Yên Nhật chao đảo trước khả năng Anh rời EU

16/06/2016 19:25 PM | Kinh tế vĩ mô

So với đồng Euro và đồng Bảng Anh, tỷ giá đồng Yên đã lên cao nhất trong nhiều năm...

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 16/6 không đưa ra thêm bất kỳ biện pháp kích cầu bằng chính sách tiền tệ nào, bất chấp lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại.

Sự “án binh bất động” của BoJ đã đẩy tỷ giá đồng Yên lên mức cao nhất trong hai năm, đe dọa thêm triển vọng của nền kinh tế Nhật.

Hãng tin Reuters cho biết, việc BoJ không mở rộng biện pháp kích cầu trong cuộc họp lần này đã được thị trường dự báo từ trước. Tuy nhiên, điều này càng khiến các nhà đầu cơ giá lên đối với đồng Yên tin tưởng vào chiến lược của mình. Giới đầu cơ đã bán tháo đồng USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp kết thúc vào ngày 15/6 và tỏ quan điểm thận trọng hơn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Sau cuộc họp ngày 16/6, Thống đốc BoJ là ông Haruhiko Kuroda đã đưa ra những phát biểu nhằm ngăn giới đầu tư tiếp tục mua vào đồng Yên. Ông nhấn mạnh rằng BoJ sẵn sàng nới lỏng thêm chính sách nếu đồng Yên tăng giá quá mạnh đe dọa khả năng đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Ông Kuroda cũng nói BoJ liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) để có kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn sự biến động mạnh của thị trường tài chính trong trường hợp cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là “Brexit”, trong cuộc trưng cầu dân ý vào tuần tới.

Với cuộc vận động Anh rời EU đang được đẩy mạnh, thị trường cho rằng khó có chuyện BoJ nới lỏng chính sách trước thời điểm 23/6, ngày mà Anh tiến hành trưng cầu dân ý.

“Trong trường hợp xảy ra những sự kiện như ‘Brexit’ khiến hoạt động mua vào đồng USD của các ngân hàng Nhật hay ngân hàng của các quốc gia khác bị gián đoạn, chúng tôi có đủ công cụ để xử lý”, ông Kuroda phát biểu tại một cuộc họp báo.

Trong cuộc họp lần này, BoJ giữ nguyên chương trình mua vào tài sản với quy mô 80 nghìn tỷ Yên, tương đương 753 tỷ USD, mỗi năm. Ngoài ra, BoJ giữ nguyên mức lãi suất âm 0,1% gây tranh cãi đối với một số khoản tiền gửi của các định chế tài chính tại ngân hàng trung ương.

Một số nhà phân tích dự báo, với đồng Yên tăng giá gây áp lực giảm đối với giá tiêu dùng, BoJ có thể sẽ nới lỏng thêm chính sách trong cuộc họp tháng 7.

Đồng Yên ngày 16/6 đã tăng giá mạnh sau khi quyết định của BoJ được công bố, đạt mức đỉnh của 22 tháng là hơn 104 Yên đổi 1 USD. So với đồng Euro và đồng Bảng Anh, tỷ giá đồng Yên đã lên cao nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật giảm 3,1%, thấp nhất trong 4 tháng.

“Brexit” có thể đẩy tỷ giá đồng Yên tăng, bởi các nhà đầu tư xem đồng tiền này như một “vịnh tránh bão”. Điều này là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật trong bối cảnh xuất khẩu của nước này đã suy yếu do sự đi xuống của nhu cầu toàn cầu.

Đồng Yên mạnh cũng khiến lạm phát của Nhật giảm, làm dấy lên những lo ngại về việc nước này có thể lại rơi vào giảm phát.

“Sự tăng giá của đồng Yên như chúng ta thấy hiện nay có thể có những tác động không mong muốn đối với nền kinh tế Nhật và lạm phát trong tương lai”, ông Kuroda nói. Đây được xem là cảnh báo mạnh nhất của Thống đốc BoJ về những ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng Yên tăng giá thời gian gần đây đối với kinh tế Nhật.

Theo Bình Minh

Cùng chuyên mục
XEM