183 mã giảm sàn trong ngày "thứ 2 đen tối": Áp lực giải phóng dòng tiền quá lớn, nhiều cổ phiếu bị bán oan vì nhóm đầu cơ sụp đổ

17/01/2022 16:48 PM | Kinh doanh

Trên HOSE, có 125 cổ phiếu giảm sàn, HNX có 49 mã cổ phiếu giảm sàn và UpCoM có 9 cổ phiếu giảm sàn. Tổng ba sàn, có tới 183cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay.

Phiên giao dịch ngày 17/1 gây thất vọng lớn trong giới đầu tư với đà giảm mạnh nhất 5 tháng trở lại đây. Kết phiên, VN-Index mất 43 điểm rơi về mức 1.452 điểm, trong đó VN30 giảm tới gần 45 điểm. Tâm lý nhà đầu tư vô cùng hoảng loạn bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá tạo ra một phiên giao dịch "thứ hai đen tối".

Nhà đầu tư ồ ạt chen lấn bán cổ phiếu khiến cho hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn. Trên HOSE, có 125 cổ phiếu giảm sàn, HNX có 49 mã cổ phiếu giảm sàn và UpCoM có 9 cổ phiếu giảm sàn. Tổng ba sàn, có tới 183 cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay.

Nhiều cổ phiếu mất thanh khoản như: dòng chứng khoán, VRE, DIG, DXG, KDH, KBC, SBT, GVR, SBT, ASM, CMX, PAN, KSB, POW, HDC, CKG, AAA, CEO, NLG…

Một số cổ phiếu tăng nóng thời gian vừa qua vẫn trong tình trạng dư bán sàn mất thanh khoản như: hệ sinh thái FLC, CII, GEX…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thời gian qua, dòng tiền margin đã chảy vào các cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ rất lớn. Do đó, khi các cổ phiếu này "sụp đổ", nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng mất thanh khoản khiến cho áp lực giải chấp thu tiền về của công ty chứng khoán rất lớn. Từ đó tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán.

"Khi các công ty chứng khoán không thể bán được cổ phiếu tăng nóng vì bị khoá thanh khoản, họ buộc phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục của nhà đầu tư bằng mọi giá để thu hồi tiền cho vay. Hiện tượng này xảy ra nhiều, vừa rồi margin chạy vào midcap, smallcap nhiều. Giờ dư bán sàn không được, buộc công ty chứng khoán phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục. Không còn cách nào khác", ông Minh phân tích.

Chính điều này khiến nhiều cổ phiếu bị liên lụy bị "bán oan" dù không tăng nóng trong thời gian vừa qua. Nhóm chứng khoán cũng bị bán mạnh vì gặp áp lực rủi ro do giải chấp margin do nhóm hàng đầu cơ đang lao dốc không thanh khoản, ảnh hưởng đến nghiệp vụ cho vay của các công ty chứng khoán. Đặc biệt, khi thị trường điều chỉnh, kết quả kinh doanh của khối tự doanh cũng bị ảnh hưởng do đó nhóm chứng khoán rớt giá rất mạnh. Hoạt động phát hành của nhóm chứng khoán trong năm qua diễn ra mạnh khiến cho lượng cung hàng ồ ạt ra thị trường, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Minh đánh giá nhóm chứng khoán về dài hạn vẫn đi lên, những áp lực này chỉ trong ngắn hạn.

Về nhóm hàng đầu cơ, vị chuyên gia này cho biết đã phát biểu rất nhiều lần trên truyền thông vấn đề của nhóm này không chỉ là giá giảm mà một khi rơi là mất thanh khoản.

"Tôi cũng nói nhiều rồi nhưng thị trường vẫn FOMO đua tím, tăng trần. Vấn đề của nhóm này không phải giá giảm mà là bán không được. Với các cổ phiếu đầu cơ tăng nóng thì bỏ đi, còn cổ phiếu bất động sản có kết quả kinh doanh tốt, quỹ đất sạch tiềm năng thì có thể nộp tiền để tránh bị giải chấp, vượt bão này, cơ hội lấy lại được tiền vẫn có", ông Minh phân tích tâm lý nhà đầu tư đang cực kỳ hoang mang, đè lên nhau bán.

Vị chuyên gia cho biết, kinh nghiệm trong những tình huống tương tự của thị trường thường là đưa margin về 0 bằng hai cách một là nộp tiền vào, hai là bán cổ phiếu khác trong danh mục để không rơi vào tình trạng bị công ty chứng khoán bán giải chấp bằng mọi giá.

Ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh, thị trường đang bị áp lực rất lớn về giải phóng dòng tiền. Hiện dòng tiền cần giải phóng rất lớn, đặc biệt của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ đang bị kẹt tại nhóm đầu cơ, bất động sản. Phải giải phóng được dòng tiền thì lúc đó các dòng tiền mới chủ động vào thị trường.

"Thời gian vừa qua dòng tiền bị cuốn vào nhóm đầu cơ quá nhiều và bị kẹt lại, trong khi nhóm ngân hàng, thép đã chiết khấu khá lớn nên thị trường cần thời gian để dòng tiền được giải phóng tìm điểm cân bằng trở lại. Nhóm ngân hàng vẫn đang là bệ đỡ của thị trường, nhóm thép đã chiết khấu sâu từ trước. Cho nên, thị trường đang xấu nhưng là xấu có phân hoá, tiền vẫn vào nhóm ngân hàng, thép. Tôi cho rằng thời gian tới nhóm ngân hàng, thép sẽ hồi trở lại còn dòng đầu cơ sẽ điều chỉnh tiếp", ông Minh nói.

Bạch Huệ

Cùng chuyên mục
XEM