14 quốc gia kiểm soát 30% đại dương khởi động kế hoạch mới xây dựng nền kinh tế biển xanh

12/12/2020 16:30 PM | Xã hội

Nhóm 14 quốc gia này, bao gồm Na Uy, Canada, Nhật Bản, Australia, Ghana và Fiji, chiếm 40% toàn bộ đường bờ biển trên khắp thế giới, và kiểm soát 30% đại dương trên thế giới. Họ đã cam kết thực hiện các mục tiêu nghiêm ngặt để cải thiện tình trạng đại dương vào năm 2025.

Các đại dương trên thế giới bao phủ 70% diện tích Trái đất và giúp tạo ra 1,5 nghìn tỷ USD cho hoạt động kinh tế mỗi năm, tạo ra hàng triệu việc làm, cung cấp thực phẩm và tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, có một ranh giới mong manh giữa việc sử dụng các đại dương trên thế giới của chúng ta và bảo vệ chúng khỏi tình trạng khai thác quá độ.

Để đạt được sự cân bằng, vào năm 2018, một hội đồng gồm các nhà lãnh đạo thế giới với mục tiêu hướng tới một “nền kinh tế đại dương bền vững” đã được thành lập. 

Một báo cáo mới của hội đồng này bao gồm các mục tiêu chi tiết, chẳng hạn như hạn chế sự nóng lên của đại dương, ô nhiễm biển, đánh bắt quá mức, mất môi trường sống và đa dạng sinh học cùng những chiến lược để đạt được các mục đích này vào năm 2025, nhằm tạo ra một nền kinh tế xanh bền vững và lâu dài hơn. 

Erna Solberg, thủ tướng Na Uy và là một trong những thành viên ban sáng lập, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Hạnh phúc của nhân loại gắn liền sâu sắc với sức khỏe của đại dương. Trong một thời gian dài, chúng ta đã nhận thức được sự lựa chọn sai lầm giữa bảo vệ đại dương và sản xuất. (Sai lầm này) sẽ không được lặp lại nữa.”

14 quốc gia kiểm soát 30% đại dương khởi động kế hoạch mới xây dựng nền kinh tế biển xanh - Ảnh 1.

 Một số mục tiêu bao gồm tạo ra các ngành công nghiệp hải sản bền vững bằng cách loại bỏ đánh bắt hải sản bất hợp pháp và không được kiểm soát, làm cho các nguồn năng lượng đại dương tái tạo có giá thành cạnh tranh và dễ tiếp cận, mở rộng quy mô các ngành công nghiệp mới như nuôi trồng rong và tảo thương mại, và áp dụng phương pháp phòng ngừa đối với khai thác dưới đáy biển. Báo cáo cũng kêu gọi các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ các đường bờ biển và giảm ô nhiễm đại dương.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh đến sự công bằng: Trong tất cả các quốc gia đóng góp vào nền kinh tế đại dương, một số quốc gia và người dân của họ bị ảnh hưởng không cân xứng bởi hoạt động sản xuất quá mức và biến đổi khí hậu. 

Jane Lubchenco, một nhà khoa học môi trường và một trong những chuyên gia của hội đồng, nói: “Bạn không thể chỉ thịnh vượng, thịnh vượng, thịnh vượng, (bằng cách) đánh bắt hải sản nhiều hơn, khoan nhiều hơn. Bạn phải làm theo cách giảm thiểu các tác động đến hệ sinh thái và tối đa hóa lợi ích công bằng. Và bạn phải xem xét tới những bên cùng thực hiện việc khai thác.”

Một nhóm 14 quốc gia phát triển và đang phát triển từ khắp nơi trên thế giới đã thành lập một hội đồng và đã ký vào các khuyến nghị của hội đồng này. Các quốc gia thành viên bao gồm Na Uy, Bồ Đào Nha, Canada, Nhật Bản, Australia, Kenya, Ghana, Indonesia và các quốc đảo như Fiji và Palau.

14 quốc gia này chiếm 40% đường bờ biển trên thế giới và kiểm soát 30% đại dương trên thế giới, tương đương 30 triệu km2. 

Mỗi kế hoạch cụ thể được hỗ trợ bởi 19 nghiên cứu khoa học khác nhau được ủy quyền bởi hội đồng và thực hiện bởi 250 tác giả khoa học từ 48 quốc gia nhằm đảm bảo rằng các kế hoạch này bắt nguồn từ chứng cứ khoa học đáng tin cậy. 

Ước tính từ một số nghiên cứu cho thấy việc hoàn thành các biện pháp được đề xuất sẽ tạo ra lượng lương thực nhiều hơn 6 lần, năng lượng tái tạo gấp 40 lần và đóng góp 1/5 mức giảm phát thải khí nhà kính cần thiết để duy trì trong mức tăng nhiệt độ 1,5 ° C.

14 quốc gia kiểm soát 30% đại dương khởi động kế hoạch mới xây dựng nền kinh tế biển xanh - Ảnh 2.

Mặc dù 14 quốc gia đang tiên phong trong bảo vệ đại dương, nhưng hội đồng hy vọng các quốc gia ven biển và quốc đảo khác sẽ tham gia trong những năm tới, để đến năm 2030, 100% các khu vực đại dương thuộc quyền tài phán quốc gia được quản lý bền vững. 

Theo Lubchenco, Mỹ vẫn chưa được chính thức mời tham gia. Bà cho biết: “Trong bốn năm qua, [Mỹ] không phải là một đối tác quốc tế tốt. Và họ cũng không quan tâm đến những vấn đề như sức khỏe của đại dương." 

Nhưng bà hy vọng chính quyền ông Biden và Quốc hội sắp tới sẽ ký kết, đặc biệt khi Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và chính phủ thực hiện lời hứa xây dựng lại một nền kinh tế bền vững hơn.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM