10 năm trầm bổng của con tôm Việt trước ngày đặt mục tiêu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới

08/02/2017 09:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Đúng là nước ta có “lợi thế tuyệt đối về nuôi tôm trên thế giới”, song ngành tôm nước ta vẫn chưa thể là kẻ kiểm soát cuộc chơi, khi mà mỗi năm vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một loạt các yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát

Trong nhiều năm qua, thủy sản vẫn luôn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu Việt Nam, bên cạnh lúa gạo, cà phê hay dệt may.

Và trong nhóm hàng chủ lực này, chính con tôm, cùng với cá tra đã đóng góp một tỷ trọng lớn trong kinh ngạch xuất khẩu, qua đó giúp cho thủy sản Việt Nam “vang danh” trên thị trường quốc tế.

Nhìn lại trong 10 năm qua, xuất khẩu tôm nước ta đã có những lúc lên đỉnh cao nếm trái ngọt, tuy nhiên cũng có đã gặp phải không ít khó khăn.

Đúng là nước ta có “lợi thế tuyệt đối về nuôi tôm trên thế giới”, song ngành tôm nước ta vẫn chưa thể là kẻ kiểm soát cuộc chơi, khi mà mỗi năm vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một loạt các yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát như diễn biến kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ các nước nhập khẩu, cũng như từ một loạt các đối thủ xuất khẩu rất mạnh khác như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan cho đến các yếu tố về dịch bệnh, thiên tai...

Nhân lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của toàn thế giới, chúng ta hãy cùng nhìn lại một thập kỷ thăng trầm với đầy dấu mốc đáng nhớ của ngành tôm Việt Nam.


Diễn biên xuất khẩu tôm thăng trầm của Việt Nam trong một thập kỷ từ 2007 - 2016

Diễn biên xuất khẩu tôm thăng trầm của Việt Nam trong một thập kỷ từ 2007 - 2016

2007 -2009: Tăng trưởng không cao nhưng ổn định

Trong những năm 2008, 2009, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam tăng ổn định qua từng năm, với mức 8% của năm 2008 và 3% của năm 2009. Đến năm 2009, chúng ta đã xuất được gần 1,7 tỷ USD tôm sang nước ngoài, tăng 11% so với năm 2007.

2010: Năm buôn tôm thắng lớn đầu tiên

Đến năm 2010, chúng ta đã chứng kiến đợt buôn tôm xứ người thắng lớn đầu tiên sau nhiều năm.

Năm đó, sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico xảy ra đã kéo giá tôm sú thế giới lên mức khá cao. Cùng với việc nhu cầu về tôm của thị trường thế giới cũng ở mức cao đã dẫn đến cả khối lượng và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đều tăng.

Năm 2010, Việt Nam lần đầu đạt hơn 2 tỷ USD xuất khẩu tôm, tăng trưởng 25% so với 2009, vị thế tôm Việt ngày càng được khẳng định.

2012: Tôm Việt nhận trái đắng đầu tiên sau nhiều năm

Năm 2012, lần đầu tiên tôm Việt Nam nhận mức tăng trưởng -6%, hay nói cách khác là năm nay làm thua cả năm trước.

Thực ra, ngay trong năm đó, điều này đã được dự đoán trước bởi lẽ đã có hàng loạt các rào cản kỹ thuật được tạo ra ở nhiều nước nhằm gây khó khăn cho tôm Việt Nam.

Không chỉ có thế, 2012 cũng chính ở giữa thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, qua đó nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới đã giảm trông thấy.

Một nguyên nhân cuối cùng làm giá trị xuất khẩu tôm giảm trong năm 2012 chính là dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới tình chế biến và xuất khẩu tôm ở Việt Nam.

2013, 2014: 2 năm trong mơ của tôm Việt

Sau năm 2012 có thể nói là 2 năm liền thắng lớn của xuất khẩu tôm Việt Nam: Năm 2013 xuất khẩu 3,08 tỷ USD và năm 2014 xuất khẩu 4,1 tỷ USD

Có nhiều điều để nói về chiến thắng liền trong 2 năm cho con tôm nước ta. Trước hết, vào năm 2013, tôm Việt Nam đã được hưởng lợi lớn ở thị trường Hoa Kỳ khi mà các nhà cầm quyền nước này đã công nhân tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ. Từ đó, các doanh nghiệp tôm đã không phải chịu 2 lần thuế khi xuất khẩu vào nước này.

Đến năm 2014, Việt Nam lại thắng to khi xuất khẩu tôm vượt 4 tỷ USD, tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Chiến thắng năm đó đã khẳng định vững vàng vị thế tôm Việt, nhất là trong bối cảnh một loạt các đối thủ cạnh tranh đều đã gặp phải những khó khăn

Cụ thể, Thái Lan đã bị chịu tác động mạnh sau những thông tin bất lợi về việc ngành tôm nước này đã sử dụng một lượng lớn bột cá do các tàu khai thác sử dụng lao động trái phép được đăng tải trên truyền thông của Anh. Còn ở Ấn Độ, ngành tôm nước này cũng đã bị EU cảnh báo về tình trạng tôm nhiễm kháng sinh.

Kết quả, thủ tôm từ 2 đối thủ xuất khẩu vào các nước châu Âu giảm mạnh khiến EU trở thành một mỏ vàng với tôm Việt Nam năm 2014.

2015: Tôm Việt lại gặp khó

Điệp khúc gặp khó khăn rồi thuận lợi rồi khó khắn vẫn chưa chấm dứt với con tôm Việt. Giữa năm 2015, nhiều chuyên gia đã dự đoán ngay rằng kinh ngạch xuất khẩu tôm của Viêt Nam sẽ “giảm trong khoảng từ 700 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ so với năm ngoái”. Kết quả, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu chỉ có 2,9 tỷ USD, giảm đến 29% so với năm 2014.

Có thể nói, năm 2015 là một câu chuyện hoàn toàn đảo ngược so với năm 2014: Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính giảm, giá xuất khẩu lao dốc, nguồn cung từ đối thủ tăng mạnh, và đặc biệt là đồng tiền của hàng loạt đối thủ xuất khẩu tôm, bạn hàng nhập tôm của Việt Nam như Trung Quốc. Indonesia, Ấn Độ đã giảm giá mạnh (trong đó có sự kiến Trung Quốc phá giá nhân dân tệ).

Tất cả các yếu tố này đã làm giảm rất nhiều sức cạnh tranh của tôm Việt Nam, dẫn đến một năm 2015 tương đối buồn cho ngành tôm nước ta.

2016: Tôm Việt lại gặp thời, nhiều dự đoán tích cực

Theo thông tin từ Vasep, tiêu thụ tôm của Việt Nam năm 2016 có thể đạt trở lại ở mức trên 3 tỷ USD.

Sự thuận lợi hơn so với năm trước này đến từ nhu cầu các thị trường chính (Mỹ, EU) đã tăng trong khi nguồn cung thế giới giảm. Cụ thể, nhu cầu tôm đặc biệt là tôm sú ở Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh, trong khi đó sản lượng tôm sú tại Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia sẽ có thể giảm do bệnh đốm trắng đã xảy ra ở các nước này.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM