Xuất hiện từ 8.000 năm trước: Ở Việt Nam mọc đầy vườn, có giá vài nghìn đồng; ở phương Tây là mặt hàng trị giá hàng tỷ USD

12/05/2023 15:20 PM | Sống

Loài rau phổ biến khắp thế giới này còn được người Trung Quốc mệnh danh là nhân sâm đất.

Loại cây nuôi sống cả thế giới

Cách đây hơn 10 năm, một nhóm nhỏ nông dân bản địa Guatemala đã đến thăm nhà của Beata Tsosie-Peña ở phía bắc New Mexico. Trong cái nóng khô cằn, những vị khách, chủ yếu là phụ nữ đã chỉ cho Tsosie-Peña cách gieo trồng món quà mà họ mang theo: hạt rau dền.

Giờ đây, chúng phát triển thành những cây lâu năm cao gần 2m với những chùm hoa như những chiếc lông vũ màu đỏ và những chiếc lá giống như lá củ cải đường. Nhưng trong chuyến thăm đầu tiên vào năm 2009, những cây này chỉ là những hạt nhỏ li ti.

Tsosie-Peña và những vị khách của cô đã dành cả ngày để trồng, sàng sảy, nấu và thưởng thức chúng. Hạt rau dền được rang trong chảo, sau đó trộn với sữa hoặc mật ong.

Theo tờ Guardian (Mỹ), kể từ những năm 1970, rau dền đã trở thành một loại thực phẩm, mỹ phẩm trị giá hàng tỷ USD.

Những người có ý thức về sức khỏe, yêu thích các loại ngũ cốc cổ xưa sẽ tìm thấy hạt rau dền tại các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ hoặc trong các quán ăn nhanh trên khắp Mexico và ngày càng nhiều ở châu Âu và châu Á Thái Bình Dương.

Là một loại protein hoàn chỉnh với tất cả chín axit amin thiết yếu, rau dền là nguồn mangan, magiê, phốt pho, sắt và chất chống oxy hóa rất bổ dưỡng có thể cải thiện chức năng não và giảm viêm.

Tsosie-Peña cho biết: "Đây là loại cây có thể nuôi sống cả thế giới".

Xuất hiện từ 8.000 năm trước: Ở Việt Nam mọc đầy vườn, có giá vài nghìn đồng; ở phương Tây là mặt hàng trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Hạt rau dền rất được ưa chuộng ở phương Tây

8.000 năm lịch sử

Rau dền là tên gọi chung để chỉ các loài thuộc chi dền, có tên khoa học là Amaranthus.

Chi Dền được cho là có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ nhưng khoảng 60 loài với khoảng 400 giống hiện diện khắp thế giới, cả vùng có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới.

Theo Guardian, rau dền đã được trồng cách đây hơn 8.000 năm nhưng nhiều tài liệu khác thì nói rằng nó được trồng cách đây ít nhất 6.000 năm.

Rau dền chủ yếu được trồng thương mại để lấy hạt hoặc làm rau.

Tại các nhiều nước ở Trung-Nam Mỹ hay Ấn Độ, rau dền được trồng lấy hạt, thân cây khô làm chất đốt, một số loài dền có hoa đẹp có thể dùng để trang trí.

Với các nước này, hạt rau dền cùng với hạt kiều mạch, diêm mạch thuộc nhóm giả ngũ cốc, tức không phải là ngũ cốc nhưng với hương vị và đặc tính tương tự như các loại ngũ cốc thông thường.

Chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ Lovneet Batra cho biết, tại nước này ''rau dền là một loại siêu thực phẩm đặc biệt nhưng lại bị đánh giá thấp".

Nó là một loại ngũ cốc cổ xưa được sử dụng từ rất lâu đời ở Ấn Độ và còn được đặt tên là "Ramdana" (hạt của Chúa) hoặc "Rajgira" (hạt của các vị vua) với hương vị vô cùng hấp dẫn.

Ở Mỹ, rau dền được nghiên cứu phục vụ công nghệ sản xuất chất tạo màu thực phẩm tự nhiên.

Một báo cáo của Đại học Illinois cho thấy, cây rau dền là một nguồn cung cấp sắc tố đỏ gọi là betalain, có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng thực phẩm hơn so với các sắc tố có nguồn gốc thực vật khác.

Được công bố trên tạp chí Frontiers in Plant Science, nghiên cứu đã định lượng hàm lượng betalain trong 48 giống rau dền, cung cấp cho ngành thực phẩm nhiều ứng cử viên triển vọng để phát triển sản phẩm trong tương lai.

Xuất hiện từ 8.000 năm trước: Ở Việt Nam mọc đầy vườn, có giá vài nghìn đồng; ở phương Tây là mặt hàng trị giá hàng tỷ USD - Ảnh 2.

Rau dền xào tỏi được người Trung Quốc yêu thích

Nhân sâm đất giá rẻ

Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, rau dền thường thấy là dền đỏ, dền xanh làm rau ăn.

Tục ngữ Trung Quốc có câu rằng: "Rau dền đúng độ tháng 5", bởi đây là thời điểm rau dền tươi ngon, mềm, đầy đủ dinh dưỡng nhất. Thậm chí, người Trung Quốc còn mệnh danh rau dền là nhân sâm đất.

Rau dền đỏ hàm lượng vitamin E gấp 4 lần rau dền xanh, sắc tố đỏ và flavonoid tương đối cao, y học cổ truyền cho rằng rau dền đỏ bổ máu hơn.

Hàm lượng axit folic trong rau dền đứng đầu trong các loại rau, rau dền đỏ và rau dền xanh lần lượt là 419,9mg/100g và 330,6mg/100g.

Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ (Trung Quốc) có ghi lại: "Có một người thường đau đầu dữ dội, bị mù cả hai mắt, tìm kiếm nhiều lương y nhưng không khỏi. Một người làng đã dạy anh ta sử dụng rau dền dại kiếm ở các ngã tư và ở quanh nhà để sắc bằng cách cho vào cái ấm, bịt kín vòi ấm, rồi xông mắt, dần dần sẽ thấy ánh sáng, phục hồi thị lực". Về sau, người Trung Quốc tin rằng rau dền "có tác dụng cải thiện thị lực".

Bản thảo cương mục (Trung Quốc) chép rằng, rau dền có vị ngọt, tính lạnh, lành tính, có tác dụng dưỡng khí, thanh nhiệt, lợi tiểu, trị kiết lỵ gia đoạn đầu".

Người Trung Quốc trước khi nấu rau dền thường chần qua nước sôi ở nhiệt độ 100°C trong khoảng 10 giây để loại bỏ axit oxalic.

Riêng ở Việt Nam, rau dền là loại rau dễ tìm, thậm chí ở nhiều vùng nông thôn, rau dền mọc tràn lan đầy ngoài vườn, có giá vài nghìn đồng. Người Việt Nam thường quen với hai cách chế biến quen thuộc của rau dền: luộc và nấu canh.

Dền luộc khi ăn dùng với nước chấm có gia vị hoặc vừng, nước luộc làm canh. Dền nấu canh thường cho thêm tôm khô, thịt để gia tăng độ ngọt. Ngoài hai cách phổ biến trên, rau dền cũng có thể được chế biến theo cách xào với một số gia vị như tỏi, hành v.v.

Dền cơm và dền đỏ có vị ngọt còn dền gai lại có vị đậm đặc trưng. Rau dền có tính mát nên là món ăn dân dã rất thích hợp trong mùa hè và đã trở nên quen thuộc đối với người Việt Nam.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM