107 học giả đạt giải Nobel viết thư kêu gọi thế giới dừng phản đối cây trồng biến đổi gen

04/07/2016 09:04 AM | Công nghệ

Các học giả đạt giải Nobel đã cùng ký bức thư ngỏ kêu gọi tổ chức Greenpeace (Hoà bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen.

Theo đó, quan điểm của hơn 100 học giả đạt giải này cho rằng, tổ chức Hòa bình xanh cần ngưng chiến dịch ngăn chặn dự phát triển của một chủng lúa biến đổi gen mới gọi là Lúa/gạo vàng.

Bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học (trong đó có người từng đạt giải Nobel) đưa ra khẳng định, sản phẩm này có thể kháng lại sự thiếu hụt Vitamin A và hạn chế khả năng gây mù lòa hoặc hoại tử vong ở trẻ em.

Nội dung bức thư viết: “Chúng tôi kêu gọi Greenpeace nhanh chóng đánh giá lại những trải nghiệm của nông dân và người tiêu dùng trên toàn thế giới về những cây trồng, thực phẩm biển đổi gen. Đề nghị tổ chức này dừng chiến dịch phản đối cây trồng biến đổi gen (GMO) nói chung và giống Lúa/Gạo Vàng (Golden Rice) nói riêng".

Hiện nay, danh sách chữ ký trong bức thư đã có 107 học giả từng đoạt giải Nobel, chiếm hơn 1/3 số người đoạt giải danh giá trên hiện còn sống.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính khoảng 250 triệu người trên thế giới mắc chứng thiếu hụt Vitamin A, với 40% trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi ở những nước đang phát triển. Dựa trên số liệu của UNICEF, 1-2 triệu trường hợp tử vong hàng năm là do triệu chứng làm suy yếu hệ miễn dịch này và đặt trẻ em cũng như trẻ sơ sinh vào tình trạng vô cùng nguy hiểm.

Thiếu hụt Vitamin A cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở trẻ em, với số lượng trường hợp lên đến 250.000-500.000 người mỗi năm. Một nửa trong số đó qua đời chỉ sau khoảng 12 tháng mất đi thị lực.

Theo tờ The Washington Post, chiến dịch phản đối quan điểm của Greenpeace được khởi xướng bởi Richard Roberts, Giám đốc Khoa học của Viện nghiên cứu New England Biolabs, và Phillip Sharp, chủ nhân giải Nobel Sinh lý học và Y khoa cho công trình khám phá ra chuỗi gen intron.

Chia sẻ với báo giới, Roberts khẳng định: “Chúng tôi là những nhà khoa học. Chúng tôi hiểu tính logic của khoa học. Các tổ chức khoa học và cơ quan chức năng trên thế giới liên tục khẳng định chắc chắn sự an toàn của cây trồng và thực phẩm có sự can thiệp của công nghệ sinh học. Nói theo cách khác, nó an toàn hơn bất cứ phương pháp nuôi trồng nào khác".

Đồng quan điểm trên, nhà sinh học tế bào Randy Schekman của Đại học California tại Berkeley (Giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013) cho biết, đến nay, chưa có bất kỳ trường hợp được xác thực nào xác minh những hệ quả xấu cho sức khoẻ từ việc tiêu thụ sản phẩm biến đổi gen ở người và động vật. Không những thế, cây trồng giúp bảo vệ môi trường, hạn chế đáng kể lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng, góp ích vào đa dạng sinh thái toàn cầu.

Ông Randy Schekman cũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi Greenpeace phản đối quan điểm về công nghệ biến đổi gen trong khi lại từng rất ủng hộ khoa học khi nói về vấn đề biến đổi khí hậu hay tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật cho con người.

"Đây là giống lúa/gạo có khả năng giảm thiểu nguy cơ mù loà hoặc tử vong gây ra bởi sự thiếu hụt Vitamin A, tình trạng rất thường được thấy ở những người dân nghèo ở khu vực Châu Phi và Đông Nam Á", học giả từng đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 2013 khẳng định.

Mặc dù các nhà khoa học phản ứng khá gay gắt về chiến dịch phản đối cây trồng biến đổi gen, nhưng phía Greenpeace vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức cho bức thư ngỏ này.

Các chương trình phản đối của Greenpeace, với độ phủ sóng rộng khắp toàn cầu, đã tạo nên tầm ảnh hưởng lớn mạnh nhất trong chiến dịch ngăn cấm giống lúa/gạo vàng. Tổ chức này tuyên bố, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào môi trường tự nhiên chẳng khác nào một hình thức “gây ô nhiễm di truyền”.

Cuộc tranh cãi không hồi kết giữa các nhà khoa học chính thống và những nhà hoạt động môi trường này không còn mới lạ. Trước đó, nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, hoặc các chiến dịch phản đối quan điểm của nhau đã làm dậy sóng truyền thông.

Ngày 30/6, tại thủ đô Manila (Philippines), bà Wilhelmina Pelegrina, người đứng đầu Greenpeace khu vực Đông Nam Á từng phát biểu, nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen, đặc biệt giống lúa/gạo vàng không khác gì hành động "ném tiền qua cửa sổ".

Mặc dù Greenpeace không phải tổ chức duy nhất phản đối cây trồng biến đổi gen, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự phát triển rộng khắp của các giống cây trồng sinh học hiện nay.

Cây trồng biến đổi gen bắt đầu trở nên phổ biến vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngày nay, đa số các loại ngô, đậu tương và bông đều đã được “tinh chỉnh” để tăng cường khả năng kháng sâu bệnh, côn trùng hay chống chịu lại thuốc trừ cỏ. Các giống cây này tồn tại và được sử dụng phổ biến ở tất cả các châu lục trên thế giới.

Yến Hoa

Cùng chuyên mục
XEM