2,2 triệu thiết bị cho Walmart.

Đáng tiếc, trong khi đang sản xuất, gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ đã hủy 80% đơn hàng, khiến Zuru rơi vào thảm cảnh. Sau đó, họ thuyết phục Walmart trả tiền cho 800.000 thiết bị.

"Khi tung ra thị trường, đó thực sự là một thảm họa. Chúng tôi không bán được. Hàng hóa như bê tông đặt trên kệ. Zuru đã chịu tổn thương bởi Walmart trong nhiều năm.", Nick chia sẻ.


Sau cơn mưa, trời lại sáng

Bước ngoặt lớn nhất đến khi Zuru ra mắt Robofish, một loài cá robot điện từ bơi trong nước. Sản phẩm này đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới, thậm chí đánh bại Lego vào mùa Giáng sinh 2012 tại New Zealand.

Robofish trở thành món đồ chơi bán chạy nhất toàn cầu năm 2013. Với hơn 15 triệu sản phẩm được bán ra, nó lọt vào danh sách năm đồ chơi hàng đầu được tiêu thụ tại 40 quốc gia. Doanh số sau hai năm đã lên tới 30 triệu đơn vị.

3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 4.

Năm 2013, công ty thu về 55 triệu USD và đã cán mốc 100 triệu USD một năm sau đó.

Được đà đi lên, Zuru vượt qua những người chơi lớn trong ngành - như Hasbro và Mattel - để giành quyền giấy phép chính cho Finding Dory, phần tiếp theo của bộ phim bom tấn của Disney, Finding Nemo.

Hiện Zuru ghi nhận doanh thu hằng năm đạt khoảng 500 triệu USD. Nhà sản xuất đồ chơi này sử dụng 3.000 nhân viên (13.000 nếu bao gồm sản xuất gia công), phân phối tới 121 quốc gia, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất.

3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 5.

Những món đồ chơi nổi tiếng trong vài năm qua được công ty cung cấp bao gồm RoboFish, X-Shot, Bunch O Balloon và Fidget Cube. Zuru cũng trở thành đối tác hàng đầu của các ông lớn ngành giải trí như Nickelodeon, Disney, Universal Studios và DreamWorks.

Theo Forbes, giá trị công ty đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Còn ba anh em nhà Mowbray được vinh danh như những người ưu tú nhất New Zealand với giá trị tài sản ước tính khoảng 300 triệu USD.


Hướng tới Việt Nam

Tại cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 14 tháng 6 năm 2018, Mathew Mowbray đã chia sẻ ý định đầu tư vào Việt Nam.

3 anh em người New Zealand sáng tạo đồ chơi từ Tiểu học, lớn lên rủ nhau bỏ Đại học, xách vali sang Trung Quốc lập ra đế chế đồ chơi tỷ USD, dự định đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 6.

Mathew Mowbray thể hiện quyết tâm đầu tư vào Việt Nam trong cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2018.

Là một trong những công ty đồ chơi phát triển nhanh nhất thế giới, Zuru hướng tới Việt Nam như một căn cứ để tiếp cận các thị trường lớn hơn. Mat dự định phát triển một trung tâm công nghiệp 4.0, đầu tư, xây dựng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM