2020: Streaming lên ngôi

10/12/2020 10:03 AM | Công nghệ

Xem phim, bán hàng trực tuyến trở nên quen thuộc với nhiều người trong năm 2020 khi mà dịch COVID-19 khiến bạn chẳng thế đi đâu. Vì thế, năm 2020, streaming lên ngôi.

Thế giới giải trí phong phú trong các nền tảng Streaming

Trong lúc các rạp phim, các buổi hoà nhạc, các sự kiện văn hoá đông người phải đóng cửa vì dịch COVID-19 , thì các dịch vụ streaming lên ngôi. Một loạt tên tuổi mới gia nhập làng nền tảng streaming trong năm 2020 gồm có: Quibi, Peacock của NBCUniversal, HBO Max. Chỉ vài tháng đầu mùa dịch, các nền tàng streaming nổi tiếng như Netflix, Youtube, Disney +, Amazon đều ghi nhận các kỉ lục người xem.

Thậm chí, hồi tháng 3, khi các quốc gia đều bắt đầu thực hiện các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hồi, các nền tảng này phải thông báo hạ bớt chất lượng video vì lượng người xem tăng đột biến.

Số liệu trên trang thống kê Statista.com cho thấy tại Mỹ, có tới 25% những người trẻ tuổi xem phim trên các dịch vụ streaming mỗi ngày. Còn số liệu của Nielson lại cho thấy, streaming chiếm 19% trong tỷ lệ người dân xem TV tại Mỹ.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 1.

Các nền tảng streaming

Những nền tảng streaming phim, âm nhạc có thể nói là có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các loại hình giải trí truyền thống, trong mùa dịch. Ví dụ như, chỉ cần mua 1 gói dịch vụ trên Netflix, với giá chưa bằng 1 túi bỏng ngô ngoài rạp, người dùng đã có thể xem được nhiều phim, từ phim riêng do Netflix thực hiện, cho những bộ phim kinh điển.

Thêm vào đó, năm 2020, hàng loạt các bom tấn cũng phải tìm cách đổ bộ vào các kênh streaming, thay vì ra rạp và chẳng có khán giả nào được tới xem. Ví dụ như phim hoạt hình ăn khách Frozen 2 được phát trên Disney +, hàng loạt các phim bom tấn của Hàn Quốc cũng lên Netflix.

Chính cách chuyển hướng tiếp cận này của các nhà phát hành phim càng thuyết phục khán giả rằng, các nền tảng streaming sẽ đem lại thế giới giải trí phong phú nhưng tiết kiệm cho họ, trong mùa dịch.

Streaming – Công cụ đắc lực cho Thương mại điện tử

Ngày lễ độc thân (11/11) tại Trung Quốc năm nay là ví dụ điển hình về sự thành công khi sử dụng livestream làm công cụ bán hàng trực tuyến. Tổng giá trị hàng hóa của Lễ hội mua sắm toàn cầu 11.11 năm 2020 của Alibaba đạt 498,2 tỉ Nhân dân tệ. Để làm được điều đó, Taobao Live mở tới 30 kênh livestream, để thư về hơn 100 triệu Nhân dân tệ tổng giá trị giao dịch.

Trong nửa đầu năm nay, tại Trung Quốc, hơn 10 triệu phiên livestream thương mại điện tử đã được thực hiện. Chỉ tới tháng 3, tức là thời gian đầu của dịch bệnh COVID-19, đã có 560 triệu người xem các buổi livestream bán hàng ở Trung Quốc.

Có thể thấy, livestream bán hàng trên mạng xã hội đã và đang trở thành một phương thức hỗ trợ đắc lực cho nhiều người kinh doanh. Và thậm chí là nó còn khiến cho những ông chủ, bà chủ của các tập đoàn nổi tiếng thế giới cũng trở thành những streamer bán hàng trực tuyến. CEO, Giám đốc, Chủ tịch tập đoàn, cũng tham gia vào đội ngũ làm livestream bán hàng.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 2.

Ông James Liang, Chủ tịch Trip.com livestream bán gói du lịch

Hồi tháng 8, chỉ sau 2 giờ đồng hồ, CEO Xiaomi Lei Jun đã đem về 30 triệu USD từ việc bán bút bi, cân điện tử đến smartphone, TV. Buổi livestream thu hút hơn 50 triệu người xem. Dù gặp vài sự cố nhỏ, ví dụ như khi quảng cáo cân điện tử, thì sản phẩm này lại không hiển thị trọng lượng. Tuy nhiên đây lại là chi tiết khiến buổi livestream trở nên thú vị hơn.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì chưa kịp mua sản phẩm và yêu cầu CEO Xiaomi tiếp tục bán thêm. Ông Lei Jun cũng đã hứa với những khách hàng của mình sẽ cân nhắc về buổi livestream tiếp theo.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 3.

Ông Luo Yonghao, CEO Smartisan livestream bán hàng

Đây không phải lần đầu tiên một "sếp" lớn livestream bán hàng tại Trung Quốc. Hồi đầu tháng 4, Ông Luo Yonghao, CEO Smartisan - thương hiệu smartphone phổ biến ở Trung Quốc - đã kiếm được 15,5 triệu USD khi livestream.

Ông James Liang, Chủ tịch Trip.com, bán các gói du lịch trị giá 8,4 triệu USD sau năm lần livestream, mỗi lần khoảng một giờ đồng hồ. Bà Dong Mingzhu Chủ tịch của Gree Electric, bán được số đồ gia dụng có tổng giá trị 43,7 triệu USD sau ba tiếng livestream.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 4.

Ông James Liang, Chủ tịch Trip.com livestream bán gói du lịch

Theo iiMedia Research, tổng giá trị của các giao dịch thông qua livestream tại Trung Quốc đạt 61 tỷ USD trong năm 2019. Do ảnh hưởng của COVID-19, lĩnh vực này đang tăng trưởng đột phá và được dự đoán đạt 129 tỷ USD trong năm nay.

Chỉ riêng Taobao Live, từ tháng 3 đến tháng 6, số lượng người xem livestream trên nền tảng này đã tăng 160% và số lượng người bán tham gia đạt 220% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ thế, cả những thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Givenchy và Chloe đã bắt đầu sử dụng phát trực tiếp để đẩy sản phẩm tại Trung Quốc. Đây là một xu hướng bán hàng phổ biến mới tại Trung Quốc và được yêu thích. Bởi lẽ, nó tạo cơ hội cho người bán nói chuyện trực tiếp với khán giả hàng giờ liền. Người xem cũng là khách hàng có thể theo dõi người bán thử sản phẩm trực tiếp.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 5.

Một buổi livestream bán hàng tại Trung Quốc

Nhứng ê kíp hùng hậu đứng sau mỗi buổi livestream

Những livestream thành công nhất, mang lại doanh thu lớn, chốt được nhiều đơn hàng, lại là công sức của một  nhóm làm việc tận tâm. Bên cạnh người xuất hiện trên màn hình, đằng sau đó cần có đội ngũ kỹ sư đảm bảo cho đường truyền phát trực tiếp trơn tru, nhân viên chăm sóc khách hàng- tập trung trả lời các câu hỏi trong suốt buổi livestream. Và 1 người điều phối chung các hoạt động, từ việc chuẩn bị nội dung kịch bản livestream, cho đến thống kê chốt đơn hàng.

Tại Trung Quốc, các cơ sở đào tạo livestream chuyên nghiệp được mở ra. Giá học phí cho khoá học dài 1-2 tháng là khoảng 26 triệu VND.

Dưới sự đào tạo bài bản, những người bán hàng từ thiếu kinh nghiệm giao tiếp, chưa biết xử lý sự cố khi livestream cũng dần trở thành những người bán hàng điêu luyện.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 6.

Livestream bán hàng hiệu tại Trung Quốc

Ngoài ra, sự tiện lợi của livestream vốn đã được biết đến từ 1-2 năm trước. Và khi dịch COVID-19 đến và khiến cho mọi hoạt động của con người phải thay đổi, dần chuyển sang trực tuyến, thì livestream với những tiện ích thật sự bùng nổ. Cả những người khuyết tật, người yếu thế giờ cũng có thể tham gia vào thị trường lao động bằng cách bán hàng livestream.

Hơn thế nữa, nhận thấy livestream là phương thức tiếp cận đối tượng khách hàng ngày càng online nhiều hơn, các doanh nghiệp cũng đầu tư bài bản hơn cho hình thức thương mại điện tử này. Họ thậm chí săn đón cả những người nước ngoài sinh sống tại Trung Quốc cũng trở thành những người bán hàng livestream đầy tiềm năng.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 7.

Lalo Lopez - người Tây Ban Nha, được một công ty marketing Trung Quốc thuê làm liverstreamer (Nguồn: AFP)

"Tôi thích nói chuyện trước máy quay. Tôi nhận thấy khi tôi có một sản phẩm, tôi có thể phân tích nó. Tôi sẽ phân tích điểm tốt nhất của sản phẩm, cả những điểm chưa được, giá cả cao hay thấp. Góc nhìn về sản phẩm của tôi khác với những livestreamer người Trung Quốc, bởi tôi có nền văn hóa khác. Thế nên, tôi có thể tạo được tương tác và gắn kết với nhiều khách hàng xem livestream đến từ những nền văn hóa tương đồng với tôi", anh Lalo Lopez, người Tây Ban Nha đang làm livestream bán hàng tại Trung Quốc chia sẻ.

Làm gì khi streaming cổ súy lối sống xa hoa, vô trách nhiệm?

Nếu như trước kia, để một bộ phim được công chiếu, sẽ cần qua kiểm duyệt nội dung từ các đơn vị chức năng, thì nay, một bộ phim có thể dễ dàng công chiếu trên nền tàng streaming.

Điều này đã dấy lên những quan ngại về hậu quả xã hội do những tác phẩm thiếu kiểm soát về mặt nội dung, hình ảnh. Tại Trung Quốc, nhiều hoạt động livestream bị đánh giá là trái với thuần phong mỹ tục, cổ suy lối sống xa hoa, lãng phí, vô trách nhiệm.

2020: Streaming lên ngôi - Ảnh 8.

Trung Quốc siết chặt quy định về livestream

Chính vì thế, cơ quan chức năng nước này trong tháng 11 vừa qua, đã đưa ra những quy chế nhằm kiểm soát hoạt động streaming.

Cục phát thanh truyền hình Trung Quốc quy định, những người dẫn chương trình livestream phải khai tên thật và có thể nhận diện khuôn mặt chịu trách nhiệm với những lời mình nói ra.

Những ngôi sao dẫn chương trình cũng bị giới hạn nhận các phần thưởng đổi ra tiền từ người hâm mộ. Chức năng gửi thưởng cho trẻ em cũng sẽ bị khóa. Những người liên tục vi phạm sẽ bị xóa khỏi những mục ưu tiên giới thiệu cho người tiêu dùng, nghiêm trọng còn bị đưa vào danh sách đen.

Cơ quan chức năng cũng bắt buộc những nền tảng phải khai báo những người nước ngoài tham gia livestream. Với sự quyết liệt này, Trung Quốc có thể đem lại sự trong sạch và hữu ích cho các hoạt động streaming.

Nhưng tuy nhiên, trên thế giới, hiện mới chỉ có Trung Quốc thực hiện các biện pháp mạnh tay. Trong khi đó, giờ các dịch vụ streaming là không biên giới. Vì thế, nếu các quốc gia khác không có biện pháp kiểm soát nội dung streaming thì vấn sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tới người xem toàn thế giới.

Nguyễn Hà

Cùng chuyên mục
XEM