Xử lý người đứng đầu địa phương nếu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chồng chéo sai quy định

18/05/2017 09:46 AM | Kinh tế vĩ mô

Quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm không thanh tra doanh nghiệp quá một lần hoặc kiểm toán quá 1 lần.

Đầu giờ chiều ngày 17/5, trong khi đang chủ trì buổi gặp mặt với DN tại Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp, Thủ tướng đã ký Chỉ thị về tránh việc thanh, kiểm tra chồng chéo của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, của các cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương. Đó là Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017, được giải quyết ngay tại chỗ sau vài tiếng đồng hồ Thanh tra Chính phủ, VPCP, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng.

Chỉ thị sẽ khắc phục tình trạng như báo chí phản ánh, có DN một tháng bị thanh tra 3 lần, có DN bị thanh tra, kiểm tra 10-12 lần/năm. Có thể nói đây là sự giải quyết rất nhanh, quyết liệt, thể hiện đồng hành cùng DN, cùng DN tháo gỡ, coi việc lắng nghe DN để tháo gỡ là việc của Chính phủ, trách nhiệm của Chính phủ để tạo điều kiện, môi trường cho đầu tư, kinh doanh của DN và người dân.

Trong phiên họp họp báo Chính phủ sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng giải thích rõ hơn về nội dung của chỉ thị này. Theo đó quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm không thanh tra doanh nghiệp quá một lần hoặc kiểm toán quá 1 lần.

Theo đó, thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là đầu năm phải phê duyệt kế hoạch thanh tra. Đây là thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Ví dụ như cơ quan công an là thẩm quyền liên quan đến phòng cháy nổ, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến môi trường, Cục thuế, hải quan liên quan đến cơ quan thuế…

Do vậy, thanh tra tỉnh,thành phố chủ trì, tiếp nhận toàn bộ những đề xuất của thanh tra của các sở, ngành chuyên ngành để xây dựng một kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

Như vậy, hằng năm Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thanh tra của các doanh nghiệp trong phạm vi địa bàn, thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh quản lý.

Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng, không phải vào thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng sau đó lại không có chứng cứ vi phạm pháp luật.

Thanh tra, kiểm tra đột xuất là thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo Chỉ thị 20 thì dấu hiệu vi phạm pháp luật phải rõ ràng. Ví dụ như không xử lý mà xả thải, xả thải ra môi trường mà không đủ tiêu chuẩn... thì đó là vi phạm pháp luật.

Khi các cơ quan phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo, lúc đó yêu cầu cơ quan đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết, nếu không thì doanh nghiệp kiến nghị lên các cơ quan cao hơn. Khi các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu trong Chỉ thị của Thủ tướng, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu cố tình, nếu biết mà vẫn để cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Nếu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Tổng Thanh tra Chính phủ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này, thường xuyên thông báo và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM