Nếu động đất xảy ra ở Hà Nội thì sao? Nên xây nhà cửa thế nào?

27/04/2015 14:45 PM | Công nghệ

Những tiêu chuẩn cơ bản trong xây dựng công trình chống động đất của Việt Nam.

Thế giới vừa chứng kiến những thiệt hại lớn lao từ Nepal khi người dân quốc gia này trải qua trận động đất tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua, khiến cho ít nhất 2000 người thiệt mạng và con số này chắc chắn sẽ tăng lên.

Với Việt Nam, mặc dù nguy cơ động đất không lớn như một số quốc gia khác (như Nhật Bản, Trung Quốc...) tuy nhiên trong thời đại của biến đổi khí hậu khó lường thì những nguy cơ thiên tai sẽ tăng lên đòi hỏi chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn để đề phòng và đối phó.

Thiệt hại khi động đất xảy ra phụ thuộc phần lớn vào chất lượng và khả năng chịu động đất của các công trình xây dựng. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về tiêu chuẩn của Việt Nam áp dụng cho các công trình xây dựng.

Hiện Việt Nam đã có Tiêu chuẩn về thiết kê công trình chịu động đất TCVN 9386:2012 (do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố). Hệ thống tiêu chuẩn này được biên soạn dựa trên sự tham khảo chính các tiêu chuẩn của Châu Âu (Eurocode 8).

Mục đích của việc ban hành và áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn này nhằm bảo đảm trong trường hợp có động đất thì: sinh mạng con người được bảo vệ, các hư hỏng được hạn chế, những công trình quan trọng có chức năng bảo vệ dân sự vẫn có thể duy trì hoạt động.

Mức độ quan trọng của công trình

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn, cần phải phân định mức độ quan trọng và phạm vi gây tác hại nếu xảy ra động đất của công trình xây dựng để từ đó quyết định áp dụng các mức tiêu chuẩn cao thấp khác nhau. Hiện nay chúng ta chia thành 5 mức:

Nhà máy điên hạt nhân Nhật Bản bị động đất.

Mức đặc biệt: Các công trình có tầm quan trọng đặc biệt, không cho phép hư hỏng do động đất ví dụ như Đập bêtông chịu áp chiều cao lớn hơn 100 m; Nhà máy điện có nguồn nguyên tử. Với các công trình này thì phải được thiết kế với khả năng chịu đựng cao nhất.

Mức 1: Công trình có tầm quan trọng sống còn với việc bảo vệ cộng đồng, chức năng không được gián đoạn trong quá trình xảy ra động đất. Đây là những công trình thường xuyên có đông người, có hệ số sử dụng cao như nhà cao tầng cao từ 20 tầng đến 60 tầng, công trình dạng tháp cao từ 200 m đến 300 m. Với phân loại này thì cần áp dung hệ số quan trọng là 1,25.

Nhà cao tầng bị động đất

Mức 2: Công trình có tầm quan trọng trong việc ngăn ngừa hậu quả động đất, nếu bị sụp đổ gây tổn thất lớn về người và tài sản. Ví dụ như: Trụ sở hành chính cơ quan cấp tỉnh, thành phố, các công trình trọng yếu của các tỉnh, thành phố, Nhà cao tầng cao từ 9 tầng đến 19 tầng, công trình dạng tháp cao từ 100 m đến 200 m. Với phân loại này thì cần áp dung hệ số quan trọng là 1,25.

Mức 3: Công trình không thuộc mức độ đặc biệt và mức độ 1, 2, 4. Ví dụ như: nhà ở mục, nhà làm việc, nhà triển lãm, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nhà biểu diễn, nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc phân loại cấp, Nhà cao từ 4 tầng đến 8 tầng, công trình dạng tháp cao từ 50 m đến 100 m. Với phân loại này thì cần áp dung hệ số quan trọng là 0,75.

Mức 4: Công trình có tầm quan trọng thứ yếu đối với sự an toàn sinh mạng con người như Nhà tạm: cao không quá 3 tầng; - Trại chăn nuôi gia súc 1 tầng; Không yêu cầu tính toán mức độ kháng chấn động đất với mức này.

Khu vực có nguy cơ động đất

Một yếu tố rất quan trọng nữa cần xem xét đó là bản đồ phân vùng gia tốc nền lãnh thổ Việt Nam. Căn cứ vào đó để xem những khu vực nào có nguy cơ xảy ra động đất cao. Miền Bắc Việt Nam với các đứt gẫy thì đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Các khu vực sau: Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu có thể phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 như Nepal.

Các khu vực có nguy cơ cao: Lai Châu - Điện Biên, sông Hồng, sông Chảy, sông Cả - Rào Nậy , sông Lô, Hòa Bình, Yên Bái , Cao Bằng - Tiên Sơn, Sông Đà, Mường Tè, Mường Nhé, Đăkrông - Huế, Trà Bồng, Ba Tơ - Củng Sơn, sông Ba.

Việt Nam từng có động đất chưa?

Vậy thực tế, ở Việt Nam đã xảy ra những trận động đất nào rồi?

Trận động đất lớn nhất ở Việt Nam trong vòng 100 năm qua là trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở Tây Nam Điện Biên Phủ xảy ra lúc 23 giờ 22 phút ngày 1 tháng 11 năm 1935 với cấp động đất bề mặt là 8-9.

Năm 1968, trận động đất 5,5 độ richter xảy ra ở Nhã Nam, Yên Thế (Bắc Giang). Hai trận động đất xảy ra ngày 12-4-1970 và 24-5-1972 ở phía Tây thị xã sông Cầu (Phú Yên). Đều có cường độ chấn động cấp 7 tại vùng chấn tâm

Ngày 23/5/1989 Ở vùng hồ Hòa Bình ( tỉnh Hòa Bình) chỉ bốn tháng sau khi tích nước hồ chứa đến cao trình 86m xảy ra trận động đất mạnh 4,9 độ richter

Thủy điện bị động đất

Ngày 23/6/1996 tại xã Mường Luân thuộc huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã xảy ra động đất với chấn cấp xấp xỉ 5,0 độ Richter. 22 giờ 52 phút Ngày 19/1/2001, động đất 5,3 độ richter xảy ra giáp ranh biên giới Việt – Lào (cách thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên khoảng 12km).

21h25 ngày 7/1/2005 tại toạ độ 19,02 độ vĩ bắc và 105,3 độ kinh đông, cách Đô Lương (Nghệ An) 10 cây số về phía bắc. Trận động đất có độ mạnh 4,7 độ Richter, gây chấn động cấp 6-7 trên mặt đất ở vùng chấn tâm 12h45 ngày 17/7/2005, một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter đã xuất hiện tại cao nguyên Đồng Văn (tỉnh Hà Giang).

0h15 sáng, ngày 8/11/2005 trận động đất cường độ là 5,1 độ richter xảy ra tại khu vực Nam Bộ, tọa độ trận động đất ở 10 độ vĩ Bắc, 108 độ kinh Đông, ngoài khơi Biển Đông cách bờ biển Vũng Tàu 100 km

13h27 giờ ngày 3/3/2008, một trận động đất có cường độ 4,5 độ Richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 22,62 vĩ độ Bắc, 102,36 kinh độ Đông (thuộc địa phận huyện Mường Tè, Lai Châu

8h57 sáng 23/6/2010 xảy ra trận động đất 4,7 độ richterở đoạn đứt gãy trũng Cửu Long, Nam Côn Sơn, tỉnh Vũng Tàu đã gây ra dư chấn từ cấp 2 đến cấp 4 ở Sài Gòn 16h chiều 19/9/2010.

Nếu động đất xảy ra ở Hà Nội thì sao?

Nhóm nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu đã tiến hành xây dựng ba kịch bản động đất tại khu vực quận Hoàn Kiếm.

Kịch bản thứ nhất về một trận động đất nhỏ được tạo ra bởi tất cả các yếu tố có thể gây rung động nền tại khu vực. Với kịch bản này khoảng 30% nhà cửa bị phá hủy.

Kịch bản thứ hai là một trận động đất 6,5 độ richter xảy ra trên đứt gãy Vĩnh Ninh (Thanh Trì) với chấn tâm nằm rất gần vùng nội thành Hà Nội. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao. Với kịch bản này thì 40% nhà cửa bị phá hủy.

Kịch bản thứ ba là kịch bản cực đoan, kịch bản không tưởng nhằm để cảnh báo mức độ phá hủy lớn nhất có thể xảy ra là một trận động đất 6,5 độ richter tại Hồ Gươm. Trận động đất này có mức độ thiệt hại về nhà cửa là 80-100%.

 Minh Thanh

Nguyễn Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM