Tencent: Facebook của Trung Quốc và những chuyện “thâm cung bí sử”

23/06/2015 09:52 AM | Công nghệ

Những sản phẩm internet như vậy thường đem đến cho người dùng không chỉ tin tức, sự tự do, cộng đồng mà cả sự minh bạch. Nó đã làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người cũng như trở thành một mối đe dọa với chính phủ Trung Quốc.

Nội dung nổi bật:

- Không có Facebook, không có Amazon, người dân Trung Quốc sử dụng Tencent, công ty với biểu tượng là chú chim cánh cụt, ngôi sao đang lên trong bầu trời công nghệ.

- Sự phát triển của Tencent đồng hành với sự phát triển của ngành công nghiệp internet Trung Quốc.

- Thành công của Tencent không chỉ dựa trên việc Facebook, Twitter, WhatsApp bị cấm tại quốc gia này mà còn ở nhiều khía cạnh khác.


Trung Quốc, đất nước nơi Facebook bị cấm còn Google đành phải rút lui, các công ty nước ngoài vốn không dễ dàng bước qua “Tử Cấm Thành”. Bên trong đất nước đó, mọi nền tảng, mọi công nghệ hiện đại nhất vẫn tồn tại, nhưng đều xuất phát từ trong nước.

Không có Facebook, không có Amazon, người dân Trung Quốc sử dụng Tencent, công ty với biểu tượng là chú chim cánh cụt, ngôi sao đang lên trong bầu trời công nghệ.

Thành công của Tencent không chỉ dựa trên việc Facebook, Twitter, WhatsApp bị cấm tại quốc gia này mà còn ở nhiều khía cạnh khác. Tencent đã phát triển nền tảng trên di động nhiều năm trước cả Facebook, với 335 triệu thành viên tích cực và cung cấp các dịch vụ quen thuộc như Facebook, Twitter, WhatsApp dưới dạng tất cả trong một.

Hiện nay, công ty này còn mở rộng thêm dịch vụ phát clip nhanh và dịch vụ gọi taxi tương tự như Uber với 21 triệu lượt sử dụng chỉ vài tuần sau khi ra mắt.

Hiện nay, Tencent đang mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc và đạt được thành công đáng nể tại các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Nó còn tài trợ vốn cho hàng loạt các startups của Mỹ cũng như mua lại hoặc góp cổ phần trong nhiều công ty trò chơi lớn trên thế giới.

Nhưng để chạm tay vào châu Âu, Tencent phải vượt qua một trở ngại mà không gã khổng lồ công nghệ nào từng gặp phải, đó là: Tencent phải đóng vai trò như hai công ty hoàn toàn tách biệt. Tại Trung Quốc, Tencent là tất cả những gì nó phải là: hung hăng, sẵn sàng sao chép sản phẩm của các đối thủ, rất thân thiết với chính phủ cũng như đội ngũ tuyên truyền viên.

Nhưng bên ngoài Trung Quốc, Tencent phải chấp nhận cuộc chơi ở một thế giới không chấp nhận bất cứ yếu tố nào kể trên. Chính sự “nhạy cảm” này khiến CEO hay các vị trí hàng đầu khác của Tencent từ chối trả lời những câu hỏi hóc búa về chính trị bởi chỉ có thể xảy ra hai trường hợp: hoặc họ chọc giận Bắc Kinh, hoặc họ khiến người Mỹ nổi điên. Tốt nhất là giữ im lặng.

Tháng 4/2014, người sáng lập Tencent, Pony Ma được coi là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản ước tính 13 tỷ USD nhưng có lẽ so với những tỷ phú khác trên thế giới, ông là người ít được biết đến nhất.

Cuộc sống riêng tư của ông cũng rất bí mật đến mức các nhà phân tích Tencent ở Hồng Kông cũng chẳng biết ông sống ở đây hay ở gần biên giới Thâm Quyến, nơi Tencent đặt trụ sở.

Ma Huateng (Pony Ma), CEO Tencent

Ma Huateng (Pony Ma), CEO Tencent

Tên thật của Pony Ma là Ma Huateng (Ma tức là Mã, trong tiếng Trung có nghĩa là ngựa. Pony trong tiếng Anh cũng có nghĩa là ngựa con). Ông sinh ra tại miền Nam Trung Quốc giữa cuộc cách mạng văn hóa và lớn lên để trở thành một sản phẩm của cuộc cách mạng hiện đại của Trung Quốc.

Ông bước chân vào đại học Thâm Quyến chỉ một vài tháng sau khi Trung Quốc nổ ra cuộc đàn áp sinh viên lan tràn khắp cả nước năm 1989. Nhưng sau thời gian đó, Trung Quốc đã thay đổi.

Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã yêu cầu đất nước dừng theo đuổi những lý tưởng cách mạng mà hãy theo đuổi một nền kinh tế theo kiểu tư bản. Trong bối cảnh đó Pony Ma đã chọn ngành khoa học máy tính.

Sau khi tốt nghiệp, Ma làm việc tại một công ty viễn thông. Sớm thấy trước cơ hội của nền kinh tế Trung Quốc, ông và một vài người bạn nữa đã sáng lập ra Tencent năm 1998 với một sản phẩn nhắn tin trên máy tính có tên gọi OICQ.

Công nghệ này gần như giống hệt với công nghệ của công ty máy tính ICQ của Israel và vì vậy Tencent đổi tên sản phẩm của mình thành QQ. QQ đã nhanh chóng trở thành cú “hit” lớn với giới trẻ Trung Quốc, những người luôn mong muốn được tương tác và liên lạc với nhau. Một nhà đầu tư ngân hàng có nhiều năm hợp tác với công ty đã phát biểu: “Trước khi Facebook ra đời rất lâu, Tencent đã cơ bản tạo ra toàn bộ những gì liên quan đến mạng xã hội”.

Ứng dụng nhắn tin QQ

Ứng dụng nhắn tin QQ

Ban đầu, Tencent kiếm tiền từ quảng cáo và thu phí hàng tháng với những người sử dụng QQ. Năm 2004, Tencent chào bán cổ phiếu công khai trên sàn chứng khoán Hồng Kông và đồng thời tung ra một nền tảng game online cũng như bắt đầu bán hàng hóa, vũ khí, game ảo kèm theo các biểu tượng cảm xúc, kho lưu trữ, nhạc chuông...

Tencent rất giỏi kiếm tiền từ mọi thứ, nhặt nhạnh từng đồng xu từ những thương vụ bé nhỏ. Cùng với sự phát triển của nền tảng nhắn tin QQ, Tencent còn trở thành công ty game lớn nhất Trung Quốc.

Sự phát triển của Tencent đồng hành với sự phát triển của ngành công nghiệp internet Trung Quốc. Trong thời gian đó, Trung Quốc hình thành 4 công ty lớn: Baidu, Alibaba, Tencent và Sina. Mỗi công ty nắm một vai trò quan trọng trong các mảng tìm kiếm, mạng xã hội, game, và đôi khi những sản phẩm của các công ty này còn trùng lắp nhau. Tencent chiến thắng nhiều đối thủ và chỉ chịu thất bại trước Alibaba trong ngành thương mại điện tử.

Dù vậy, thành công lớn nhất mà Ma gặt hái được là trong lĩnh vực di động. Khi người Trung Quốc bắt đầu tải về vô số các game tương tác trên PC và doanh số di động tăng mạnh trong một vài năm trở lại đây, Tencent bắt đầu chuyển hướng kinh doanh của mình vào lĩnh vực di động.

Tại thời điểm đó, có nhiều người sở hữu smartphone nhưng lại không có ứng dụng nhắn tin OTT nào cả, vì vậy Ma đã cho phát triển hai sản phẩm và chia kỹ sư của mình thành 2 nhóm: một nhóm của Thâm Quyến (xuất phát từ nhóm phát triển sản phẩm QQ) và nhóm thứ 2 ở Quảng Châu.

Hai nhóm này cạnh tranh với nhau và sau 2 tháng nhóm ở Quảng Châu đã ra đời ứng dụng nhắn tin văn bản và chat nhóm có tên gọi Weixin (WeChat). Weixin chính thức ra đời năm 2011. Nhờ nhiều chức năng thú vị như lắc điện thoại để tìm một người bạn ở gần mình hay gọi điện miễn phí cũng như thừa hưởng số lượng thuê bao lên tới 850 triệu người của QQ, Weixin đã có được 350 triệu người sử dụng thường xuyên tính đến năm 2012.

Những sản phẩm internet như vậy thường đem đến cho người dùng không chỉ tin tức, sự tự do, cộng đồng mà cả sự minh bạch. Nó đã làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người cũng như trở thành một mối đe dọa với chính phủ Trung Quốc.

Sự kết nối này khiến mọi người bán tán với nhau quá nhiều trên internet về các chủ đề “nhạy cảm” và thậm chí tệ hơn, mọi người có thể tập hợp nhau lại để tham gia vào một “điều gì đó”. Một sự kiện mang ý nghĩa đánh dấu cho điều này xảy ra trong năm 2011, khi một đoàn tàu hỏa của Trung Quốc bị va chạm khiến cho rất nhiều người thiệt mạng.

Tin tức này được lan truyền khắp cả nước với tốc độ chóng mặt và theo một cách chưa từng có tại Trung Quốc. Từ đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty quản lý internet trong đó có Tencent chặn và xóa những bài đăng mang tính chống chính phủ và phạm pháp.

Chính phủ Trung Quốc năm 2013 còn đặt ra một luật rất khắt khe khiến những người sử dụng intetnet có thể đối mặt với án tù 3 năm nếu đăng những bình luận mang tính chất nói xấu có 5000 lượt xem hoặc số bài đăng lại từ 500 trở lên. Luật này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các website mang tính chất mạng xã hội tương tự như Twitter, nhưng lại làm lợi cho các ứng dụng nhắn tin mang tính cá nhân hoặc nhóm người như Weixin.

Thế nhưng nhắn tin trên Weixin có thật sự riêng tư? Có lẽ là không. Theo chuyên gia internet Trung Quốc kiêm chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại tổ chức New America Foundation: “Tất cả những gì Tencent có thể thấy thì chính phủ Trung Quốc cũng có thể thấy”.

Có lẽ Tencent cũng không còn lựa chọn nào khác. Cuối năm 2011, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập 39 công ty công nghệ lớn tới tham gia một buổi họp và tất cả đều đồng ý ký vào một tuyên bố có nội dung: “Các công ty internet phải tăng cường khả năng tự quản lý, tự kiểm soát và kỷ luật tự giác”. Ma là một doanh nhân thông minh, ông hiểu nếu muốn đi tiếp, mình phải “chơi trò chính trị" theo đúng yêu cầu của chính phủ.

Pony Ma, CEO Tencent

Pony Ma, CEO Tencent

Khi được một phóng viên Singapore hỏi về tính bảo mật trong một buổi hội thảo công nghệ, Ma cho biết: “Nhiều người cho rằng mình có thể phát ngôn về bất cứ thứ gì mà không phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ điều đó là không đúng. Nếu muốn thế giới mạng phát triển bền vững, cần phải có trật tự”. Năm 2013, Ma được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng Quốc hội nhân dân Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, sự “trật tự” này là bình thường nhưng bên ngoài Trung Quốc, điều này là khó chấp nhận. Tháng 1/2014, một người sử dụng Weixin quốc tế đã gửi tin nhắn kèm theo dòng chữ “Southern Weekend” và lập tức nhận được một tin nhắn báo lỗi với nội dung “những chữ này bị cấm”. (Southern Weekend là một tờ báo Trung Quốc chống lại việc kiểm duyệt thông tin).

Nhiều người dùng đã phản ánh về vấn đề này đến mức Tencent buộc phải gọi nó là “lỗi kỹ thuật” và cam kết sẽ “khắc phục tính năng và công nghệ hỗ trợ để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng”

Với những cân nhắc chính trị như vậy, liệu nó có ảnh hưởng đến tham vọng vươn ra thế giới của Tencent không? Chưa có công ty Trung Quốc nào thực sự thâm nhập được vào thị trường Mỹ nhưng Tencent đang ngấm ngầm, bí mật và bền bỉ chuẩn bị cho điều đó.

(Hết phần 1. Đón đọc phần tiếp theo với nhan đề “Tencent: Chim cánh cụt Trung Quốc không chơi đẹp”).

Theo Lê Nga

Cùng chuyên mục
XEM