0 đô la và chiến thuật để có mức lương cao hơn mong đợi, bạn đã biết chưa?

18/10/2016 08:42 AM | Kinh doanh

Việc nhận một mức lương quá cao so với những gì bạn đóng góp cho công ty thực ra là một loại nợ. Và chuyên gia cho rằng, để có một mức lương cao hơn, bạn nên bắt đầu bằng con số 0.

Câu hỏi về tiền lương bao giờ cũng là vấn đề "cân não" nhất trong các buổi phỏng vấn và làm thế nào để bạn có thể nhận mức lương cao như mong đợi không phải là điều dễ dàng nếu như bạn không có những chiến thuật hợp lý. Dưới đây là bài viết của tác giả Brooke Allen - một người đã có 30 năm làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư tài sản và quản lý quỹ chia sẻ trên Quartz.

20 năm trước, tôi luôn áp dụng chiến thuật “win-win” (đôi bên cùng có lợi) trong các cuộc đàm phán tiền lương. Chiến thuật này mở đầu bằng việc bạn cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất cho đối phương và yêu cầu mức giá tốt nhất phù hợp với ngân sách của họ. Tôi cho rằng chiến thuật này đã giúp tôi thành công trong các cuộc đàm phán tiền lương, nhưng tôi đã không thực sự hiểu được bản chất của vấn đề cho đến khi tôi đọc cuốn sách “Nghệ thuật cho và nhận” của Giáo sư Adam Grant.

Trong cuốn sách này, Giáo sư Adam đã chỉ ra 3 loại người: Người chuyên nhận (takers) là những kẻ cố gắng nhận từ người khác càng nhiều càng tốt; Người tìm kiếm sự cân bằng (matchers) là những người cố gắng đi đến thỏa thuận tốt nhất để cả 2 bên đều có lợi; và người chuyên cho (givers) là những người sẵn sàng cho đi mà không hi vọng nhận lại bất cứ điều gì.

Trước đó, tôi chỉ hay nghĩ đến nghĩa vụ nợ và danh dự. Cha mẹ đã dạy tôi rằng mượn của người khác mà không trả lại là hành vi ăn cắp. Còn nếu theo ngôn ngữ “cho và nhận”, mượn là hình thức bạn có được thứ mà mình đang cần ở thời điểm hiện tại nhưng lại có thể khiến bạn mất danh dự trong tương lai. Vì thế, việc trả nợ cho người khác sẽ khiến tôi ở thế cân bằng (matcher).

Tương tự như thế, việc bạn nhận một mức lương cao hơn so với những gì mình đóng góp cho công ty cũng là một loại nợ. Năm 1992, tôi từng chấp nhận một công việc với mức tiền bảo hiểm khá hấp dẫn. Điều bất ngờ là khi tôi vừa vào làm thì công ty phá sản và họ đã trả cho tôi một khoản tiền rất lớn bao gồm tiền bảo hiểm và tiền thanh lý hợp đồng. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận được một số tiền mà chưa phải đóng góp gì cho công ty và tôi biết rằng đó là khoản nợ mà tôi không bao giờ trả được.

Chính điều này đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ và chiến thuật của mình khi thương lượng mức lương xin việc sau này.

Trong một lần thương lượng mức lương với nhà tuyển dụng tiềm năng, họ đề nghị tôi đưa ra đề xuất của mình. Tôi nói rằng để tiết kiệm thời gian, cả 2 bên sẽ cùng viết mức đề xuất của mình ra giấy và đưa cho đối phương đọc. Kết quả là, con số mà nhà tuyển dụng đưa ra cho tôi cao gấp đôi so với mức lương tôi nhận được ở công ty cũ. Nhưng con số trên mảnh giấy tôi đưa cho họ lại là 0 đô la.

Họ rất ngạc nhiên và hỏi lý do, tôi đáp rằng: Mục đích của tôi là sống một cuộc sống thoải mái, không nợ nần. Do đó, tôi muốn cống hiến cho công ty trước khi nhận lại được cái gì đó.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục thương lượng về tỷ lệ phần trăm cổ tức mà tôi sẽ nhận được từ công ty. Lần này tôi đưa ra mức cao nhất trong ngành này (phù hợp với con số mà họ định trả cho tôi). Nhà tuyển dụng đồng ý với con số này bởi họ biết rằng khi trả cổ tức lớn như vậy, tôi sẽ cống hiến hết mình cho công việc và giảm nguy cơ tôi có thể nhảy việc sang công ty khác.

Đến nay, sau 17 năm tôi vẫn làm việc cho công ty này. Có lẽ, nếu ngày đó tôi cố thương lượng ký một hợp đồng “win-win” thì có lẽ tôi đã lại nhảy việc nhiều chỗ khác rồi. Chúng tôi đã sát cánh cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất bởi chúng tôi bắt đầu bằng mối hợp đồng “cho đi”.

Dưới đây là các bước để bạn thực hiện chiến lược “cho đi” trong đàm phán tiền lương.

1. Hãy nghĩ xem bạn thực sự muốn gì nếu là nhà tuyển dụng và yêu cầu họ làm điều tương tự với bạn.

2. Viết ra những nhiệm vụ mà bạn sẵn sàng cống hiến cho công ty và mức lương thấp nhất bạn có thể chấp nhận làm việc.

3. Yêu cầu nhà tuyển dụng làm điều tương tự.

4. Sau đó, hãy nói với nhà tuyển dụng rằng: “Nếu sau này vào làm ông quyết định tăng lương thêm cho tôi, tôi sẽ xin nghỉ vì như vậy là ngay từ đầu ông đã không nói thật, còn tôi thì không thích làm việc với những người nói dối. Ngược lại, tôi sẽ ở lại khi nhận được sự trung thực tuyệt đối từ ông”.

5. Trao đổi những gì 2 bên vừa viết đồng thời.

6. Nếu một trong 2 bên đưa ra mức yêu cầu cao hơn đối phương, nhưng có thể thỏa thuận để đi đến thống nhất, bạn vẫn có thể ký hợp đồng.

Chiến lược sẽ giúp cho bạn và nhà tuyển dụng có một sự khởi đầu dựa trên niềm tin tuyệt đối.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật cho và nhận”, Grant cho rằng trong kinh doanh chỉ có 2 loại người: người chuyên nhận (takers) và người tìm kiếm sự cân bằng (matchers). Tuy nhiên, tôi đã phát hiện ra một chân lý: Khi bạn quan tâm đến lợi ích của người khác, kể cả trong lĩnh vực kinh doanh, bạn sẽ nhận lại được điều tương tự.

Tất nhiên, về mặt lý thuyết sẽ có những trường hợp mà kết luận của tôi là sai và khi đó bạn không thể đi đến ký kết hợp đồng. Nhưng trên thực tế, tôi chưa gặp phải một trường hợp nào như vậy, và nếu có, tôi đã chẳng thể làm việc với họ ngay từ đầu.

Theo Lưu An

Cùng chuyên mục
XEM