Xung đột Nhật - Hàn có thể đẩy giá smartphone tăng cao, đây là lý do tại sao!

24/07/2019 20:06 PM | Xã hội

Căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm dấy lên lo ngại về việc chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu có thể bị phá vỡ.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng có một mạng lưới kinh tế phức tạp và có sự liên kết chặt chẽ, góp phần quan trọng vào ngành sản xuất hàng điện tử như điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Nhưng đầu tháng này, Tokyo đã bất ngờ áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với một phần của mạng lưới đó, thông qua việc hạn chế cung cấp một số hóa chất từ ​​Nhật Bản sang Hàn Quốc.

Những hóa chất này được các nhà sản xuất Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, rất quan trọng trong việc chế tạo các linh kiện điện tử như chip nhớ, bộ vi xử lý và mạch tích hợp, "trái tim" của nhiều sản phẩm điện tử hiện đại.

Nên biết rằng với việc sử dụng rộng rãi các chất bán dẫn như hiện nay, các công ty kiểm tra và chế tạo chúng thường được coi là "phong vũ biểu" cho sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Doanh số bán hàng toàn cầu của chất bán dẫn đã tăng 12,5%, đạt 474,6 tỷ USD vào năm 2018, theo công ty nghiên cứu Gartner. Và các dấu hiệu xấu đang khiến doanh số ước tính của một số công ty bán dẫn lớn sẽ bị cắt giảm trong năm nay.

Đã vậy, Mỹ và Trung Quốc lại đang bị khóa vào nhau trong một cuộc chiến thương mại kéo dài, làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Bây giờ, với sự gia tăng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nó có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

 Xung đột Nhật - Hàn có thể đẩy giá smartphone tăng cao, đây là lý do tại sao! - Ảnh 1.

Giao dịch thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nhau.


Động thái của Nhật Bản

Nhật Bản đã tuyên bố vào ngày 1/7 rằng sẽ hạn chế xuất khẩu ba loại hóa chất sang Hàn Quốc là: polyimide fluoride, chất cản quang (resist) và hydro florua. Những vật liệu công nghệ cao này được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị. Tokyo đã trích dẫn việc quản lý không đầy đủ về các loại hóa chất - mà theo một số báo cáo cho biết có thể chúng đã được chuyển hướng sang sử dụng cho mục đích quân sự - như một lý do để áp đặt các hạn chế trên.

Tuyên bố có hiệu lực ngay sau đó vào ngày 4/7 và các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải xin phép mỗi lần họ muốn gửi bất kỳ hóa chất nào trong số ba hóa chất kể trên đến Hàn Quốc. Quá trình xin phép sẽ mất khoảng 90 ngày.

Nếu hạn chế nguồn cung phát sinh trong sản xuất chip nhớ của Hàn Quốc, giá của các thành phần bộ nhớ có thể tăng đáng kể...

Rajiv Biswas - IHS Markit

Ngoài ra, Tokyo cho biết họ có kế hoạch tước bỏ một số ưu đãi khác nữa của Hàn Quốc trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Dự kiến ​​vào tháng 8, Nhật Bản sẽ loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được coi là đáng tin cậy trong giao dịch thương mại với của Nhật Bản.

Nếu động thái này được thực hiện, các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ cần giấy phép để chuyển đến Hàn Quốc khoảng 850 mặt hàng có thể được sử dụng trong các ứng dụng liên quan đến vũ khí, theo IHS Markit.

Hậu quả

Nhật Bản sản xuất khoảng 90% nguồn cung cấp polyimide fluoride và chất cản quang, cùng khoảng 70% hydro florua. Sự thống trị toàn cầu của Nhật Bản đối với các hóa chất này sẽ khiến các công ty Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế, một khi nguồn cung bị phá vỡ bởi các áp đặt xuất khẩu từ Tokyo.

Ngay cả khi họ tìm được nguồn thay thế, các công ty có thể gặp phải vấn đề về chất lượng hoặc không có đủ nguồn cung để thực hiện đơn đặt hàng lớn, theo một báo cáo tuần trước của Lloyd Chan và Shigeto Nagai, hai chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn Oxford Economics.

 Xung đột Nhật - Hàn có thể đẩy giá smartphone tăng cao, đây là lý do tại sao! - Ảnh 2.

Samsung và SK Hynix là hai khách hàng Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu lệnh cấm được áp dụng.


Hàn Quốc là quê hương của gã khổng lồ bán dẫn Samsung Electronics và SK Hynix, hai đơn vị cung cấp tới 61% linh kiện được sử dụng trong chip nhớ trên toàn cầu vào năm 2018, theo IHS Markit. Bất kỳ sự gián đoạn sản xuất nào cũng sẽ là tin xấu cho các khách hàng của họ, bao gồm các công ty công nghệ lớn như Apple và Huawei.

Hiện tại, hai nhà cung cấp của Hàn Quốc có mức tồn kho chất bán dẫn cao để có thể dựa dẫm vào, theo các phân tích từ Citi. Nhưng sau khi sử dụng hết, các nhà sản xuất chip có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng thời hạn sản xuất nếu họ không tìm được nhà cung cấp thay thế ba loại hóa chất trên một cách kịp thời.

Các nhà phân tích ước tính rằng tại Samsung Electronics, hàng tồn kho hóa chất có thể đáp ứng nhu cầu kéo dài 20-30 ngày. Không có số liệu hàng tồn kho của SK Hynix, nhưng trích dẫn từ một báo cáo địa phương nói rằng công ty đã nói với khách hàng rằng chỉ có thể kiểm soát được tình hình trong thời gian ngắn.

 Xung đột Nhật - Hàn có thể đẩy giá smartphone tăng cao, đây là lý do tại sao! - Ảnh 3.

Các quốc gia khách hàng phụ thuộc vào nguyên liệu bán dẫn của Nhật Bản.


Và hệ quả từ những sự gián đoạn nguồn cung các hóa chất quan trọng kéo dài từ Nhật Bản sang Hàn Quốc có thể gây ra sự thiếu hụt toàn cầu về nguồn cung chip nhớ. Và do đó sẽ có tác động đẩy giá sản phẩm lên cao, theo cảnh báo từ IHS Markit.

Các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng ngoài Hàn Quốc, hai quốc gia lớn khác là Mỹ và Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương bởi các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt của Nhật Bản. Bởi những công ty công nghệ ở hai quốc gia này đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung linh kiện từ Hàn Quốc.

"Nếu có những hạn chế về nguồn cung trong quá trình sản xuất chip nhớ của Hàn Quốc, giá của các thành phần bộ nhớ có thể tăng đáng kể do các nhà cung cấp bộ nhớ khác không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu", chuyên gia phân tích Rajiv Biswas từ IHS Markit cho biết.

"Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm máy chủ, thiết bị cầm tay di động, PC và một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng", ông nói thêm. "Do đó, người tiêu dùng từ khắp nơi trên thế giới có thể phải trả giá cao hơn cho những sản phẩm đó".

Các yếu tố kích hoạt mâu thuẫn

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không phải lúc nào cũng ấm áp. Hai quốc gia láng giềng này có chung một lịch sử "cay đắng", bắt nguồn từ thời Nhật Bản áp đặt chế độ thuộc địa trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945 trong Thế chiến II.

Hai nước đã ký một hiệp ước vào năm 1965 để khôi phục quan hệ ngoại giao. Nhưng những bất đồng về các vấn đề giải quyết hậu quả trong hiệp ước vẫn tiếp tục làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai bên trong suốt thập kỷ sau đó. Nó bao gồm những điểm nhấn liên quan tới sử dụng lao động cưỡng bức của các công ty Nhật Bản và nô lệ tình dục trong các nhà thổ thời chiến.

 Xung đột Nhật - Hàn có thể đẩy giá smartphone tăng cao, đây là lý do tại sao! - Ảnh 4.

Quan hệ Nhật - Hàn chưa bao giờ thực sự "ấm áp".


Nhật Bản đã không đưa ra nhiều chi tiết đằng sau các hành động mang tính thương mại của mình nhằm chống lại Hàn Quốc. Nhưng các báo cáo phương tiện truyền thông cho rằng các động thái của Tokyo là để trả đũa một cuộc tranh cãi về lao động cưỡng bức thời chiến.

Trong hai phán quyết riêng biệt vào cuối năm ngoái, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra lệnh cho hai công ty Nhật Bản - Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries - phải bồi thường cho một số người Hàn Quốc vì lao động cưỡng bức trong thời gian chiến tranh.

Nhật Bản thì lại xem xét vấn đề lao động cưỡng bức đã được giải quyết hoàn toàn trong hiệp ước năm 1965. Do đó chính phủ nước này đã lên tiếng tố cáo các phán quyết và xem xét đưa tranh chấp lên Tòa án Công lý Quốc tế. Tất nhiên Tokyo đã phủ nhận các áp đặt về xuất khẩu của mình có liên quan đến các phán quyết .

Trong các báo cáo truyền thông khác của Nhật Bản, Hàn Quốc được cho là đã vận chuyển hydro florua - một trong ba hóa chất trong danh sách hạn chế - cho Triều Tiên. Seoul từ chối những lời buộc tội này và cho biết họ có kế hoạch để phản đối sự "bất công" trong các hành động của Tokyo tại cuộc họp hội đồng chung của Tổ chức Thương mại Thế giới trong tuần này.

Tình huống "cùng thua"

Các tranh chấp thương mại Nhật Bản-Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm khi những căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục làm suy giảm hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.

Suy thoái đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và những nền kinh tế dọc theo chuỗi cung ứng điện tử, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là một trong các lý do tại sao một số nhà phân tích nói rằng họ không mong đợi việc hai nước leo thang xung đột và gây tổn hại thêm cho các nền kinh tế tương ứng của mình hơn nữa.

 Xung đột Nhật - Hàn có thể đẩy giá smartphone tăng cao, đây là lý do tại sao! - Ảnh 5.

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang ở "điểm thấp nhất" kể từ năm 1965.


"Chúng tôi không hy vọng căng thẳng thương mại sẽ leo thang đến mức các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì Hàn Quốc và Nhật Bản nên có đủ động lực kinh tế để giảm thiểu rủi ro tiềm tàng", Lloyd Chan và Shigeto Nagai, Oxford Economics.

"Ngoài ra, do các nền kinh tế của họ liên kết chặt chẽ với nhau, các biện pháp của Nhật Bản đối với Hàn Quốc sẽ dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau", ông Waqas Adenwala, nhà phân tích châu Á tại công ty tư vấn The economist Intelligence Unit.

"Hàn Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Nhật Bản. Các nhà sản xuất vật liệu điện tử, thứ được sử dụng trong quá trình sản xuất các thiết bị bán dẫn, cũng sẽ phải vật lộn để tìm người mua mới", ông Adenwala nói thêm. "Nhiều công ty sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản cũng đang mua linh kiện bán dẫn từ Hàn Quốc và rõ ràng các đơn vị này sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ trong quá trình sản xuất của mình".

Tham khảo CNBC

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM