Xuất khẩu không bao giờ tiếp tục là động lực tăng trưởng cao của châu Á?

03/10/2018 21:32 PM | Xã hội

Những vấn đề mà xuất khẩu châu Á đang phải đối mặt tồi tệ hơn rất nhiều các chính sách thuế quan mà Mỹ áp với Trung Quốc.

Năm nay là một năm khó khăn của châu Á. Kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng khi chi tiêu vào cơ sở hạ tầng giảm sút. Đồng USD mạnh và lãi suất tại Mỹ cao gây áp lực lên tỷ giá cũng như khiến cho giới đầu tư lo lắng.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người lo lắng về khả năng xuất khẩu suy giảm khắp khu vực khi hiệu ứng từ chiến tranh thương mại tác động mạnh đến chuỗi cung ứng khu vực, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải.

Nhưng rồi, thời gian qua đi, họ cũng sẽ giải quyết được vấn đề. Hiện tại, Trung Quốc đang bắt đầu giải quyết những yếu kém trong ngành xây dựng, hỗ trợ cho chính quyền địa phương phát hành thêm trái phiếu để có tiền tài trợ cho các dự án.

Đồng USD đã tạm ngừng tăng giá, dù chu trình tăng giá này có thể lại tái khởi động lại khi Fed tiếp tục nâng lãi suất, nhưng cuối cùng, chu trình đó cũng sẽ kết thúc khi Fed ngừng nâng lãi suất ở thời điểm nào đó của năm sau.

Sau này, nếu Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận nào đó, cuối cùng cỗ máy xuất khẩu của khu vực cũng sẽ được khởi động lại. Thế nhưng những vấn đề mà xuất khẩu châu Á đang phải đối mặt tồi tệ hơn rất nhiều các chính sách thuế quan mà Mỹ áp với Trung Quốc.

Châu Á cần đối diện với sự thật rằng xuất khẩu sẽ không bao giờ còn có thể trở thành động lực tăng trưởng kinh tế chính và rằng chính phủ các nước cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích các động lực tăng trưởng nội địa thông qua các chính sách tự do hóa.

Cỗ máy xuất khẩu châu Á đã tăng trưởng chậm lại. Sau khi tăng trưởng ở tốc độ gần 15%/năm trong một thập kỷ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng xuất khẩu của các nước mới nổi châu Á tính từ năm 2011 chỉ chưa đầy 4%. Năm 2016 và năm 2017, mọi chuyện dường như tốt hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu khi đó đến nay tăng trưởng tập trung vào hàng điện tử chứ không phải đa dạng các loại mặt hàng như trước.

Sự phát triển của ngành công nghệ dường như cũng đang chậm lại, tăng trưởng của ngành điện tử tiêu dùng không còn cao như trước còn giá của các loại hàng hóa bán dẫn không tăng.

Việc thương mại châu Á tăng trưởng mạnh những năm 2000 là kết quả của quá trình tự do hóa: Sự áp dụng của Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch vòng Uruguay một thập kỷ trước cũng như việc WTO gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tuy nhiên, chưa hề có một hiệp ước nào với quy mô và tầm ảnh hưởng tương tự được ký kết.

Thay vào đó, hệ thống thương mại toàn cầu chỉ ngày một trở nên ngặt nghèo hơn, với thêm các biện pháp hạn chế được áp dụng nơi này nơi khác, đặc biệt khi kinh tế thế giới đối diện với Đại Suy thoái.

Nhìn từ góc độ này, có thể thấy khả năng châu Á có được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đương như thập kỷ qua hoặc trước đó khó lặp lại. Sẽ cần đến những thay đổi về cấu trúc, đó có thể là một sự đột phá về tự do hóa thương mại hoặc một cuộc cách mạng về quy trình sản xuất để giúp nâng đột biến hiệu quả của chuỗi cung ứng. Và sẽ lý tưởng hơn nếu cả hai điều trên xảy ra cùng lúc.

Khả năng này khó xảy ra. Ngay cả nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể được giải quyết, châu Á mắc kẹt với một vấn đề tồi tệ hơn: Nhiều năm thương mại tăng trưởng cao sẽ khó có thể quay lại. Và rồi xuất khẩu sẽ ngày một mất đà tăng trưởng.

Vậy làm sao để duy trì được tăng trưởng? Vấn đề năng suất lao động nằm ở cốt lõi của vấn đề. Xuất khẩu thông thường luôn mang đến động lực tăng cao hiệu quả sản xuất; đầu tư mạnh của các công ty đa quốc gia cũng như cạnh tranh cao trên toàn cầu đảm bảo rằng công nghệ mới nhất được áp dụng và hiệu quả được tăng cao. Sau đó, hiệu ứng cũng sẽ lan tỏa vào kinh tế địa phương.

Thế nhưng, giờ đây, năng suất lao động nên đến từ các nguồn nội địa. Châu Á mắc kẹt trên phương diện này: sau khoảng thời gian dài quá tập trung vào xuất khẩu, các động lực tăng trưởng địa phương bị bỏ qua. Điều này từng diễn ra ở Nhật cách đây 1 thập kỷ và đến giờ vẫn đang diễn ra ở châu Á.

Châu Á vẫn còn nhiều giải pháp dễ làm. Thế nhưng nó cần đến nhiều quyết tâm chính trị, chính sách cải cách đau đớn ở hiện tại nhưng sẽ mang lại nhiều thành quả trong tương lai.

Các doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn giữ vị trí trung tâm trong phần lớn các nền kinh tế. Dù quá trình tư nhân hóa có thể không mang lại giải pháp tốt nhất, thế nhưng việc tư nhân hóa dần dần cũng sẽ giúp tăng hiệu quả.

Căng thẳng thương mại mới nhất thực ra đang che giấu đi thách thức thực sự của nhiều nền kinh tế châu Á. Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại. Để có thể duy trì được tăng trưởng, chỉ còn một lựa chọn duy nhất: hãy để cho những nguồn lực nội địa phát triển.

Tác giả bài viết là ông Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng HSBC.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM