10 điều cần làm ngay trên LinkedIn nếu bạn đang "ấp ủ" ý định nhảy việc

10/04/2017 09:30 AM | Kinh doanh

LinkedIn là một trang web quen thuộc của những người đang tìm việc – nhưng điều này chỉ đúng tuyệt đối khi chúng ta biết cách sử dụng các tính năng của LinkedIn cho mục đích của mình!

Trang web này cũng như một con dao đa dụng. Đó là một công cụ tuyệt vời, nhưng nó cũng không thể tự tạo nên mọi thứ cho bạn được.

Và dưới đây là 10 điều mà những người tìm việc cần phải làm ngay trên LinkedIn nếu muốn có được công việc mình mong muốn vào đầu năm mới.

1. Quảng bá bản thân cho công việc mà mình muốn

Sai lầm lớn nhất mà hầu hết người dùng LinkedIn mắc phải là quảng bá bản thân mình như một tập hợp pha tạp của các loại kinh nghiệm.

Khi một người đọc hồ sơ LinkedIn của bạn, điều cốt yếu là phải cho họ thấy ngay bạn đang tìm loại công việc gì.

Bạn phải gắn mình với công việc cụ thể mà bạn muốn, chứ không phải mọi công việc mà mình đủ khả năng đảm nhận.

Phần headline (tiêu đề dưới tên bạn) sẽ tạo ra bộ khung – sau đó phần Summary bên dưới sẽ là nơi để bổ sung các chi tiết.

Bạn có thể đủ khả năng để làm nhiều loại công việc, nhưng sẽ không có vẻ gì là một ứng viên sáng giá trong mắt các nhà tuyển dụng một khi bạn xác định được "công việc mình muốn là gì".

Hãy chọn lấy một loạt các chức danh cần tập trung trong quá trình tìm việc, sau đó hãy quảng bá cho bản thân theo những chức danh đó.

2. Thông báo trạng thái công việc hiện tại

Nếu hiện tại đang thất nghiệp, bạn có thể đưa thêm cụm từ "Seeking New Challenge" hay ISO (In Search Of) vào phần headline dưới tên mình. Điều đó sẽ thông báo cho các nhà tuyển dụng biết là nhiều khả năng bạn có thể bắt đầu công việc mới ngay lập tức.

3. Chọn ảnh đại diện phù hợp nhất

Cần đảm bảo rằng bức ảnh trên LinkedIn của bạn thể hiện đúng con người mà bạn muốn người khác nhìn nhận về mình. Đó không cần phải là một bức ảnh chân dung chuyên nghiệp, nhưng cần phải thể hiện rõ khuôn mặt và cho thấy thái độ chuyên nghiệp của bạn.

Và hãy nhớ, dù bạn có làm gì cũng đừng để hồ sơ không có ảnh!

4. Có thêm nhiều connection

Một khi đã có hồ sơ trên LinkedIn, bạn cần có các connection. Hãy gửi yêu cầu kết nối cho các đồng nghiệp cũ hoặc bạn bè của mình. Cố gắng tập hợp được ít nhất từ 50-60 connection trên LinkedIn.

Bạn càng kết nối với nhiều người thì khả năng hồ sơ của bạn xuất hiện trong các thao tác tìm kiếm của nhà tuyển dụng càng cao.

5. Viết lời tiến cử cho người khác và nhờ họ viết lời tiến cử về mình

Không gì tán dương bạn tốt hơn một lời tiến cử được viết thật hay từ một cấp trên ở công ty cũ, đồng nghiệp hay khách hàng.

Và tất nhiên, để có được những lời tiến cử từ những người bạn biết, hãy đưa ra lời tiến cử về họ trước.

6. Trình bày về các kỹ năng mình có

Các kỹ năng mà bạn liệt kê trong LinkedIn sẽ cho nhà tuyển dụng biết bạn thích làm gì và bạn giỏi ở lĩnh vực nào.

7. Thể hiện cách tư duy của bạn

Mọi phần trong hồ sơ LinkedIn đều cho mọi người thấy bạn suy nghĩ ra sao và giao tiếp với người khác thế nào.

Đừng để mọi người nghĩ rằng bạn là một khúc gỗ nhàm chán và nhạt nhẽo khi viết những câu tóm tắt về bản thân như phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Bạn là một người thông minh, sôi nổi và đầy sáng tạo. Bạn là độc nhất vô nhị trên thế giới này, vì thế hãy sử dụng phần Summary để thể hiện phần con người của bạn.

Còn một cách nữa để cho mọi người thấy cách bạn nghĩ là sử dụng tính năng viết blog của LinkedIn. Bạn sẽ thu hút được những người có cùng mối quan tâm khi bắt đầu viết blog. Nhờ thế bạn còn thu hút được cả sự chú ý của các nhà tuyển dụng nữa.

8. Tìm hiểu về các nhà tuyển dụng

LinkedIn còn là một công cụ tuyệt vời để tìm hiểu về các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Hãy bắt đầu bằng chức năng tìm kiếm nâng cao của LinkedIn (nhấn vào nút Advanced bên cạnh thanh tìm kiếm và nhập vào từ khóa liên quan đến công việc hoặc lĩnh vực mà bạn quan tâm, tiếp đó là khu vực nơi bạn sinh sống.

Kết quả sẽ hiển thị những người dùng LinkedIn trong hồ sơ có chứa từ khóa bạn nhập vào và nằm trong khu vực bạn chọn. Và nơi họ đang làm việc chính là những công ty mà bạn có thể đưa vào danh sách "nhà tuyển dụng tiềm năng" của mình.

9. Thăm dò các cơ hội

Sử dụng chức năng tìm kiếm công việc của LinkedIn nhưng đừng ứng tuyển trực tiếp vào những vị trí đó qua LinkedIn, vì làm vậy hồ sơ của bạn sẽ không có gì nổi bật hơn so với các hồ sơ khác.

Thay vào đó, hãy tìm tên công ty và người nhiều khả năng là chuyên viên tuyển dụng của công ty đó (hay người sẽ là cấp trên của bạn chẳng hạn). Giờ bạn đã có tên và chức danh của một con người thực sự - đó mới là người cần đọc hồ sơ và thư xin việc của bạn.

10. Củng cố hồ sơ của mình

Bạn có thể đưa thêm các video, hình ảnh vào hồ sơ của mình trên LinkedIn để minh họa rõ nét cho hình ảnh sự nghiệp của mình.

Bạn cũng nên tùy biến URL đến hồ sơ của mình trên LinkedIn để có một đường link gọn gàng và rõ ràng. Với đường link này, bạn có thể đưa vào name card, hồ sơ xin việc và thậm chí cả chữ ký ở email của mình nữa.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM