2 mảnh đời già bán bột chiên vỉa hè nuôi đứa cháu nhỏ bị bỏ rơi, hơn 30 năm vẫn treo giá rẻ bèo khiến khách năn nỉ "xin ông bà bán đắt hơn chút"
Tuấn chính là nguồn sống, là mặt trời bé con giúp vợ chồng ông Sắt đi qua những năm tháng xế chiều bằng nụ cười và những xẻng bột chiên.
Xe bột chiên lâu đời nhất quận 1, gắn với tuổi thơ bao thế hệ người Sài Gòn
Mỗi buổi chiều đi ngang qua công viên Lê Văn Tám, góc đường Điện Biên Phủ cắt ngang Phùng Khắc Khoan, một mùi hương quyến rũ sẽ vấn vương quanh mũi khiến ai cũng cảm thấy đói bụng. Một chiếc xe đẩy cũ kĩ bám đầy muội than, một chảo dầu khổng lồ sôi liu riu với chậu bột viên to đùng nằm lẻ loi bên cây cột đèn. Một đôi vợ chồng già cặm cụi đứng sau chảo dầu, người chiên bột người xếp đĩa phục vụ khách. Khung cảnh bình yên ấy đã diễn ra suốt mấy chục năm, quen thuộc đến mức người dân Sài Gòn chẳng nhớ xe bột chiên nằm đó từ bao giờ nữa.
Khi mặt trời bắt đầu xiên bóng qua trưa, bà Hoa lại lục tục cùng chồng đẩy xe bột chiên ra lề đường chuẩn bị đứng bán. Ông Sắt có vóc dáng cao lớn, điềm tĩnh xếp đặt mọi thứ vào vị trí, cầm chiếc xẻng xúc bột thả vào nồi dầu. Đồ nghề ông bà chẳng có mấy, thứ mới nhất có lẽ là cái bát nhôm, còn lại thì đồ gì cũng méo cũng mòn. Hơn nửa cuộc đời mưu sinh nơi vỉa hè, thứ bền chắc nhất của vợ chồng ông bà chính là tình nghĩa dành cho nhau, gắn bó với nhau từ lúc Sài Gòn chưa hoa lệ như bây giờ.
Món bột chiên của vợ chồng bà Hoa khá đặc biệt, cách làm bình thường mà hương vị lại không hề tầm thường, có những người đã "ghiền" ăn bột ở đây tận hơn chục năm. Những viên bột được nêm nếm khá vừa ăn, nước chấm không bị đậm quá, lớp vỏ bột rất giòn, đặc biệt ăn khi vừa mới chiên xong là ngon hết sảy. Bột của ông bà không tẩm màu, chỉ dùng xẻng thả vào chiên ngập dầu rồi vớt lên ngay, nên lớp ngoài giòn rụm, bên trong mềm mịn nóng hổi, mùi thơm nức. Mỗi dĩa bột ăn kèm với trứng chiên, thêm đu đủ bào sợi do bà tự làm kết hợp khá lạ miệng.
Xe bột chiên lề đường của ông Sắt bà Hoa coi vậy mà nổi đình đám. Chẳng biết quảng cáo là gì, ông bà cứ đều đều hàng ngày xúc bột chiên đem bán, còn khách khứa kéo nhau tới chụp ảnh rồi đăng khắp nơi trên mạng xã hội. Khách quen tới ăn đã đành, bây giờ ông bà cũng vui vì nhiều khách lặn lội từ xa tới ủng hộ, chỉ vì vài bức ảnh chụp dĩa bột chiên họ vô tình nhìn thấy trên Facebook.
Nhiều người nhận xét rằng đây không phải hàng bột chiên ngon nhất Sài Gòn, nhưng nó lại chứa đầy ký ức tuổi thơ và phong vị mộc mạc chẳng nơi đâu có. Ông bà làm theo cách truyền thống thủ công, mỗi dĩa bột ăn kèm với đu đủ bào sợi đầy ắp mà có giá chỉ vỏn vẹn 20 ngàn, khách ăn xong đứng dậy than ông bà bán rẻ quá, đôi khi họ trả tiền chỉ muốn xin ông bà bán mắc hơn chút để đỡ áy náy với chiếc dạ dày no căng bữa xế chiều.
Ông Sắt năm nay đã 74 tuổi, còn bà Hoa cũng 69 rồi. Ông xuất thân là người Hà Nội, những năm chiến tranh ông nhập ngũ ra chiến trường, đến khi giải phóng thì chuyển hẳn vào Sài Gòn sinh sống. Còn bà Hoa sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, 15 tuổi bà đã khăn gói một thân một mình đi vào Sài Gòn mưu sinh. Bà xin được vài công việc nhỏ, cho đến khi gặp được ông - chàng bộ đội chịu thương chịu khó, họ làm quen và yêu nhau từ đó.
Có một khoảng thời gian ông đi làm nhiệm vụ ở Campuchia nên 2 người yêu xa, chỉ liên lạc qua thư từ. Sau khi trở về, ông xin đơn vị được kết hôn với bà. Hai người có với nhau 2 cậu con trai và một người con gái nuôi - được bà Hoa đem về từ khu đồn điền trồng điều ở Đồng Nai.
Nhà đông con nên cuộc sống bấp bênh, sinh đẻ xong bà Hoa vẫn cùng chồng buôn bán trên chiếc xe bột chiên được tái chế lại từ chiếc xe bán nước giải khát để nuôi nấng mấy đứa con nên người. Nghề bán bột chiên đến với ông bà một cách tình cờ khi họ loay hoay kiếm kế sinh nhai, được mọi người gợi ý món bột chiên và gỏi bò nên ông bà làm thử. 2 món ăn vặt này vừa dễ bán, rẻ tiền, cách đây hơn 30 năm cũng chưa có ai mở bán gần đó. Sau một thời gian kinh doanh thuận lợi, ông bà thuê được mặt bằng ngay đường Phùng Khắc Khoan, bán thêm món ăn khác như bún bò Huế, bò kho... nhưng không lâu sau lại phải trả nhà, dọn ra vỉa hè với 2 món ban đầu.
Việc buôn bán kéo dài đến nay đã hơn 30 năm, kể từ tháng 7 năm 1990, trải qua biết bao thăng trầm, khổ cực, ông bà vẫn gắn bó với nghề bán bột chiên và gỏi bò. Ngồi đăm chiêu trên chiếc ghế cũ, ông Sắt nhớ lại những tháng ngày hoàng kim: "Khách khứa nhiều năm về trước đến ăn đông lắm, có khi ngồi kín khắp ngã ba đường Điện Biên Phủ và Phùng Khắc Khoan. Vài năm trở lại đây thì không còn nhiều khách nữa, chủ yếu là khách vãng lai đi qua chứ nhân viên văn phòng quanh đây không nhiều, cộng thêm dịch bệnh từ năm ngoái đến nay nên ế ẩm hơn, có những hôm ngồi 2 tiếng đồng hồ mà chúng tôi chưa bán được đến 5 dĩa bột".
Không chỉ việc buôn bán, sức khỏe của ông Sắt những năm gần đây cũng yếu đi nhiều phần. Năm 2019, ông bị tràn dịch phổi, phải nghỉ bán và nhập viện cả tháng, may mắn có bảo hiểm nên bà Hoa cũng bớt áp lực.
"Nhiều người trách bà ấy hay cau có, nhưng vợ tui khổ quá nên mặt bà mới thế!"
Vợ chồng bà Hoa đều đã già nên sức khỏe chẳng còn tốt như trước. Bao năm bám trụ lề đường, dầm sương dãi nắng từ buổi trưa cho tới tận đêm khuya, bà bị bệnh xương khớp hành, việc đi lại cũng nhọc mệt. Ông khỏe hơn thì đứng rán bột, còn bà tập tễnh đứng cạnh chờ bưng dĩa ra cho khách, gói hộp để khách mang về. Khách quen của ông bà biết điều đó, nên họ thường kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi để đến lượt thưởng thức món ăn bình dân trong chiếc xe đẩy cũ.
Vừa lau mồ hôi, ông Sắt vừa trải lòng về nỗi khổ sau xe bột. Có nhiều người hay lầm tưởng về tính cách của bà Hoa với ánh nhìn không mấy thiện cảm, họ chê cách bà nói chuyện và khuôn mặt cau có, nhưng thật ra bà rất quý khách và dễ chịu, chỉ là khuôn mặt của bà hằn lên sự khổ nhiều quá nên đôi khi bà cũng nóng tính đôi chút. Ông Sắt cũng thú nhận đôi khi bị khách phàn nàn về thái độ phục vụ của bà, nhưng ông thương vợ, chỉ giải thích nhỏ nhẹ rằng đó không phải tính cách của bà đâu. Bà luôn cố gắng quên đi bệnh tật trong người để giúp ông mỗi ngày kiếm tiền nuôi đứa cháu trai nhỏ mà mẹ nó bỏ lại.
Vừa nhắc đến đứa cháu trai, ông mỉm cười thật vui khi thấy bóng chiếc xe đạp nhỏ lao như bay trên vỉa hè. Cái xe được thằng nhỏ giữ gìn rất cẩn thận, nên vẫn mới và đẹp lắm, bởi đó là "gia tài" lớn nhất của cháu ông.
Cậu bé có đôi mắt sáng long lanh tên Nguyễn Thanh Tuấn, năm nay đã 9 tuổi và đang học lớp 3. Bình thường Tuấn đi học đến chiều muộn mới ra chỗ ông bà, nhưng nghỉ dịch cũng lâu nên bây giờ cậu nhóc thường xuyên ra vỉa hè chơi đùa, phụ ông bà bán bột. Tuấn bị con gái nuôi của bà Hoa bỏ rơi vì là bào thai ngoài ý muốn, nên suốt 9 năm qua ông bà là mái ấm duy nhất của cậu bé.
Bà Hoa rơm rớm nhìn đứa cháu chạy lăng xăng bên cạnh người ông vốn không hề có máu mủ ruột rà: "Nó (Tuấn) được sinh ra khi mẹ nó mới vừa 17 tuổi. Tuổi đời còn nhỏ và chưa hiểu chuyện nên ba mẹ nó để xảy ra sự cố. Khi biết chuyện, bên nội không nhận đứa cháu trong bụng mẹ nó, vợ chồng tui đành chấp nhận nuôi nấng Tuấn dưới sự dè bỉu của mọi người. Tuấn được 15 tháng tuổi thì mẹ nó bỏ nhà ra đi đến tận bây giờ, bỏ lại đứa con cho hai ông bà nuôi không một lời từ biệt".
Dạo gần đây mẹ Tuấn bỗng liên lạc lại, cho ông bà hay tin đang ở Sóc Trăng, nhưng cũng chẳng có ý định sẽ nhận lại đứa con trai tội nghiệp. Vì thương cháu, hai ông bà cố gắng buôn bán để nuôi nấng và cho Tuấn ăn học đầy đủ. Lúc nhỏ Tuấn được gửi vào trung tâm phục hồi và trợ giúp trẻ em ở quận 3, đến khi Tuấn lớn thì họ trả về do không thể cưu mang được thêm nữa. Vậy là ông bà phải gồng gánh bé cho đến khi may mắn gặp được nhiều nhà hảo tâm đến giúp đỡ, gần đây nhất có một người phụ nữ châu Phi đã tìm ông bà để giúp đỡ tiền học phí của Tuấn, nên ông bà cũng bớt lo phần nào.
Tuấn rất ngoan, dễ thương, lễ phép và hiểu chuyện, biết rằng bản thân không được đầy đủ tình thương từ cha mẹ nên bé rất tự giác giúp đỡ ông bà buôn bán. Ngày nào Tuấn cũng chạy ra quán bán cùng ông bà, đến tầm 8 giờ tối thì bé tự về nhà học bài và ngủ sớm. Tuấn được nhiều người tặng quần áo, sách vở, chiếc xe đạp quý giá của cậu nhóc cũng là quà của một nhà hảo tâm. Khách đến mua bột đều rất quý mến Tuấn, có những hôm bé ngủ gục trên miếng bìa mỏng dính lót đất, hoặc ôm quyển vở cặm cụi học dưới ánh đèn đường chờ ông bà dọn hàng khiến ai cũng chạnh lòng.
Ở tuổi xế chiều, vợ chồng ông Sắt chỉ lo sợ một ngày nào đó không còn nữa thì liệu đứa cháu trai bé bỏng sẽ như thế nào? Tuấn không phải trẻ mồ côi, nhưng bé cũng quá đủ thiếu thốn từ khi mới chào đời. Ông bà vẫn luôn mong có nhiều sức khỏe để chăm sóc cho cháu trai được đến đâu hay đến đó, nuôi nấng bé nên người.
Hiện tại ông bà đang sống với bé Tuấn ở nhà người con trai cả, nhưng do anh làm công việc bảo vệ nên cũng chỉ đủ tài chính lo cho gia đình riêng. Lỡ mai này có chuyện không may, bà Hoa chỉ có một ước nguyện là mong đứa cháu nhỏ sẽ tiếp tục được ở với bác, hoặc được nhà hảo tâm nào đó nhận nuôi để bé không bơ vơ lạc lối trong cuộc đời...
Nếu muốn ghé qua đoạn đường Phùng Khắc Khoan - Điện Biên Phủ để thăm xe bột chiên của ông Sắt bà Hoa, các bạn có thể đến từ 2h30 chiều đến 22h tối, hôm nào ế bột thì ông bà sẽ bán cố đến 23h. Giá bột chiên chỉ 20k ăn kèm 1 trứng, 30k nếu gọi 2 trứng và nhiều bột hơn. Giá gỏi bò cũng chỉ 20k, bình dân thôi nhưng đủ cho một bữa ăn chiều đạm bạc.