Ý nghĩa tâm linh ít người biết về bữa cơm Tất niên

01/02/2019 13:06 PM | Xã hội

Bữa cơm Tất niên, hay cúng Tất niên dừng như đã quá quen thuộc đối với mỗi người dân Việt. Đây là dịp các thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ để cùng dùng chung bữa cơm và nhìn lại một năm với đầy ắp những buồn vui trong cuộc sống. Tuy vậy, ý nghĩa thực sự của bữa cơm Tất niên cũng chỉ dừng lại ở đó?

Trao đổi với PV báo Lao Động, Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia tại Huế, cho biết: Tất niên là hay cúng Tất niên hoặc tiệc Tất niên là một bữa cơm nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới. Đây còn là dịp để con cháu mời ông bà tổ tiên đã mất về bàn thờ dùng chung bữa cơm. Lúc này, họ sẽ coi như ông, bà mình đang còn sống, ngồi hiện hữu trên bàn thờ và sẽ thiết đãi một cách hết sức trang trọng, đủ lễ. Lễ ở đây là cơm, thức ăn độ vài ba món (không cần quá nhiều) và đặc biệt là phải có nước trà.

Đến ngày mồng 2, mồng 3 Tết họ sẽ làm tiếp một mâm cơm gọi là mâm cơm "cúng đưa" để tiễn ông, bà về lại cõi âm.

Đó chính là nghi lễ quan trọng nhất của người Huế trong bữa cơm Tất niên. Trước đây, hầu như khắp mọi miền trên đất nước đều như vậy, nhưng sau nhiều biến động của lịch sử, đến nay có lẽ chỉ còn xứ Huế và một số nơi giữ lại phong tục trên.

"Bữa cơm Tất niên đã có quy mô vượt lên trên một bữa ăn bình thường, nó có thể được xem là một bữa đại tiệc của cả gia đình. Người ta lúc này đã tạm gác lại những bộn bề lo toan với công việc để xum vầy bên gia đình. Chính vì lẽ đó, bữa cơm Tất niên là bữa cơm có quy mô về mặt hình thức và cao cả về mặt ý nghĩa..", Tiến sĩ Hằng nhấn mạnh.

Tuy vậy, một số gia đình có điều kiện về mặt kinh tế thường làm một mâm cơm đủ đầy, đa dạng các món ăn để các thành viên trong nhà có thể thoải mái dùng bữa. Nhưng đối với những gia đình không có điều kiện vẫn có thể chọn làm một mâm cơm nhỏ để cúng Tất niên nhưng điều quan trọng là vẫn phải đủ thành viên trong gia đình để cùng nhau nhìn lại một năm đã qua, Tiến sĩ Hằng thông tin thêm.

Theo lẽ thường, bữa cơm Tất niên thường được tổ chức vào ngày 30 Tết (âm lịch) nhưng nhiều gia đình do một số nguyên nhân từ chủ quan cho đến khách quan vẫn tổ chức cúng Tất niên trước đó nhiều ngày. Nhưng chung quy lại, cúng Tất niên vẫn là "sự kiện" quan trọng đối với bất kỳ gia đình nào ở dải đất hình chữ S, trải dài từ bắc chí nam.

Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí bữa cơm Tất niên theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của bữa cơm Tất niên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay!

Theo Bảo Trung

Cùng chuyên mục
XEM