10 lý do không nên hoảng loạn vì virus corona

08/03/2020 21:03 PM | Xã hội

Dù virus corona mới có được coi là đại dịch hay không, đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng.Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, virus đã lây sang nhiều châu lục.

Đại dịch nghĩa là dịch bệnh lây truyền liên tục, đồng thời tại nhiều hơn 3 khu vực địa lý khác nhau. Đại dịch không đề cập tỷ lệ tử vong của virus liên quan mà là khả năng lây nhiễm và mở rộng địa lý.

Chúng ta chắc chắn đang có một nỗi sợ đại dịch. Truyền thông trên thế giới tràn ngập tin về virus corona. Đúng là nên có sự quan ngại sâu sắc và lên kế hoạch cho kịch bản tệ nhất. Hệ quả từ lĩnh vực y tế cũng sẽ lan sang kinh doanh và chính trị, Ignacio López-Goñi, nhà vi trùng học người Tây Ban Nha, cho biết.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên hoảng loạn bởi vẫn có lý do để lạc quan, lý do để tin rằng có cách kiểm soát và tiêu diệt virus".

Đã biết nguyên nhân

Trường hợp nhiễm AIDS đầu tiên được ghi nhận tháng 6/1981 và phải mất hơn 2 năm mới có thể xác định virus HIV. Với Covid-19, trường hợp viêm phổi cấp đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc hôm 31/12/2019 và đến ngày 7/1, nguyên nhân đã được xác định. Bộ gene của virus được công bố vào ngày 10/1.

Chúng ta đã biết Covid-19 là chủng virus corona mới từ nhóm 2B, cùng họ với SARS, và gọi là SARSCoV2. Virus này được cho là có họ với virus corona trên dơi. Kết quả phân tích gene đã xác nhận virus có nguồn gốc tự nhiên. Virus tồn tại bằng cách biến đổi nhưng tỷ lệ biến đổi của virus lại không quá cao, theo López-Goñi.

10 lý do không nên hoảng loạn vì virus corona - Ảnh 1.

Nhà vi trùng học Ignacio López-Goñi. Ảnh: La Crónica de Badajoz.

Biết cách phát hiện

Từ ngày 13/1, các bác sĩ đã có biện pháp xét nghiệm hiệu quả để xác định bệnh nhân có nhiễm virus hay không.

Tình hình tại Trung Quốc cải thiện

Các biện pháp kiểm soát và cô lập mạnh tay được Trung Quốc triển khai đang mang lại hiệu quả. Trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới hàng ngày có xu hướng giảm.

Các quốc gia khác đang theo dõi dịch tễ học rất kỹ càng. Các đợt ổ dịch đặc trưng theo từng khu vực, giúp việc kiểm soát dễ dàng hơn.

Hơn 80% số ca là nhẹ

Dịch bệnh không gây triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong 81% số ca nhiễm. Triệu chứng biểu hiện nặng ở 14% số ca và có thể trở nên nguy kịch, thậm chí tử vong trong 5% còn lại.

Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ tử vong của Covid-19 nhưng con số thực tế có thể thấp hơn so với một số ước tính.

Bệnh nhân bình phục

Số liệu được công bố chủ yếu là số ca nhiễm mới và tử vong. Trên thực tế, phần lớn người nhiễm bệnh đã được chữa khỏi. Số ca khỏi bệnh nhiều gấp 13 lần so với tử vong và tỷ lệ này đang tăng.

Trẻ em chỉ có triệu chứng nhẹ

Chỉ có 3% số ca nhiễm có độ tuổi dưới 20, tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân dưới 40 tuổi là 0,2%. Triệu chứng tại trẻ em cũng nhẹ đến mức có thể không phát hiện ra.

Virus có thể bị loại bỏ

Covid-19 có thể bị loại bỏ khỏi các bề mặt bằng hỗn hợp ethanol (cồn 62 – 71%), oxy già 0,5% hoặc natri hipoclorit 0,1%. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch là cách hiệu quả nhất để tránh lây nhiễm.

Giới khoa học toàn cầu hành động

Hiện là kỷ nguyên hợp tác khoa học thế giới. Chỉ trong hơn một tháng, 164 bài viết về Covid-19 đã xuất hiện trên PubMed và còn nhiều bài khác chưa kiểm duyệt. Giới khoa học đang nghiên cứu về vắc xin, hướng điều trị, dịch tễ học, di truyền học và phát triển, chẩn đoán lâm sàng… Những bài viết trên do khoảng 700 tác giả trên khắp thế giới thực hiện. Đó là khoa học hợp tác, chia sẻ và cởi mở.

Năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát, phải mất hơn một năm để đạt nửa số lượng bài viết trên.

10 lý do không nên hoảng loạn vì virus corona - Ảnh 2.

Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ tử vong của Covid-19 nhưng con số thực tế có thể thấp hơn so với một số ước tính. Ảnh: Al Jazeera.

Đã có nguyên mẫu vắc xin

Hiện có hơn 8 dự án nghiên cứu vắc xin đối phó virus corona mới. Nhóm vắc xin Đại học Queensland, Australia, thông báo đang nghiên cứu nguyên mẫu vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ “kẹp phân tử”, một công nghệ mới, và có thể sớm thử nghiệm trên người. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy vắc xin sẽ sớm được sản xuất hàng loạt.

Các thử nghiệm kháng virus

Vắc xin là phòng ngừa. Điều quan trọng lúc này là điều trị cho những người nhiễm bệnh. Hiện có hơn 80 thử nghiệm lâm sàng về cách điều trị. Đó là những thuốc chống siêu vi đã được sử dụng cho các trường hợp khác và được chứng minh là an toàn.

Một trong những loại thuộc được thử nghiệm trên người là remdesivir, thuốc chống virus phổ rộng đang được nghiên cứu, trong cuộc chiến chống Ebola và SARS, MERS.

“Ứng viên” tiềm năng tiếp theo là chloroquine, thuốc chống sốt rét nhưng có đặc tính chống virus mạnh. Chloroquine ngăn lây nhiễm virus bằng cách tăng độ pH của thể trong nhân đơn bào, yếu tố cần có để virus hợp nhất với tế bào. Thuốc được chứng minh ngăn chặn hiệu quả virus corona mới trong ống nghiệm và đang sử dụng cho các bệnh nhân bị viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra.

Các thử nghiệm đề xuất khác sử dụng oseltamivir (dùng chống virus cúm), interferon-1b (protein có khả năng chống virus), kháng huyết thanh từ những người đã bình phục hoặc kháng thể đơn dòng để vô hiệu hóa virus.

Đại dịch cúm năm 1918 từng khiến hơn 25 triệu người chết trong chưa đầy 25 tuần. Liệu kịch bản tương tự có xảy ra không? Có thể là không bởi chúng ta đang trong tình trạng tốt chưa từng thấy để đối phó một đại dịch, theo López-Goñi.

Theo Như Tâm

Cùng chuyên mục
XEM