1 tháng hạn chế dùng Facebook, tôi hạnh phúc hơn

15/07/2020 11:18 AM | Sống

Là một người xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, cuộc sống của tôi có vẻ phụ thuộc rất nhiều và những gì đang xảy ra trên Facebook, Instagram hay các nền tảng khác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khi sử dụng mạng xã hội lại khiến tôi rơi vào trạng thái lướt không kiểm soát tốn thời gian, so sánh những thứ mình có với những thứ người khác chia sẻ trên mạng xã hội. Ngoài ra, tôi tự hỏi, nếu một ngày Facebook hay Instagram không còn nữa, mình sẽ sống, làm hay kiếm tiền ra sao? Vậy nên tôi quyết định thử bỏ mạng xã hội trong khoảng một tháng.

Mạng xã hội có ích hay có hại, đây vẫn là một chủ đề có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng mạng xã hội như thuốc phiện, dính vào là không cai được. Người thì nói rằng mạng xã hội không có lỗi, nó là công cụ giúp kết nối mọi người, mang thông tin đến chúng ta nhanh chóng hơn. Bài viết này không nhằm mục đích thuyết phục mọi người nên bỏ mạng xã hội, bài viết này chỉ là chia sẻ của tôi về trải nghiệm một tháng hạn chế sử dụng mạng xã hội và cách mà tôi dùng mạng xã hội ở thời điểm này.

1. Tại sao tôi hạn chế dùng mạng xã hội?

Lý do chính tôi hạn chế dùng mạng xã hội là tôi thường xuyên kiểm tra tin nhắn, thông báo của Facebook hay Instagram trong vô thức. Việc đầu tiên tôi làm buổi sáng khi ngủ dậy là mở Facebook. Mỗi khi tôi chán, hoặc gặp một tình huống ngại ngùng nơi công cộng (vào thang máy với người lạ, đi qua đường đèn đỏ mọi người nhìn), tôi lại mở điện thoại để lướt Facebook. Vậy là thay vì dành thời gian làm những việc có ích hơn cho bản thân mình như đọc sách, viết lách – tôi lại lựa chọn làm một ‘công việc’ dễ hơn – đấy là lướt Facebook.

1 tháng hạn chế dùng Facebook, tôi hạnh phúc hơn - Ảnh 1.

2. Mạng xã hội là công cụ, không có lỗi. Lỗi tại chính người dùng.

Chắc hẳn sẽ có nhiều bạn phản biện với tôi điều trên, thay vì đổ lỗi cho mạng xã hội, chúng ta nên đổ lỗi cho bản thân mình ý chí còn kém.

Tôi đồng ý rằng kỷ luật bản thân là một vấn đề ở đây, tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rằng, mạng xã hội được thiết kế để gây nghiện. Những người tạo ra Facebook, Instagram hay Tiktok muốn bạn lướt càng lâu càng tốt trên những ứng dụng của họ. Chính vì thế, họ dành nhiều tiền để nghiên cứu tâm lý con người, tuyển vào những chuyên gia giỏi nhất để tạo ra những ứng dụng gây nghiện nhất có thể.

Khi chúng ta dùng mạng xã hội, chúng ta sẽ bị chú ý bởi ‘Like’, ‘Comment’, ‘Share’, ‘Inbox’. Những thứ này lôi kéo sự chú ý của chúng ta, kích thích não chúng ta ‘thèm thuồng’ được kiểm tra và nhận được những thứ này nhiều hơn, từ đó chúng ta lại càng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.

Mạng xã hội nói riêng hay Internet nói chung tạo ra một môi trường khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi nó. Khi bạn xem xong một video YouTube, YouTube sẽ gợi ý bạn nhiều video hay giống như vậy. Hay Facebook Watch luôn luôn là những video rất hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của bạn.

Nói chung, tôi muốn tất cả các bạn hiểu rằng – mạng xã hội được thiết kế để gây nghiện.

1 tháng hạn chế dùng Facebook, tôi hạnh phúc hơn - Ảnh 2.

3/ Tôi đã học được gì khi bớt dùng mạng xã hội?

Đầu tiên, tôi học tập trung hơn và tạo ra nhiều thứ hơn. Trong thời gian không dùng mạng xã hội, tôi dành thời gian đọc được khá nhiều sách, viết thêm được một cuốn sách mới và nhiều bài viết hơn trên blog. Việc hạn chế dùng mạng xã hội tạo cho tôi một môi trường không-bị-phân-tâm giúp tôi làm tốt hơn những việc trên. Tôi làm việc hiệu quả hơn vì không còn những thông báo hiện lên làm phiền mình. Khi tôi tạo ra nhiều sản phẩm hơn, tôi càng có niềm tin hơn vào bản thân. Tôi ít bị ảnh hưởng hơn về việc người khác nghĩ gì về mình.

Điều thứ hai tôi học được là thực tế mình chẳng bỏ lỡ điều gì cả. Khi nhắc đến chuyện không dùng mạng xã hội, nhiều bạn sẽ sợ bị bỏ lỡ điều gì đó, ví dụ như tin nhắn từ lớp học, những tin tức mới nhất, kết nối với bạn bè... 

Điều thứ ba tôi học được đó là mạng xã hội tạo ra những mối quan hệ giả tạo. Nhờ có mạng xã hội, chúng ta có cơ hội được kết nối với nhiều người hơn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có nhiều bạn bè từ số lượng Friends trên Facebook. Cho đến khi chúng ta nhận ra rằng, số lượng bạn bè ta thực sự hiểu sâu họ hay họ thực sự hiểu sâu ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Điều thứ tư, tôi hạnh phúc hơn. Kể từ khi không nhìn thấy những hình ảnh du lịch, thành công lung linh trên Instagram nữa – tôi cảm thấy hài lòng hơn với những gì mình đang có. Tôi tập trung vào những chuyện xung quanh hiện tại của mình và chính cuộc đời của mình. Tôi không cảm thấy ‘thiếu’ vì chưa được đi chỗ này, chưa mua được bộ quần áo kia, chưa ăn được món nọ.

1 tháng hạn chế dùng Facebook, tôi hạnh phúc hơn - Ảnh 3.

4. Cách tôi sử dụng mạng xã hội hiện nay

Nói gì thì nói, một phần công việc của tôi rất cần mạng xã hội, nên sau một thời gian hạn chế, tôi quay lại chế độ ‘bình thường mới’ cùng mạng xã hội. Khi quay lại, cách tôi dùng mạng xã hội khác đi.

Mục tiêu hiện tại của tôi là sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức và theo những điều luật riêng của mình, cụ thể là tránh những thứ tiêu cực bằng cách:

- Tắt tất cả thông báo của Facebook, Instagram, Tiktok để mình không bị phân tâm.

- Tôi chỉ kiểm tra Facebook vào những giờ cố định trong ngày, với thời gian cố định và mục tiêu rõ ràng.

- Tôi xóa ứng dụng Facebook và Instagram trên điện thoại, vì thế tôi không còn thói quen lướt khi đang lang thang.

- Tôi bắt đầu xóa bớt bạn bè, bỏ bớt theo dõi các trang không liên quan, chỉ theo dõi những trang và những người thêm giá trị vào cuộc sống của mình.

- Tôi không kiểm tra Likes, Shares của các bài viết của mình, chỉ vào để trả lời bình luận của mọi người.

*Tác giả Lê Tuấn Anh có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp, sống tối giản và theo đuổi sự hạnh phúc. Đồng thời, anh cũng đã cho ra mắt 2 cuốn sách "Nhắm mắt bắt được việc" và "Định vị bản thân".

Anh Tuấn Lê

Cùng chuyên mục
XEM