1001 chuyện Viettel “đem chuông đánh xứ người”: Thoát động đất lịch sử, thành đối tác với một Chính phủ, phủ sóng nơi các ông lớn không đến

28/12/2020 15:01 PM | Kinh doanh

"Vai trò, trách nhiệm lớn tới đâu thì vị thế của chúng ta lớn tới đó. Nếu chỉ nhìn thấy trách nhiệm tại Việt Nam thì chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng khi đặt trách nhiệm của mình với công dân toàn cầu thì chúng tôi sẽ là một doanh nghiệp toàn cầu", bà Hà Thành - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Viettel nói.

Viettel ra đời năm 1989 với khối tài sản chỉ là một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe và hơn 20 nhân sự. Hơn 30 năm sau, Viettel được Brand Finance xếp hạng là thương hiệu viễn thông lớn nhất Đông Nam Á, cũng là nhà mạng duy nhất trong khu vực này lọt Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới năm 2020.

Từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần, Viettel đã vươn mình để trở thành một “Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông”, kinh doanh trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như an ninh mạng, thiết bị điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng công nghệ cao,...

Ngoài chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” thì việc sớm đầu tư phát triển tại các quốc gia nhỏ như Campuchia, Lào, Haiti,... đã giúp tập đoàn này tăng trưởng vượt trội chỉ sau 30 năm.

Tuy nhiên, ở tất cả các thị trường nước ngoài, Viettel không dùng chính thương hiệu của mình tại Việt Nam mà ở mỗi quốc gia lại xây dựng một thương hiệu riêng.

Bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Viettel lý giải trong một diễn đàn do Forbes Vietnam tổ chức gần đây: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng đến mỗi quốc gia, mình cần có được sự tin yêu của người dân ở đó. Muốn được tin yêu thì tên thương hiệu phải là tên của đất nước đó, phải trở thành thương hiệu của quốc gia đó. Tuy nhiên, giá trị của Viettel mang đi luôn là “sáng tạo vì con người”. Ở bất kỳ thị trường nào chúng tôi cũng duy trì sứ mệnh này”.

1001 chuyện Viettel “đem chuông đánh xứ người”: Thoát động đất lịch sử, thành đối tác với một Chính phủ, phủ sóng nơi các ông lớn không đến - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Viettel

Đồng thời, 10 quốc gia mà Viettel đặt chân đến, mỗi nơi lại có câu chuyện thương hiệu riêng. Dưới đây là 3 trong số 10 đó.

Câu chuyện thứ nhất: Haiti 

Haiti là thị trường nước ngoài đầu tiên ngoài khu vực châu Á mà Viettel đầu tư. Bà Thành kể lại, ngay trước ngày ký kết hợp đồng thì một trận động đất lớn nhất trong lịch sử 200 năm của quốc gia này đã xảy ra. Trận động đất làm 300.000 người chết, 1,3 triệu người mất toàn bộ nhà cửa, trong khi tổng dân số Haiti chỉ khoảng 9 triệu người.

May mắn thay, đoàn công tác của Viettel - đứng đầu là Phó Tổng giám đốc, vì lý do cá nhân nên đã hoãn thời gian ký kết lại. Nếu đi đúng kế hoạch thì chúng tôi đã gặp phải trận động đất, khách sạn định thuê cũng sụp đổ hoàn toàn”.

Đương nhiên, toàn bộ hạ tầng viễn thông tại đây cũng bị phá hủy. Trong bối cảnh ấy, không chỉ chính quyền Haiti nghĩ rằng hợp đồng đã “đổ bể” mà Viettel cũng tự đặt ra câu hỏi, rằng có nên đầu tư nữa không.

“Nếu chúng ta coi họ là bạn, khi họ gặp hoạn nạn thì chúng ta phải ở bên cạnh”, lãnh đạo của Viettel nói. Cuối cùng, Tập đoàn vẫn cam kết xây dựng hệ thống cáp quang dài hơn 500 km và bất kỳ người dân nào tại Haiti cũng có cơ hội được kết nối với hệ thống viễn thông này. Trước đó, muốn kết nối một đường truyền điện thoại thì họ phải mất 10-20 năm. Thời điểm đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất đến Haiti đầu tư.

1001 chuyện Viettel “đem chuông đánh xứ người”: Thoát động đất lịch sử, thành đối tác với một Chính phủ, phủ sóng nơi các ông lớn không đến - Ảnh 2.

Natcom - thương hiệu của Viettel tại Haiti.

Tổng thống Haiti đã ký hợp đồng hợp tác với Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp được chọn làm đối tác của Chính phủ, trở thành nghi lễ ngoại giao chưa từng có tiền lệ. Được biết, đến năm 2020, tổng giá trị ký kết giữa Natcom - thương hiệu của Viettel tại quốc gia này với Chính phủ Haiti sẽ lên đến 1 triệu USD.

Câu chuyện thứ hai: Peru 

Peru là quốc gia có GDP gấp 3 lần Việt Nam. Viettel đã vượt mặt nhiều đối thủ viễn thông lớn trên thế giới để dành hợp đồng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

“Khi chúng tôi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông của Peru, ông ấy nói rằng quyết định chọn Viettel vì Tập đoàn đã cam kết đưa internet đến trường học và phủ sóng ở vùng Loreto - nơi mà trong 10 năm, hai nhà mạng lớn bậc nhất thế giới đến Peru đầu tư nhưng chưa phủ sóng tại đây”, bà Hà Thành kể lại.

1001 chuyện Viettel “đem chuông đánh xứ người”: Thoát động đất lịch sử, thành đối tác với một Chính phủ, phủ sóng nơi các ông lớn không đến - Ảnh 3.

bitel - thương hiệu của Viettel tại Peru.

Câu chuyện thứ 3: Mozambique

Bà Thành kể lại chuyến công tác của mình với người lái xe tên Carlos của Movitel - công ty mà Viettel đầu tư tại quốc gia này. 

Khi đến cảng biển, vị giám đốc gặp một chiếc xe chở gỗ chạy từ ngoài cảng vào. Carlos bảo rằng đây là xe của Movitel. Không lâu sau lại có một chiếc xe chở gỗ, nhưng di chuyển từ trong đất liền đi ra cảng. Carlos bảo rằng đây là xe của một nước khác.

Bà Thành lấy làm thắc mắc vì hai chiếc xe vận tải hoàn toàn giống nhau, không có dấu hiệu phân biệt nào.

“Xe chở gỗ từ ngoài cảng vào (tức xe của Movitel) là để trồng trạm, xây đường cáp quang cho đất nước chúng tôi. Con xe đi chiều ngược lại của người khai thác gỗ, mang gỗ ra khỏi đất nước chúng tôi”, anh lái xe giải thích.

1001 chuyện Viettel “đem chuông đánh xứ người”: Thoát động đất lịch sử, thành đối tác với một Chính phủ, phủ sóng nơi các ông lớn không đến - Ảnh 4.

Một cửa hàng của Movitel - công ty mà Viettel đầu tư tại Mozambique.

Qua 3 câu chuyện ngắn trong vô số câu chuyện trong hành trình "mang chuông đi đánh xứ người" của Viettel, bà Hà Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ là làm kinh doanh, có tiền rồi mới quay trở lại đóng góp cho xã hội. Đó là điều đương nhiên. Lãnh đạo Tập đoàn nói rằng Viettel phát triển được như vậy là nhờ sự ủng hộ của xã hội và đất nước ổn định. Chúng tôi muốn nói rằng bất kỳ quyết định kinh doanh nào cũng phải dựa trên góc nhìn trách nhiệm xã hội.

Vai trò, trách nhiệm lớn tới đâu thì vị thế của chúng ta lớn tới đó. Nếu chỉ nhìn thấy trách nhiệm tại Việt Nam thì chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng khi đặt trách nhiệm của mình với công dân toàn cầu thì chúng tôi sẽ là một doanh nghiệp toàn cầu.

Tuy nhiên, tất cả những điều chúng ta nói, sẽ không bằng điều chúng ta làm. Chúng ta có thể nói rất tốt, rất hay nhưng cuối cùng, họ sẽ nhìn xem chúng ta có làm được điều đó không. Mỗi quyết định hay con đường đi có thể hiện được điều chúng ta nói hay không. Điều quan trọng nhất chính ở hành động của mỗi người, mỗi cá nhân trong tổ chức”.

Thùy Dương

Cùng chuyên mục
XEM