2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: "Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi"

05/01/2021 14:18 PM | Sống

"Tôi là Tín và tôi tự hào về mình, có thể bạn không tin những gì tôi sắp kể. Nhưng nếu bạn tin thì bạn sẽ học được ít nhất một vài điều trong câu chuyện của tôi", anh Nguyễn Chánh Tín mở đầu câu chuyện đầy xúc động của mình.

Khó ai tránh khỏi gian nan và bất hạnh, bởi đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Khi đối mặt với những thử thách này, có người sẽ không chịu được mà gục ngã. Thế nhưng, có người lại biến chúng thành bàn đạp để trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Anh Nguyễn Chánh Tín (Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định) chính là một trường hợp như thế.

Cách đây không lâu, anh Tín đã khiến cư dân mạng vô cùng xúc động khi chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình. Bài viết của người đàn ông 33 tuổi này đã nhận được hàng nghìn lượt thích và bình luận trên mạng xã hội. Mọi người đều nể phục trước tinh thần quật cường và nghị lực sống mãnh liệt mà anh đã chứng minh suốt hàng chục năm qua.

Tai nạn nghiệt ngã cướp đi tương lai của chàng trai trẻ đầy hoài bão

15 năm trước, giống như nhiều thanh niên đầy hoài bão khác, anh Tín rời quê lên thành phố với một tâm thế hừng hực. "Đó không phải là lần đầu tiên tôi xa nhà, nhưng đó là lần đầu tiên tôi có một ước mơ rất lớn. Ước mơ thay đổi cuộc sống nghèo khó, tôi muốn có một tương lai tốt hơn, tôi muốn cho bố mẹ tôi một cuộc sống tốt hơn về già", anh viết.

Sau khi trúng tuyển ngành Kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn, anh Tín chịu khó làm thêm đủ mọi công việc trên đời để có tiền đóng trọ. Mỗi tháng, anh sẽ dành dụm một khoản để tham gia những khóa học về kinh doanh và marketing. Năm 2009, khi đã đạt được mức thu nhập bứt phá, anh Tín quyết định tạm dừng học và bảo lưu kết quả.

"Tôi là người thích tự do tài chính. Lúc ấy tôi đang học xây dựng, nhưng tôi nhận ra rằng thứ mình thích là tài chính, là tiền tệ".

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 1.

Anh Tín thời còn trẻ (Ảnh: NVCC)

Sau đó, anh Tín nhận lời gây dựng lại một doanh nghiệp phá sản. Chàng trai trẻ tuổi lao vào làm việc như một cái máy, mỗi ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng, đến mức bị bạn bè trêu là "cỗ máy kiếm tiền". Trong khi bạn bè đồng trang lứa vẫn ngày ngày đến lớp, anh Tín đã biết kiếm tiền và tạo ra thu nhập cho người khác.

Năm 2010, công ty của anh Tín đã vượt qua khó khăn và bắt đầu có lợi nhuận. Những tưởng cuộc đời anh sẽ bước sang một trang mới tươi đẹp hơn, nhưng một đêm mưa định mệnh đã phá hỏng tất cả. Tại thời điểm ấy, chàng trai này mới chỉ 23 tuổi, với tương lai đầy rộng mở phía trước.

Hôm đó, sau khi chở sếp về nhà, anh Tín không may gặp tai nạn giao thông. Đoạn đường lúc đấy đang thi công; xe của anh va vào rào chắn và chỉ dừng lại khi tới nắp cống. Anh được người dân đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, tình trạng nguy kịch tới mức phải liên tục thở máy. Có những lúc anh tưởng mình đã ra đi, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mạng sống.

"Tôi bị chấn thương tủy sống cổ và bị liệt tứ chi. Mọi thứ sụp đổ từ khoảnh khắc ấy. Tôi cảm nhận được những cơn đau, tôi tự hỏi sao lại là tôi và sao lại là lúc này. Nhìn sang, tôi thấy mẹ đang gục trên giường. Tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây", anh nhớ lại khoảnh khắc cận kề sinh tử.

Sau 10 ngày, anh Tín được rút ống trợ thở. 20 ngày tiếp theo, chàng trai trẻ chỉ nằm bất động một chỗ, ăn uống bằng ống, ra hiệu bằng mắt. 5 ngày cuối cùng, anh bị tắt tiếng, không thể nói gì.

"Tôi bắt đầu thấy sợ, tôi sợ vì những ngày vừa qua, tôi sợ đủ thứ. Nhưng tôi không dám khóc vì bố mẹ sẽ buồn, những người xung quanh tôi sẽ buồn. Nước mắt chỉ chảy về đêm", anh tâm sự.

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 2.

Sau cơn nguy kịch, anh Tín giữ được mạng sống, nhưng phải gánh chịu nỗi đau thể xác cả đời này. Các bác sĩ Bệnh viện Phục hồi Chức năng thông báo: Bệnh của anh không tính bằng ngày bằng tháng, mà tính bằng năm. Chàng trai trẻ chết lặng, đau đớn còn hơn lúc không thở được. Bởi lẽ, cánh cửa tương lai dường như đã đóng sập trước mắt anh.

"Tôi muốn được về nhà. Tôi nhớ nhà. Trong tôi lẫn lộn nhiều suy nghĩ, nên dừng lại hay nên đi tiếp. Tôi phải mất 3 ngày để có câu trả lời cho mình. Tôi bắt đầu chấp nhận sự thật, chấp nhận bản thân, chấp nhận là người tàn tật", anh Tín viết.

Chỉ vì một tai nạn oan nghiệt, cuộc sống của chàng trai 23 tuổi đã bị đảo lộn hoàn toàn. Anh hiểu rằng giờ đây mình không thể chủ động như trước, muốn đi đâu thì đi. Với quyết tâm trở thành "người tàn nhưng không phế", anh lao vào luyện tập phục hồi chức năng suốt 2 tháng trời, trước khi được giáo viên cho về nhà.

"Đúng 3 tháng sau tai nạn, tôi được hoà mình vào dòng người đông đúc trên phố. Nhưng cảm nhận rất khác. Tôi suy nghĩ rồi đây mình sẽ làm gì, mình sẽ ra sao. Ừ thì mạnh mẽ đấy, nhưng liệu sẽ mạnh mẽ được bao lâu?", anh trăn trở.

27 Tết Âm lịch năm đó, anh Tín được bố mẹ đưa về quê. Ngồi trên chiếc xe lăn từ nay sẽ gắn bó cả đời, nhìn dòng người tấp nập đi chúc Tết, nhìn bạn bè í ới đi họp lớp, anh lại cảm thấy lòng mình trống trải. Nhưng vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác, anh Tín tự nhủ cứ vui với những gì đang có, hạnh phúc với những thứ còn lại.

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 3.

Sau tai nạn, anh Tín chỉ có thể nằm bất động một chỗ. (Ảnh: NVCC)

Quyết tâm "tàn nhưng không phế", 2 lần bị ông trời thử thách nghị lực

Bước đầu tiên trên con đường làm lại cuộc đời không hề dễ dàng. Sau thời gian nằm viện tốn kém, anh chẳng còn bao tiền, lại còn nợ ngân hàng. "Ngồi xe lăn, tay chân có mà như không", anh viết.

Tận dụng hết kinh nghiệm sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, anh bắt đầu từ con số 0 với công việc mua bán điện thoại. Anh liên hệ với đầu mối nhờ họ bỏ hàng, rồi chuyển sang cho người bán lẻ, khoản tiền chênh lệch sẽ thuộc về anh.

Cuối năm 2011, được em họ dạy cách dùng Facebook, anh Tín bắt đầu bán đặc sản Bình Định online. Thu nhập của anh ngày một khá dần, đủ trả cả khoản vay sinh viên ngày xưa. Cuộc sống bắt đầu đi vào ổn định, giúp anh Tín càng thêm tràn trề niềm tin vào tương lai.

Thế nhưng, ông trời dường như vẫn muốn thử thách nghị lực của chàng trai này thêm vài lần nữa.

Năm 2012, đúng hôm anh bị sốt cao thì trộm đột nhập vào cửa hàng. Điện thoại để trong tủ mất sạch, ví tiền cũng chẳng còn, ngay cả chiếc máy tính để anh làm việc cũng "không cánh mà bay".

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 4.

Anh Tín bên cạnh bạn bè. (Ảnh: NVCC)

Hàng xóm xung quanh thấy nhà anh Tín bật đèn giữa đêm nên chạy sang hỏi thăm, rồi gọi điện báo công an. Nhìn cảnh tượng lúc ấy, anh chỉ biết im lặng nghe mọi người động viên.

"Bố tôi rưng rưng nước mắt, nói: ‘Mất hết rồi con à’", anh Tín kể. Anh thậm chí còn biết rằng những mặt hàng như điện thoại một khi đã mất thì chẳng bao giờ lấy lại được.

"Tôi thở một hơi thật dài, vừa nói vừa cười: ‘Mất rồi thì thôi’. Ai cũng ngạc nhiên hỏi sao tôi cười. Tôi nói: ‘Không lẽ giờ khóc? Con hết nước mắt rồi, mà có khóc thì cũng chả lấy lại được. Thôi xem như con lại không may một lần nữa".

"Có lẽ tôi đã từng mất những thứ quá lớn, nên giờ thêm một lần nữa cũng có sao đâu. Tôi chịu được hết. Quan trọng là tôi còn sống. Nếu như hôm đó bọn trộm nó lấy cái mạng của tôi, hay một ai trong gia đình tôi thì sao? Còn người là còn của", anh viết.

Vụ trộm lần ấy khiến anh Tín thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Đối với bọn trộm hay người khác, số tiền ấy chẳng đáng là bao, tiêu xài 1-2 hôm là hết. Thế nhưng, với một người tàn tật như anh, đó là cả một gia tài, là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm.

Nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, anh Tín mua lại được một chiếc laptop cũ để hỗ trợ công việc. Điều này khiến anh không khỏi xúc động và vô cùng biết ơn những con người tốt bụng ấy.

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 5.

"Họ đã dành cho tôi những lời động viên để tôi đi tiếp hành trình của mình. Một lần nữa tôi lại thêm một món nợ ân tình".

Buộc phải trở về vạch xuất phát nhưng anh Tín không nản lòng. Anh tìm đến bạn bè, rủ làm ăn chung để dễ bề phát triển. Trớ trêu thay, số phận nghiệt ngã dường như vẫn chưa chịu buông tha cho chàng trai này.

Tháng 10/2014, anh Tín đang ngủ thì thấy mệt lả đi, phải gọi điện cho mẹ. 1h sáng, mẹ anh chạy sang thì thấy con trai chảy máu đầm đìa, ướt hết cả nệm đang nằm. Anh cũng chẳng biết mình bị làm sao, chỉ cảm thấy cả người rã rời như sắp chết.

"Tôi nói với mẹ: ‘Mẹ ơi, chẳng lẽ hôm nay con phải chết? Mẹ ơi, gọi taxi nhanh lên, con chưa muốn chết. Đến bệnh viện nhanh lên, không con chết mết!".

Trong suốt quãng đường tới bệnh viện và chuyển lên tuyến trên, anh Tín cứ nghĩ mãi trong đầu: "Tín ơi, mày còn quá trẻ. Mày không thể chết, mày không được chết".

Hóa ra, anh Tín bị hoại tử vùng mông do ngồi làm việc quá nhiều. Bác sĩ phải cắt bỏ hết phần hoại tử để cứu anh khỏi lưỡi hái tử thần một lần nữa. Anh mất 2 tháng để điều trị tại bệnh viện, thêm 2 năm nữa để mông lành hẳn.

Vì anh Tín không thể ngồi nhiều như trước, việc kinh doanh gặp gián đoạn. Chàng trai trẻ đành tìm đến những công việc khác thích hợp hơn, cố gắng tạo nhiều nguồn thu nhập để có tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh. Đến năm 2015, anh chuyển sang kinh doanh thêm hàng tạp hóa.

Ban đầu, ai cũng phản đối quyết định này của anh. Mọi người cho rằng công việc này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, mà anh Tín chỉ có một mình, lại phải ngồi và nằm yên một chỗ.

"Thế nhưng, nó cứ thôi thúc tôi làm cho bằng được. Mọi người không hiểu tôi sẽ làm kiểu gì, và ai cũng tò mò xem tôi sẽ làm như thế nào", anh viết.

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 6.

Cửa hàng tạp hóa của anh Tín (Ảnh: NVCC)

Chàng trai trẻ tự mình tính toán mọi thứ. Anh liên hệ với bạn bè để hỏi kinh nghiệm, giá cả, thậm chí còn tìm được nhà cung cấp duy nhất cho hầu hết tất cả các mặt hàng. Sau 1 tuần, anh Tín đã mở được cửa hàng tạp hóa của riêng bản thân.

Giống như người chủ đặc biệt của mình, cửa hàng này cũng hoạt động theo phương thức "tự phục vụ" không giống ai. Khách hàng đến đây sẽ tự chọn thứ mình cần, sau đó nghe anh Tín báo giá, rồi tự bỏ tiền vào hộp và lấy lại tiền dư. Cứ như thế, tiệm "Tạp hóa Tín" đến nay đã ngót nghét được 5 năm tuổi.

Mơ ước trở thành "life-coach" để giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh

10 năm kể từ tai nạn định mệnh ấy, anh Tín chia sẻ: "Tôi đã nếm trải đủ thứ mùi vị trong cuộc sống. Đắng có cay có, hạnh phúc có, vui buồn có. Tôi học được thêm nhiều bài học trong cuộc sống. Tôi tận dụng triệt để những gì mình đang có. Và chưa bao giờ đầu hàng trước số phận. Tôi chưa thể thành công như ước nguyện của mình. Nhưng tôi tự hào vì những gì tôi đã đang và sẽ làm".

Anh Tín bảo rằng bốn bức tường có thể giam giữ thân xác, nhưng không thể nào trói buộc tinh thần và tâm hồn anh. Anh kết nối với mọi người bằng Internet và mạng xã hội. "Đối với tôi, đằng sau mỗi rào cản của cuộc đời là mỗi một cách giải quyết thú vị", anh viết.

"Có nhiều đêm, tôi chỉ ước sáng mai ngủ dậy ông trời cho tôi đôi tay lành lặn thôi cũng được. Nhưng cuộc đời là vậy, bạn phải thích nghi với mọi thứ. Chấp nhận mọi rào cản, vượt qua nó, vượt lên trên những nỗi đau, những nỗi sợ hãi. Nhìn về phía trước, nhìn vào những thứ tích cực, đâu đó sẽ có giải pháp cho bạn, sẽ có con đường cho bạn".

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 7.

Hiện tại, anh Tín vẫn đang sống cùng gia đình tại quê nhà Bình Định. Ngoài tiệm tạp hóa, anh còn kinh doanh linh kiện điện thoại và hợp tác cùng một công ty chuyên về thực phẩm chức năng của Nga. Những công việc này giúp anh có nguồn thu nhập ổn định, trang trải phần nào 5 triệu đồng tiền thuốc mỗi tháng.

" Bố mẹ lớn tuổi lại tốn thời gian chăm sóc cho tôi. Vậy thì điều thôi thúc tôi là không để gánh nặng tài chính lên gia đình. Từng miếng ăn, từng viên thuốc tôi tự làm tự chịu", anh viết.

Bản thân là người từng gặp khó khăn và được nhiều người giúp đỡ, thỉnh thoảng anh Tín cũng đóng góp một ít quà cho các tổ chức thiện nguyện. Có người bảo rằng anh lo cho bản thân chưa xong mà còn đòi làm từ thiện, anh chỉ bỏ ngoài tai.

"Tôi cảm thấy như người ta đang áp đặt những người như tôi là gánh nặng của xã hội, là phải an phận. Họ không tin vào sự nỗ lực, không tin là tôi làm được nên họ không đồng hành", anh tâm sự. "Nhưng tôi nghĩ khác: Suy cho cùng, người tàn tật hay người bình thường thì cũng đều có một trái tim để yêu thương và cho đi".

Chính vì vậy, vào năm 2018, anh Tín đã liên lạc với Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh tự hào khi trở thành 1 trong hơn 5000 người đầu tiên xin hiến tạng tại đây. "Đó cũng là việc đầu tiên tôi có thể làm được cho cuộc đời này", anh viết.

 2 lần đối diện với tử thần và mơ ước trở thành life coach của chàng trai liệt tứ chi: Tàn tật hay bình thường, ai cũng đều có trái tim để yêu thương và cho đi  - Ảnh 8.

Với tinh thần "cho đi là còn mãi", anh đã đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: NVCC)

Trải qua biết bao gian nan và thử thách, anh Tín giờ đây chỉ mong có một cuộc sống ổn định để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng bấy lâu nay: trở thành life coach (người khai vấn cuộc sống - PV). Đối với chàng trai Bình Định, đây là cách để anh có thể giúp đỡ nhiều người hơn, lan tỏa lòng nhân ái.

"Bây giờ người ta mất định hướng rất nhiều. Những biến cố trong cuộc sống như ly hôn, thất nghiệp,... làm cho con người ta mất định hướng, dễ dẫn tới tệ nạn, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Những người khai vấn - ‘life coach’ - có thể giúp họ vượt qua những cú sốc tinh thần ấy để làm lại từ đầu", anh giải thích.

Bên cạnh đó, anh Tín còn ấp ủ giấc mơ viết được một cuốn sách kể về cuộc đời của mình, nhằm truyền cảm hứng cho những hoàn cảnh tương tự. Anh sẽ dành tiền bán sách cho quỹ từ thiện, để hoàn thành ước nguyện là giúp đỡ cho nhiều người khuyết tật khác, cũng như nhiều mảnh đời bất hạnh. Chàng trai Bình Định tiết lộ rằng anh đã sắp đến đích, chỉ cần nỗ lực thêm một chút nữa là có thể chạm tay vào mục tiêu bấy lâu nay.

"Tôi viết ra câu chuyện của mình là để mọi người hiểu hơn về tôi, về những gì tôi trải qua. Tôi muốn đâu đó có những số phận như tôi, xin hãy cứ lạc quan và tạo cho mình một cơ hội sống tiếp, sống tốt. Tôi không muốn mọi người thương hại, cũng không muốn mọi người tung hô, tôi chỉ muốn truyền một chút động lực cho cuộc sống thêm màu sắc bằng câu chuyện của tôi", anh nhắn nhủ mọi người trên trang cá nhân.

"Nếu một ngày bạn muốn dừng lại thì hãy hỏi tại sao bạn lại bắt đầu. Nếu bạn từ bỏ bạn, thì sẽ chẳng có ai bên bạn cả. Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường. Tôi không may mắn khi phải đi trên con đường gập ghềnh, nhưng tôi muốn đi hết con đường này để xem đích đến có gì thú vị".

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Cùng chuyên mục
XEM