2 tháng đầu năm, hơn 28 ngàn doanh nghiệp rời thị trường, số thành lập mới chỉ hơn 17 ngàn

13/03/2020 16:40 PM | Kinh doanh

Theo Báo cáo của Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, trong 2 tháng đầu năm 2020 có đến 28.344 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi đó, lượng doanh nghiệp được thành lập trong khoảng thời gian này là gần 17.400.

Khó khăn, dịch bệnh là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không trụ nổi trên thị trường. Số doanh nghiệp đóng cửa ghi nhận lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp thành lập. 

Báo cáo của Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay có đến 28.344 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi đó, lượng doanh nghiệp được thành lập trong khoảng thời gian này là gần 17.400. Theo dự báo, tình hình doanh nghiệp rời thị trường có thể tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do các nguyên nhân khác nhau thì hầu hết các doanh nghiệp rời bỏ thị trường ở thời điểm này do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Sự ngưng trệ hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại... trong thời gian gần đây là minh chứng rõ nét của tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong đó, hầu hết các ngành nghề đều chịu sự ảnh hưởng này.

2 tháng đầu năm, hơn 28 ngàn doanh nghiệp rời thị trường, số thành lập mới chỉ hơn 17 ngàn  - Ảnh 1.

Theo một khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp, nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng, gần 74% số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho người lao động, tiền lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Lĩnh vực giáo dục được xem là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của Covid1-19. Nhiều cơ sở trường mầm non tư nhân điêu đứng không có khoản thu nhập do học sinh nghỉ học,…nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Mới đây, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập trong kiến nghị thư lên Thủ tướng Chính phủ giãi bày: “Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí”. Trong đó, các cơ sở giáo dục khẩn cầu được hỗ trợ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

 lĩnh vực bất động sản, theo thống kê của Hội môi giới bất động sản, đã có hơn 300 sàn giao dịch (chiếm 1/3 số sàn giao dịch có trên thị trường) phải đóng cửa trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiếu hàng để bán. Chưa kể, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ trên cả nước tạm ngưng hoạt động do vắng khách.

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng, gần 74% số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho người lao động, tiền lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng có thể kể đến là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…

Theo các chuyên gia, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cũng sẽ ảnh hưởng nếu dịch kéo dài trong 6 tháng. Một số doanh nghiệp như dệt may, da giày... cho biết khả năng nguyên phụ liệu tồn kho chỉ còn sử dụng cho sản xuất đến hết tháng 3 hoặc tháng 4. Số rất ít kéo dài đến hết tháng 6 tới. Trong khi hầu hết những doanh nghiệp này lại phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, do đó nếu dịch chưa dứt trước thời điểm trên thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và phá đơn hàng của nhà nhập khẩu.

Nhận định của các chuyên gia chỉ ra, nếu dịch bệnh kéo dài thêm 3 tháng nữa thì tình thế sẽ vô cùng khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp bởi nguồn tài chính dự phòng cạn kiệt.

Ngoài việc tự cứu mình, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ họ, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn lãi với thuế nộp chậm,... Chính phủ cũng cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, và giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông qua nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước…

Mới đây, chính phủ đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế lên tới 280.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp. Cụ thể, chính phủ sẽ triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí...

Đây là động thái quan trọng và cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang chịu những tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

2 tháng đầu năm, hơn 28 ngàn doanh nghiệp rời thị trường, số thành lập mới chỉ hơn 17 ngàn  - Ảnh 3.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM