USDS- Startup bí mật của Tổng thống Obama

18/02/2016 13:54 PM | Công nghệ

Cách đây 18 tháng, Tổng thống Barack Obama đã thành lập một startup trong căn hầm bí mật nằm dưới Nhà Trắng với một nhiệm vụ nặng nề: Giải quyết các rắc rối, tái khôi phục và cải thiện hệ thống điện tử chính phủ.

Chương trình trên có tên là USDS, hay còn được gọi là “Startup bí mật của Obama” bao gồm những nhà thiết kế phần mềm, kỹ sư và quản lý công nghệ thông tin giỏi nhất nước Mỹ. Rất nhiều trong số họ được tuyển dụng từ những tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon hay Twitter.

Những nhân viên này ký một “hợp đồng nghĩa vụ” ngắn hạn với chính quyền Washington để sửa những lỗi trong hệ thống điện tử của chính phủ Mỹ. Nhiệm vụ của họ bao gồm tìm ra phương án để những cựu binh Mỹ truy cập hệ thống điện tử nhanh hơn và dễ dàng nhận được các phúc lợi từ chính phủ hơn mà không cần chờ lâu.

Họ cũng cần tìm cách khiến hệ thống đổi thẻ xanh hoặc đăng ký cư trú của người nhập cư tại Mỹ hoạt động tốt hơn. Hơn thế nữa, hệ thống cho sinh viên vay vốn học tập cũng cần được cải thiện để phục vụ người dân tốt hơn...

 

Startup USDS của Tổng thống Obama

Khởi điểm cho việc thành lập USDS là sự thất bại trong việc cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hiểm trên website chính phủ Healthcare.gov của chính quyền Obama vào năm 2014. Trước tình hình đó, nhà điều hành USDS hiện nay là Mikey Dickerson đã cố gắng thành lập một đội “cứu hộ” nhằm sửa chữa hệ thống và vận hành chúng trở lại.

Kể từ đó, đội USDS được thành lập cũng với một đội cứu hộ khác (cũng được tài trợ bởi chính phủ) mang tên dự án 18F.

Tính đến hiện tại, cả 2 đội cứu trợ đã có khoảng 200 nhân viên và Nhà Trắng cho biết họ dự định tăng nhân số lên khoảng 500 người vào cuối năm nay.

Hầu hết những nhân viên tham gia các dự án chính phủ này là phụ nữ.

Đồng sáng lập USDS, bà Van Dyck cũng là người từng thực hiện chiến dịch giúp tổng thống Obama tranh cử vào năm 2008 thông qua các ứng dụng iPhone.

Bà Dyck có quan điểm ủng hộ cho những startup như trên bởi chính quyền Washington hàng năm tốn khoảng 86 tỷ USD cho các dự án IT liên bang nhưng 94% những dự án này buộc phải gọi thêm vốn hoặc bị chậm tiến độ. Thậm chí có 40% dự án bị bỏ dở.

Bởi việc tuyển nhân viên cho USDS là tự nguyện nên những nhà quản lý như bà Dyck phải có buổi thuyết trình trước những tập đoàn công nghệ lớn về công việc họ đang làm. Trong khi nhiều kỹ thuật mới được sáng tạo ra ở Thung lũng Silicon thì nhiều hệ thống của chính quyền Washington đã cũ và không được nâng cấp.

“Vào ngày đầu tiên tôi làm việc cho chính phủ năm 2014, họ đưa cho tôi một máy tính xách tay chạy bằng Windows 98. Lần cuối cùng họ cập nhật máy tính cho những nhân viên như tôi là cách đó 3 cuộc bầu cử (12 năm). Ngay lập tức chúng tôi nhận ra rằng Nhà Trắng đang đối mặt với một nguy hiểm to lớn mà họ không để ý tới,” bà Dyck nói.

Với việc thành lập USDS, các công ty công nghệ và tài năng của Mỹ có thể có cơ hội đóng góp cho quốc gia, giúp đỡ người dân và tiếp cận với nguồn vốn chính phủ.

“Chúng tôi đang cố xây dựng một chính quyền vì dân, do dân”, bà Dyck nói.

Mới đây, một nhóm 6 người thuộc đội USDS đã xây dựng thành công một nền tảng trực tuyến cho việc đăng ký giấy tờ xin nhập cư vào Mỹ, vốn đã được cơ quan xuất nhập cảnh Mỹ (UCIS) đầu tư hơn 1,2 tỷ USD trong 6 năm trước đó nhưng bị bỏ dở.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM