Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không?

13/01/2019 09:48 AM | Kinh doanh

Một vấn đề nổi cộm của văn hóa công ty: môi trường làm việc lý tưởng của người này có thể là địa ngục với người khác.

Bạn là người thích sự hiệu quả, bạn tập trung vào công việc và muốn tách bạch hoàn toàn cuộc sống suốt 10 tiếng đồng hồ nơi văn phòng với đời tư cá nhân của bạn.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 1.

Đồng nghiệp của bạn lại không nghĩ thế, họ thích kết bạn, họ mời bạn đến dự đám cưới của họ dù chẳng thân thiết lắm. Họ thường xuyên tụ tập ăn trưa và bạn buộc phải tham gia nếu không muốn bị cô lập. Có người thậm chí còn thích bạn dù bạn đã sống khép kín hết sức có thể.

Có lẽ, bạn cũng thích có vài người bằng hữu thân thiết ở công ty đấy, bạn cũng muốn không khí chỗ làm vui vẻ và rộn rã tiếng cười, nhưng khẽ thôi. Bạn không thích kết bè kết đảng, chụp ảnh và tag nhau tùm lum rồi đăng lên mạng xã hội. Bạn thậm chí còn chẳng muốn cho người ta biết bạn đang công tác ở đâu.

Môi trường mà bạn không thích chưa hẳn đã là một môi trường độc hại. Đơn giản là không hợp nhau, vậy thôi. Gạt đi các vấn đề về hòa nhập, bạn vẫn là một nhân viên cần mẫn, có trách nhiệm, có thành tích. Bạn thích công việc của mình, chỉ là văn hóa giao tiếp ở đây có cái gì đó hơi sai sai, không khớp với con người bạn.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 2.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: bạn nên gắn bó với nơi này hay tìm một bến đỗ khác có “văn hóa” phù hợp hơn với tính cách của bạn. Văn hóa doanh nghiệp có thật sự quan trọng đến thế trong khi mục đích cuối cùng của mọi công ty vẫn là kinh doanh và kiếm lời?

Công ty là nơi để làm, đâu phải là để kết bạn, đúng không?

Văn hóa doanh nghiệp mới chỉ đóng một vai trò quan trọng trong vài thập kỷ trở lại đây; khi các công ty bắt đầu quan tâm đến sự gắn kết giữa những thành viên của nó. Họ bắt đầu nghĩ tới việc: “À, làm sao để nhân viên yêu quý công ty, coi công ty như ruột thịt của mình, làm sao để họ sẵn sàng làm thêm giờ, một lòng đoàn kết chèo chống doanh nghiệp qua sóng gió; làm sao để người ngoài thèm khát được làm việc ở đây và những người đã ra đi rồi vẫn nói tốt cho nơi này”.

Văn hóa doanh nghiệp mỗi nơi mỗi khác, nhưng có một vài quy tắc được áp dụng rộng rãi như sau. Một văn hóa doanh nghiệp tích cực là khi mọi, xin được nhấn mạnh, mọi nhân viên phải cảm thấy mình có giá trị và được ủng hộ để phát triển giá trị ấy.

Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp tiêu cực là nơi tồn tại bắt nạt, áp bức, cô lập, chiêu trò “cung đấu” để đạt được mục đích. Chẳng ai muốn làm việc tại một nơi mà mọi ánh nhìn kì thị đều đổ về phía mình khi đơn giản là mình muốn tỏ ra nổi bật. Cũng chẳng ai muốn ở lại lâu tại một công ty mà buổi ăn mừng thăng chức của họ tràn ngập những nụ cười gượng gạo và những lời chúc tụng đầy giả dối.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 3.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: một công ty có văn hóa doanh nghiệp tích cực sẽ tạo ra năng suất lớn hơn, có những nhân viên làm việc hiệu quả hơn và đương nhiên, lợi nhuận sẽ cao hơn. Một nhân viên không hài lòng với môi trường làm việc sẽ chẳng cam kết lâu dài và cũng chẳng cống hiến hết mình vì công việc.

Trong khi đó, tuyển dụng, huấn luyện, thử việc tốn từ sáu đến chín tháng, và đương nhiên là công ty phải trả 6 đến 9 tháng lương đó cho nhân viên. Đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp không phải là vung tiền qua cửa sổ, đó là ROI (return on investment) cả đó bạn!

Rất khó để đánh giá văn hóa doanh nghiệp tốt hay xấu nếu bạn không làm việc tại đó. Nhiều công ty có thể “sống ảo” trên mạng xã hội về việc khoe văn phòng đẹp lung linh nhiều góc check in sống ảo, giờ giấc thoải mái, trang phục tự do. Hãy gia nhập công ty của chúng tôi và bạn sẽ có bồ sau một tuần, đại loại thế. Chúng tôi có đồ ăn vặt, có trà sữa, có bia, có dịch vụ giặt là miễn phí. Bộ phận tuyển dụng luôn quảng bá về những lợi ích màu mè đó mỗi khi họ thật sự muốn có một ứng viên tiềm năng.

Tuy nhiên, hai chữ “văn hóa” rất khó để được định nghĩa bằng những lợi ích hữu hình như trà sữa mỗi chiều hay những chuyến teambuilding sang chảnh tại những resort xa xỉ.

“Văn hóa doanh nghiệp” là cách những người trong công ty đối xử với công việc của mình và đối xử với nhau, nó có đem lại bầu không khí tích cực hay không.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 4.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, văn hóa doanh nghiệp bao gồm những giá trị chung và các quy tắc ứng xử được duy trì xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp. Ở đây chúng tôi không cần bằng cấp - đó là văn hóa doanh nghiệp. Ở đây chúng tôi không quan tâm bạn để kiểu tóc gì, ăn mặc ra sao - đó là văn hóa doanh nghiệp.

Không có gì là chắc chắn để khẳng định một nhân viên tốt cũng là một người yêu thích văn hóa doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang làm mọi thứ trơn tru và sự nghiệp của bạn có vẻ tiến triển, không có nghĩa là bạn thích công ty của bạn.

Có một vài thước đo để biết được bạn có thật sự hài lòng với nơi bạn dành ⅓ cuộc đời để cống hiến không. Nếu bạn vẫn đang update CV để chờ đợi một cơ hội khác, lướt các trang web việc làm mỗi ngày và dừng lại trước một mẩu tin tuyển dụng trên Facebook, tức là bạn đang không hài lòng với những gì mình đang có. Chẳng có gì là sai cả. Nhưng hãy bình tĩnh nhìn lại và phân tích xem chỗ làm hiện tại có điều gì bạn chưa thích, vấn đề ở công ty hay vấn đề ở chính bạn.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 5.

Hãy kiểm tra xem công ty của bạn có một định nghĩa rõ ràng nào về văn hóa doanh nghiệp, ngoài những lời mời gọi hấp dẫn về trà sữa và teambuilding ra rả trên Facebook hay không. Nếu công ty của bạn nức tiếng thiên hạ, là nơi mà hàng trăm hàng nghìn người lao động sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để xin một suất làm việc, đừng vội kết luận đây là một môi trường làm việc tốt.

Hãy cân nhắc trước khi tới phỏng vấn, và khi bạn đã ngồi đối diện với nhà tuyển dụng rồi, đừng ngại ngần về việc đặt những câu hỏi xung quanh văn hóa doanh nghiệp. Hãy hỏi về những hành vi như thế nào sẽ được khuyến khích tại đây, và khi nhân viên mắc lỗi thì công ty sẽ có thái độ và ứng xử như thế nào. Chỉ bằng hai câu hỏi này, bạn có thể kết luận khá chính xác về việc đây có phải là một doanh nghiệp có văn hóa tích cực hay không.

Hãy nhớ đi tham quan văn phòng nữa, không chỉ để nhìn ngắm cho đã mắt và đừng quan tâm đến vẻ ngoài lung linh của nội thất hay những góc sống ảo sang chảnh. Bạn đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống chứ không phải kiếm ảnh để đăng Facebook. Hãy để ý kĩ gương mặt của những nhân viên trong công ty. Họ trông có giống những người muốn mời gọi bạn vào đây để trở thành đồng nghiệp tốt của bạn không, hay những cái liếc mắt rất nhanh của họ như ngầm thông báo với bạn: “Xin đừng mắc kẹt ở đây, như tôi!”.

Trước khi quyết định làm việc ở đâu đó, đừng đặt câu hỏi bạn sẽ kiếm được bao nhiêu, hãy đặt câu hỏi rằng nơi này có giúp bạn hạnh phúc, phát triển và là một trong những bước đệm để bạn tiến tới thành công hay không.

Không những thế, nếu chẳng may bạn đã ở đây quá lâu để hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp, và vẫn không thích nó, có đáng để tốn thêm thời gian nữa không?

Để tìm ra câu trả lời, hãy tìm ra vấn đề trước. Nếu vấn đề chỉ là bạn thấy quá nhiều bát đĩa bẩn đang ở trong bồn rửa và bạn coi đó là sự thiếu tôn trọng, hãy tự hỏi bản thân: “Đây có phải là một vấn đề không? Nó có ảnh hưởng tới tiền đồ của tôi sau này không?”. Nếu không thì 9 bỏ làm 10, nếu có thì đừng ngần ngại giải quyết thẳng thắn như những người trưởng thành, đừng ôm một cục khó chịu trong lòng rồi lại đổ tại hoàn cảnh.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 6.

Cấu trúc doanh nghiệp cũng là một phần của văn hóa. Những người làm sales, đi suốt ngày, đi gặp khách, có thể họ chẳng thấy mùi thức ăn trong văn phòng có gì to tát cả, vì họ có ở văn phòng nhiều đâu. Tuy nhiên với người làm việc 10 tiếng tại văn phòng như bạn, đây lại là vấn đề cực kì to tát. Thế mới nói, sự thoải mái đối với người này có khi lại là địa ngục với người khác.

Nếu bạn chọn gắn bó, hãy xác định rằng bạn sẽ phải hàng ngày, hàng giờ chiến đấu với những thứ nhỏ nhặt khiến bạn khó chịu. Hãy ở lại hoặc ra đi, chứ đừng ở lại rồi mặc kệ.

Nghiệt ngã nhưng lại là sự thật: bạn chẳng thể làm gì nhiều để uốn nắn một tập thể hay cố gắng nhào nặn những gì số đông đang thích thú để trở thành thứ vừa khít với tính cách khó ở của bạn. Các chuyên gia đều khẳng định rằng đến chủ doanh nghiệp còn khó định hình lại văn hóa chứ đừng nói một cá nhân không có trọng lượng lại ôm tham vọng thay đổi được nó.

Bạn có thể tiến hành từng bước từng bước để xây dựng một bong bóng văn hóa, nơi bạn và hội nhóm của bạn đặt ra những quy tắc riêng, lập những nhóm chat riêng. Các bạn có thể cùng nhau ăn trưa vào thứ sáu, cùng mặc đồ đen vào thứ hai đầu tiên trong tháng. Kết bè tạo đảng đôi khi không tiêu cực như người ta nghĩ. Thậm chí, nhóm của bạn có thể truyền cảm hứng cho nhiều nhóm khác bắt chước theo.

Bạn cũng nên đặt câu hỏi rằng tất cả những việc cỏn con ngoài luồng này có mang lại hiệu quả trong dài hạn. Đừng coi thường cảm xúc của bạn, bạn vẫn thành công được trong một môi trường mà bạn ghét từ cái máy chấm công, cái rèm cửa, cái cách bố trí bàn làm việc, lối đi, cái mùi thức ăn nồng nặc mỗi giờ nghỉ trưa. Nhưng bạn sẽ mệt mỏi, mệt lắm đó, đừng để 10 tiếng nơi văn phòng hút cạn sinh lực của bạn.

Đi hay ở là quyền của bạn, nhưng nếu bạn thật sự yêu công việc mình đang làm, hãy yêu cả môi trường đang bao xung quanh nó.

Yêu công việc của mình có đồng nghĩa là phải yêu văn hoá công ty luôn không? - Ảnh 7.

Theo TYPN

Cùng chuyên mục
XEM