2000 bác sĩ mắc ung thư và bệnh hiểm nghèo: Con số "tiết lộ" những nguy cơ của nghề bác sĩ
Con số giật mình trên được TS Phạm Thanh Bình thông tin tại Hội thảo "Bảo vệ Blouse trắng" năm 2019, để phản ánh những nguy cơ mà đội ngũ ngành y đang đối mặt hàng ngày.
Nghề y là nghề nhiều nguy cơ
Theo TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cán bộ công tác trong nghành y đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nguy cơ. Một trong những mối nguy cơ "ám ảnh" nhân viên y tế chính là bạo hành đang gia tăng và nghiêm trọng về mức độ.
Đã có hai trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, bệnh viện đa khoa Vũ Thư - Thái Bình 2012, mới đây nhất là một đoàn viên làm nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn - Quảng Nam do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.
Ngoài bị bạo hành về thể xác, theo TS Bình, nhân viên y tế hiện nay đang bị bạo hành cả về tinh thần. Hậu quả của bạo hành tinh thần tuy vô hình nhưng lại tại nên sự bất an, thậm chí hoang mang đối với cán bộ, nhân viên y tế.
TS Bình lo ngại trước những khó khăn mà nhân viên y tế phải đối mặt.
Không chỉ chịu thiệt thòi vì thường xuyên có nguy cơ bị bạo hành, mức lương người bác sĩ nhận được vẫn chưa thực sự xứng đáng. Vì một bác sĩ sẽ phải trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo khắt khe nhất, thời gian học tập kéo dài và phải xác định học tập suốt đời. Nhưng mức lương khởi điểm của bác sĩ chỉ là cử nhân Đại học 4 năm.
Trong khi đó, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta cũng thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị…
Theo thông kê sơ bộ của Công đoàn Y tế Việt Nam ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ đã có gần 2.000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Nguyên nhân cán bộ y tế mắc bệnh ung thư và hiểm nghèo cao theo lý giải của TS Bình là do: "Người làm ngành y phải đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm.
Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao.
Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp".
Áp lực tâm lý cực lớn
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, bản thân nhân viên ngành y tế cũng đang làm việc trong môi trường nhiều khó khăn, thậm chí nhiều rủi ro. Đó là môi trường lao động luôn chứa đựng những yếu tố liên quan đến bệnh tật, bất an, tâm lý…
Ngành y tế hiện nay do thiếu nhân lực và đặc biệt là thiếu nhân lực cục bộ nên nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện yêu cầu hết sức căng thẳng, nhiều người phải tiến hành mổ hàng chục giờ. Có nhiều nhân viên y tế có những giấc ngủ không ngon.
Theo ông Hiển, nếu có thiết bị đo đếm về môi trường tâm lý của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Đây là môi trường thách thức và nhiều rủi ro cho nhân viên y tế.
"Xã hội thường đòi hỏi nhân viên y tế nhiều nhưng hiểu công việc của nhân viên y tế ít", ông Hiển nói.
Hai vấn đề an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bạo hành là vấn đề có ý nghĩa rất thiết thực đối với đội ngũ ngành y. Ông Hiển mong muốn các bộ, ngành, cấp chính quyền vào cuộc, các cơ quan truyền thông lên tiếng để cả xã hội thấy hiểu và chia sẻ để cán bộ, nhân viên y tế có thể yên tâm làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.