14 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 97% số ca nhiễm trong ngày, bản đồ dịch Covid-19 hiện tại ra sao?

14/07/2021 08:33 AM | Xã hội

Chỉ trong ngày 13/7, TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam đã có đến 2.238/2.296 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, chiếm tỷ lệ 97.5%. Hiện tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh miền Tây đang diễn biến hết sức phức tạp, khó kiểm soát.

Ngày 13/7, Việt Nam lại ghi nhận 2.296 ca mắc Covid-19 trong nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh/thành phía Nam. TP.HCM vẫn là địa phương có ca nhiễm dẫn đầu cả nước với 1.797 ca mắc, chiếm hơn 78%.

Bình Dương và Long An là 2 địa phương có số ca nhiễm xếp sau TP.HCM với 186 và 130 ca được ghi nhận trong ngày. Tất cả 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ và 8/13 tỉnh thành miền Tây đều ghi nhận ca nhiễm.

Hiện tại, dịch bệnh đã lan rộng khắp Nam Bộ với số lượng ca mắc lớn, bùng phát nhanh, lây lan mạnh ở nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, cộng đồng khu dân cư...

Vượt mốc 16.500 ca mắc, TP.HCM đang nỗ lực khống chế dịch bệnh

Tính đến hết ngày 13/7, TP.HCM đã có tổng cộng 16.573 trên tổng số 30.985 ca mắc Covid-19 của Việt Nam trong đợt bùng phát dịch thứ 4, đứng đầu và chiếm hơn 53% số ca nhiễm của cả nước.

Chỉ riêng ngày 13/7, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 1.797 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 1.684 ca nằm ở trong khu vực cách ly, phong tỏa, 113 ca được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, cộng đồng.

Theo thông tin từ Sở Y tế cho biết, trong tuần qua thành phố phát hiện thêm 2 ổ dịch mới tại chợ Tân Định (quận 1) - khu vực giáp ranh chợ ở phường Võ Thị Sáu, quận 3 và hẻm 98 Đoàn Văn Bơ (phường 16, quận 4) nâng tổng số ổ dịch của thành phố đang diễn tiến lên 26 địa điểm, hoạt động tại chợ (6), khu dân cư (12), công ty và khu công nghiệp (8). Ngoài ra, TP.HCM còn ghi nhận 46 ổ dịch khác (đã được kiểm soát) trong đợt bùng phát dịch thứ 4.

Trước số lượng ca nhiễm hơn 1.000 ca/ngày, dịch bệnh ở thành phố bùng phát mạnh, F0 xuất hiện trong cộng đồng nhiều, ngành y tế đang thực hiện đánh giá các vùng dịch tễ, phân vùng nguy cơ để lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, quyết định khu vực nào cần phong tỏa hay xét nghiệm tầm soát diện rộng. Đồng thời, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm hàng ngày tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCX, KCN, KCNC; tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly; dừng hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

 14 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 97% số ca nhiễm trong ngày, bản đồ dịch Covid-19 hiện tại ra sao?  - Ảnh 1.
 14 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 97% số ca nhiễm trong ngày, bản đồ dịch Covid-19 hiện tại ra sao?  - Ảnh 2.

TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, quyết tâm dập dịch

Với những biện pháp mạnh, quyết liệt đang triển khai, thành phố quyết tâm tận dụng hiệu quả nhất "thời gian vàng" 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng, mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân, sớm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

43 doanh nghiệp có ca nhiễm, Bình Dương quyết tận dụng "thời gian vàng" để đẩy lùi Covid-19

Theo thống kê của CDC Bình Dương cho biết, từ ngày 27/5 đến sáng 13/7, có 43 doanh nghiệp trong tổng số 25/27 KCN ở địa bàn tỉnh (trừ KCN Tân Bình và KCN Bàu Bàng mở rộng) đã xảy ra dịch Covid-19 với 369 ca mắc Covid-19.

Lực lượng chức năng cũng đã truy vết được 4.403 ca F1, 9.116 ca F2 với nguồn lây nhiễm chính xuất phát từ các ổ dịch tại TP.HCM, có 95.141 lao động bị ảnh hưởng.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp trong các KCN ở Bình Dương, các doanh nghiệp đã thành lập 5.013 Tổ An toàn Covid-19 tại doanh nghiệp và có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc sáng 13/7, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc, tận dụng "thời gian vàng" trong khoảng 15 ngày còn lại để dập dịch và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 14 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 97% số ca nhiễm trong ngày, bản đồ dịch Covid-19 hiện tại ra sao?  - Ảnh 3.

Lấy mẫu tầm soát để truy vết, tìm diệt F0 nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm, khống chế dịch bệnh

Trong đó, Ban quản lý các KCN tỉnh kiện toàn kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trong KCN theo hướng phát huy vai trò của các tổ phòng chống dịch các cấp một cách thực chất, hiệu quả, trên cơ sở có sự phối hợp cao độ giữa các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Trong ngày 13/7, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 186 ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố, nâng tổng số ca nhiễm của tỉnh lên 1.814 ca, đứng thứ 3 cả nước, sau TP.HCM và Bắc Giang.

Đồng Nai: Dịch bệnh đã bắt đầu xâm nhập vào doanh nghiệp, nhà trọ

Trong vòng 24h từ sáng 12/7 đến sáng 13/7, Đồng Nai đã ghi nhận thêm 88 trường hợp dương tính mới với số ca nhiều nhất tại TP. Biên Hòa (62 ca), kế đến là huyện Nhơn Trạch.

Cụ thể, trong 62 ca tại Biên Hòa, phường Tân Biên có đến 42 trường hợp, còn lại rải rác ở các phường Phước Tân, Hóa An, Quyết Thắng, Tam Hòa, Hố Nai, Bửu Long, Trảng Dài... Hầu hết các phường tại TP. Biên Hòa đã ghi nhận ca dương tính.

Đối với huyện Nhơn Trạch ghi nhận 10 ca, tập trung ở ổ dịch tại khu nhà trọ xã Long Tân, huyện Trảng Bom có 4 ca, huyện Cẩm Mỹ có 2 ca, huyện Thống Nhất có 2 ca.

Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tổng số ca dương tính trong đợt dịch thứ 4 là 455 ca; gồm 222 ca ghi nhận trong cộng đồng và 233 ca ghi nhận trong các khu cách ly, phong tỏa. Cao nhất là TP. Biên Hoà với 189 ca, tập trung ở các phường Tân Biên, Hóa An, Phước Tân, Long Bình Tân, Hố Nai, Tân Hòa, Hòa Bình.

Thứ 2 là huyện Thống Nhất với 106 ca, tập trung ở các xã Gia Tân 1, 2, 3 và Gia Kiệm, tiếp đến là huyện Nhơn Trạch với hơn 60 ca tập trung tại xã Long Tân.

Theo lãnh đạo CDC Đồng Nai, các ca dương mới đa số đã được ghi nhận trong các khu phong tỏa tại TP. Biên Hoà và huyện Nhơn Trạch. Riêng một số doanh nghiệp ở Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu cũng đã có ca nhiễm nhưng chỉ 1-2 ca trong công ty, chưa phát hiện lây nhiễm thứ phát. Ngành y tế đánh giá dịch mới bắt đầu xâm nhập vào các doanh nghiệp, nhà trọ, cơ sở y tế.

 14 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 97% số ca nhiễm trong ngày, bản đồ dịch Covid-19 hiện tại ra sao?  - Ảnh 4.

Nhiều ca nhiễm ở Đồng Nai liên quan đến khu chợ ở TP.HCM - Ảnh: Viết Thanh

Dự báo những ngày tới sẽ còn nhiều ca dương tính trong đối tượng tiểu thương, người làm việc trong các khu chợ nơi bùng phát dịch và các trường hợp F1. Không loại trừ còn có các ổ dịch đang âm thầm lây lan trong cộng đồng, nhất là nhà trọ, doanh nghiệp, chợ.

Hiện tại, tỉnh Đồng Nai cũng đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, ấp cách ly với ấp, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố từ ngày 9/7.

Dịch bệnh lan rộng khắp 13 tỉnh thành miền Tây, Đồng Tháp nhiều nhất với 649 ca

Ngoài 6 tỉnh/thành Đông Nam Bộ là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh đều đã có dịch Covid-19, 13 tỉnh/thành miền Tây cũng đã bùng phát dịch mạnh, lây lan nhanh trong một vài ngày gần đây như Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến hết ngày 13/7, Đồng Tháp là địa phương có số lượng ca mắc nhiều nhất với 649 ca nhiễm (trong ngày hôm nay có 31 ca), tiếp đến là Long An (523), Tiền Giang (470), Vĩnh Long (175).

Riêng trong ngày hôm nay, 8 tỉnh thành ở miền Tây có ca nhiễm Covid-19, nhiều nhất là Long An với 130 ca, Đồng Tháp 31 ca, Vĩnh Long 23 ca.

Sau một thời gian dài không có ca nhiễm, 4 tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau cũng đã xuất hiện dịch Covid-19. 9 tỉnh thành còn lại hiện có số ca nhiễm như sau: Trà Vinh (38), Bến Tre (22), TP. Cần Thơ (13), Hậu Giang (22), Sóc Trăng (18), Bạc Liêu (12), Cà Mau (15), An Giang (94), Kiên Giang (7).

 14 tỉnh thành phía Nam chiếm hơn 97% số ca nhiễm trong ngày, bản đồ dịch Covid-19 hiện tại ra sao?  - Ảnh 5.

Hiện tại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam

Để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục cho 7 địa phương thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 14/7, gồm TP. Cao Lãnh, TP. Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười.

Trước đó, 5 địa phương khác là TP. Sa Đéc, Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và huyện Cao Lãnh đã thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 11/7.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu các địa phương tăng cường tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, phối hợp với lực lượng chức năng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hiện tại ngành y tế đang nỗ lực hết sức trong việc truy vết, kiểm soát dịch bệnh.

Vân Tiên

Cùng chuyên mục
XEM