10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo

18/12/2020 09:05 AM | Kinh doanh

Thập kỷ qua chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A được Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang thực hiện nhằm mở rộng hệ sinh thái cho Masan Group. Trong khi nước mắm, mỳ ăn liền vẫn đóng vai trò mảng kinh doanh cốt yếu thì chuỗi giá trị thịt, bán lẻ hay khai khoáng đang là khoản đầu tư được vị tỷ phú đặt cược cho tương lai.

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong 10 năm qua với series "THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG" – Câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".


M&A - THẬP KỶ TÍCH CỰC SHOPPING

Trở về nước sau khi khởi nghiệp tại Nga, từ năm 1996 đến 2009, vị thuyền trưởng Nguyễn Đăng Quang đã đưa Masan Group khuynh đảo thị trường thực phẩm cũng bằng 3 mặt hàng chủ lực là nước tương, nước mắm và mì ăn liền.

Từ năm 2010 đến 2020, người ta liên tục thấy Masan hoạt động tích cực trong thị trường M&A khi doanh nghiệp này không tiếc tay cho vào “giỏ hàng” và “mua sắm” những tên tuổi lớn ở cả trong và ngoài ngành thực phẩm.

Cụ thể, tháng 2/2010, nhìn thấy cơ hội từ mỏ đa kim Núi Pháo - mỏ lộ thiên có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Masan Group thành lập công ty Masan Resources rồi mua lại 70% cổ phần Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital để tiếp quản dự án.

Năm 2011, Masan Consumer Holdings (một nhánh của Masan Group) mua lại 50,3% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa, qua đó chiếm phần kiểm soát và chính thức chen chân vào ngành đồ uống.

Bán cà phê chưa đủ, hai năm sau, ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục mua cổ phần và nắm quyền kiểm soát Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo.

10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo - Ảnh 2.

Chủ tịch Masan Group - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang.

Năm 2014, Masan cho biết đã mua lại Bia Phú Yên và đổi tên thương hiệu thành Sư tử Trắng. Cũng trong năm này, dù tham vọng thâu tóm Cholimex Foods thất bại nhưng Masan Consumer cũng đã mua 32,8% cổ phần của công ty này.

Tháng 4/2015, Masan tiến hành mua lần lượt 52% và 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt - Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO).

Quyết liệt đi đến cuối cùng của chuỗi cung ứng thịt, đến cuối năm 2018, Masan ra mắt thương hiệu thịt mát MEAT Deli, sản xuất theo công nghệ chế biến tiêu chuẩn châu Âu.

Một năm sau đó, tức cuối 2019, Masan lại tiếp tục tạo nên một thương vụ bom tấn khi thâu tóm Vincommerce (bao gồm Vinmart và VinEco), qua đó hoàn thiện khâu phân phối cho chuỗi giá trị thịt.

Quý I/2020, Masan chào đón thêm một thành viên mới vào hệ sinh thái của minh - Công ty Bột giặt NET.

Mới đây, tháng 10/2020, Masan tiếp tục thâu tóm thêm 3F VIỆT - một doanh nghiệp có nền tảng sản xuất thịt gà lớn tại Việt Nam hiện nay, qua đó chính thức bước chân vào ngành hàng thịt gà.

Sau khi thực hiện hàng loạt thương vụ M&A, hoạt động kinh doanh hiện nay của Masan bao gồm 5 trụ cột: Vincommerce (bán lẻ), Masan Consumer Holdings (Thực phẩm & Đồ uống), Masan MeatLife (Thịt và thức ăn chăn nuôi), Techcombank (Dịch vụ tài chính) và Masan Resources (Khai thác tài nguyên).


NGÀNH HÀNG TIÊU DÙNG - MŨI NHỌN CHỦ LỰC

Năm 2010, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Masan Consumer Holdings lần lượt đạt 5,5 và 1,2 tỷ đồng. 9 năm sau, hai con số này đã được tính bằng đơn vị “nghìn tỷ”, cụ thể lần lượt là 18.484 và 4.061 tỷ đồng.

Thực phẩm là mảng kinh doanh cốt lõi đầu tiên của Masan Group, cũng đã và tiếp tục đóng vai trò “quân át" chủ bài giúp Tập đoàn tăng trưởng suốt 10 năm qua. Ngay từ năm 2010, các thương hiệu như Chinsu, Tam Thái Tử, Nam Ngư hay Omachi đã sớm khẳng định vị trí dẫn đầu ngành.

Hiện tại, đây vẫn là những ngành hàng giúp duy trì sự tăng trưởng ổn định cho Masan Consumer Holdings nói riêng và cả hệ sinh thái nói chung. Tính đến cuối năm 2019, đơn vị này sở hữu 5 sản phẩm có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm Chinsu, Kokomi, Omachi, Nam Ngư và Wake-up 247.

10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo - Ảnh 3.

Hướng tới việc cung ứng đầy đủ nhất và tốt nhất các sản phẩm quanh chiếc bếp và mâm cơm của các hộ gia đình Việt cũng là lý do Masan liên tục thâu tóm các thương hiệu thực phẩm, đồ uống khác cũng như ra mắt nhiều thương hiệu mới. Chiến lược này đã đạt được thành tựu nhất định khi theo một thống kê của Kantar Worldpanel, 98% hộ gia đình trong nước sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào của Masan Consumer cũng đem lại kết quả như kỳ vọng, điển hình như bia Sư tử trắng (tên mới của bia Phú Yên sau khi được Masan mua lại năm 2014) hay dầu cám gạo Chinsu.

Từng khuynh đảo thị trường, nhà máy hoạt động hết công suất cũng không đủ đáp ứng nguồn cung, doanh số đạt 1.000 tỷ đồng trong 2 năm ra mắt nhưng ngay sau đó lại gãy đà tăng trưởng. Báo cáo thường niên mới nhất của Masan cũng không còn nhắc đến Sư Tử Trắng. Tuy nhiên, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vẫn đeo đuổi ngành hàng này khi tiếp tục cho ra mắt thương hiệu bia mới - Red Ruby vào năm 2020.


DỰ ÁN NÚI PHÁO - "CỦA CHÌM"

Hoàn tất việc mua lại từ tháng 6/2010 nhưng trải qua quá trình tái cấu trúc và chạy thử nghiệm, đến 2014, dự án Núi Pháo của Masan Resources mới bắt đầu sản xuất thương mại. Là mỏ lộ thiên có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, thêm điểm cộng nhờ chi phí sản xuất rẻ, dự án Núi Pháo được kỳ vọng sẽ phá thế độc quyền về vonfram thế giới của nước bạn.

Tuy nhiên, Masan có vẻ không gặp may trong lĩnh vực này, vì khi vừa hoàn tất thương vụ M&A thì giá vonfram thế giới giảm, trong suốt 2 năm 2014-2015, doanh nghiệp này đối mặt với hiệu suất kém, giá đắt, dòng tiền âm, khó khăn trong thu hút vốn từ quỹ đầu tư bên ngoài.

Dù doanh thu lên tới vài nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận mà dự án Núi Pháo mang về cho Tập đoàn còn khá khiêm tốn, chỉ vài trăm tỷ và không ổn định.

10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo - Ảnh 4.

Nguồn: Masan Resources

Tuy được coi là "mắt xích" thiếu liên quan nhất trong hệ sinh thái Masan nhưng Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang vẫn đặt nhiều hy vọng vào nguồn khoáng sản giàu có này. Đến tháng 7/2019, số vốn điều lệ của dự án Núi Pháo đã được nâng lên thành 8.048 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.

Tháng 10/2020, một công ty vật liệu tích hợp, cung cấp các vật liệu cơ bản và lĩnh vực tái chế, năng lượng của Nhật Bản cũng vừa đầu tư hơn 90 triệu USD để sở hữu gần 110 triệu cổ phiếu vào Núi Pháo.


CHUỖI GIÁ TRỊ THỊT - THAM VỌNG CHO TƯƠNG LAI

Trong cả hành trình phát triển, Masan đã cung cấp một bộ sản phẩm phong phú phục vụ các nhu cầu xung quanh bữa ăn của người Việt, từ nước mắm, tương ớt, mì ăn liền đến nước khoáng, bia. Nhưng có gia vị mắm muối thôi chưa đủ, "cơm phải có thịt".

Năm 2015, Masan bước một chân vào chuỗi cung ứng thịt với khởi đầu là thức ăn chăn nuôi bằng việc hợp nhất hai công ty ANCO và Proconco. Ba năm sau, ông lớn này tiến thêm bước nữa bằng việc ra mắt thương hiệu thịt mát Meat Deli.

Đồng thời, Masan Nutri Science được đổi tên thành Masan MEATlife (MML), chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng.

10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo - Ảnh 5.

Một góc nhà máy sản xuất thịt heo tại Long An của MML.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang một lần nữa mạnh tay xây dựng trang trại nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An và tổ hợp chế biến thịt mát tại Hà Nam đều với tổng giá trị đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Mới đây, một tổ hợp chế biến thứ hai cũng được khởi công tại Long An với giá trị đầu tư 1.800 tỷ đồng. Đó là chưa kể, MML sẽ đầu tư 17.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để tăng nguồn cung lợn lên 25 lần và tăng gấp đôi công suất chế biến cũng như mở rộng điểm bán.

Việc đầu tư mạnh tay của tập đoàn vào lĩnh vực này là minh chứng cho tham vọng và sự quyết liệt của ông Nguyễn Đăng Quang sau tuyên bố đặt mục tiêu nắm được 10% thị phần thịt heo trong nước vào năm 2022.

Trong năm đầu tiên chính thức gia nhập thị trường 2019, doanh số của MEATDeli vào khoảng 1.200 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, mảng thịt mát đã thu về gần bằng cả thành tích của cả 2019. Dẫu vậy, những số này còn khá khiêm tốn so với tổng doanh thu gần 13,8 nghìn tỷ đồng của cả Masan MeatLife (2019).

So với quy mô thị trường thịt mát được định giá 130.000 tỷ đồng, Masan MEATlife vẫn sẽ còn nhiều việc để làm.

Ngoài ra, với việc rót 613 tỷ đồng để thâu tóm 3F VIỆT - một doanh nghiệp có nền tảng sản xuất thịt gà lớn tại Việt Nam hiện nay, sẽ còn nhiều điều đáng mong chờ trong thời gian tới.


VINMART & VINECO: CÁNH TAY NỐI DÀI CHUỖI GIÁ TRỊ

Sự kiện sáp nhập Vincommerce (bao gồm Vinmart và VinEco) vào Masan Consumer được đánh giá là thương vụ “bom tấn” của thị trường M&A năm 2019. Hệ thống bán lẻ Vinmart và rau sạch VinEco giống như cánh tay nối dài, giúp Masan hoàn thiện chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn, cũng như thúc đẩy tăng trưởng mảng tiêu dùng.

Nếu như đến cuối năm 2019, với chiến lược mở rộng hàng loạt, Vincommerce đã vận hành tới 3.022 điểm bán lẻ bao gồm Vinmart và Vinmart+ thì sau khi về tay Masan, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã đóng 421 siêu thị hoạt động không hiệu quả chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020.

10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo - Ảnh 6.

Sau 5 năm hoạt động, VinMart & VinMart+ trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Năm 2019, Vincommerce ứng dụng phương thức mua sắm Scan&Go trên App VinID.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2020, mảng bán lẻ VinCommerce (VCM) đã mang về 23.678 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất (42,6%) vào doanh thu thuần cho Tập đoàn. Các chỉ số tài chính như doanh thu/m2, chỉ số EBITDA của cả Vinmart+ và Vinmart đều cải thiện đáng kể.

So với mức lỗ lũy kế lên tới con số gần 17.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2015 thì khoản lỗ 1.271 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020 được đánh giá đã cải thiện đáng kể.

Đây có lẽ cũng là tín hiệu cho thấy Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đang đi đúng hướng trên con đường đạt mục tiêu đưa Vincommerce từ thế lỗ sang có lợi nhuận vào năm sau.

Trong 5 năm tới, VinMart & VinMart+ đặt mục tiêu phát triển bán lẻ đa kênh, tích hợp các kênh trực tuyến và hệ thống siêu thị/cửa hàng trên toàn quốc. Các kênh trực tuyến mũi nhọn bao gồm: mua sắm qua ứng dụng điện thoại, qua cổng thương mại điện tử và website VinMart.com.

Dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.


TECHCOMBANK - BỆ PHÓNG TÀI CHÍNH

Ông Nguyễn Đăng Quang đầu tư vào ngành tài chính ngân hàng từ rất sớm thông qua việc mua cổ phần ngân hàng Techcombank vào năm 1996. Trải qua rất nhiều sự thay đổi, đến tháng 7/2020, Masan đang có cổ phần và lợi ích kinh tế với hơn 524 triệu cổ phiếu (tương đương 14,97% cổ phần) tại Techcombank. Đồng thời, tỷ phú Quang vẫn đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch thứ nhất của ngân hàng này.

Techcombank được coi là khoản đầu tư liên doanh liên kết lớn nhất của Masan. Riêng trong năm 2019, phần lợi nhuận từ liên doanh liên kết mà Masan nhận được đạt 2.182 tỷ đồng.

Không những vậy, Techcombank còn là “bệ đỡ” tài chính cho các thành phần trong hệ sinh thái của Tập đoàn. Đơn cử như năm 2019, nhà băng này cấp cho Núi Pháo khoản vay ngắn hạn trị giá 1.360 tỷ đồng. Ngay sau khi về tay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Vincommerce cũng được Techcombank nâng hạn mức tín dụng từ 600 lên 1.000 tỷ đồng.

10 năm “đi chợ” M&A của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Thu hàng nghìn tỷ đồng từ căn bếp của người Việt và “đứa con” chậm lớn mang tên Núi Pháo - Ảnh 7.

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Về kết quả kinh doanh, vào thời điểm năm 2010, Techcombank đã nằm trong top 10 (vị trí thứ 7) nhà băng có tổng tài sản lớn nhất, với hơn 150.000 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế đạt 2.063 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản và lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này lần lượt cham mức 395.816 và 10.226 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận sau thuế của Techcombank vượt mốc 10.000 tỷ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân.

Trong kỳ đánh giá gần nhất của Moody’s, Techcombank là ngân hàng duy nhất trong 19 ngân hàng nội địa được đánh giá đạt mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) cao nhất.

Thùy Dương

Cùng chuyên mục
XEM