Đã đến lúc xe máy Việt nói có với phanh ABS?

19/10/2015 09:55 AM | Công nghệ

Piaggio Việt Nam vừa mời báo chí đến nhà máy Vĩnh Phúc thử nghiệm hệ thống chống bó cứng phanh ABS, ASR trên chiếc 946.

Chống bó cứng phanh ABS là công nghệ hết sức quen thuộc với những người sử dụng xe hơi. Còn với ASR, đây là công nghệ chống trơn trượt bánh sau và cũng không có gì quá mới lạ. Từ lâu hai công nghệ này đã được ứng dụng trên các dòng xe phân khối lớn nhưng ở thị trường Việt Nam thì chưa có sản phẩm made-in-Vietnam nào được lắp đặt hai công nghệ kể trên.

Mới đây, Piaggio Việt Nam vừa cho phóng viên báo chí thị phạm về tính ưu Việt của hệ thống phanh ABS và ASR trên 946. Ra đời vào 2012 tại triển lãm EICMA, chiếc 946 concept được coi là đỉnh cao tinh hoa thiết kế của hãng xe Ý, hội tụ đủ đường nét truyền thống cũng như công nghệ hiện đại.

Piaggio nói chung và Vespa nói riêng coi 946 như một tượng đài của thương hiệu của mình và coi đó là một nét văn hoá riêng biệt của Vespa. Cho đến nay, khi 946 đã bán thương mại thì nó vẫn luôn là niềm kiêu hãnh của mình so với tất cả các sản phẩm scooter khác.

Các tính năng, công nghệ trên 946 dần dần được triển khai xuống các dòng xe phổ thông đại trà của thương hiệu Vespa. Khởi nguồn cho câu chuyện này sẽ là ABS và ASR đã lần lượt ứng dụng trên chiếc Piaggio Beverly X10 ra mắt vào 2013 hay chiếc Vespa GTS trên thị trường thế giới.

Vespa 946 - tượng đài công nghệ và thẩm mĩ của Piaggio
Vespa 946 - tượng đài công nghệ và thẩm mĩ của Piaggio

Tại Việt Nam, dù nước ta là thị trường xe máy thuộc top đầu thế giới song từ xưa đến nay phân khúc vẫn còn quá nhỏ. Công nghệ 'hoàng kim' trên xe máy trong 5 năm trở lại đây vẫn xoay quanh yếu tố tiết kiệm nhiên liệu và các hãng cũng lấy đò làm kim chỉ nam cho kế hoạch marketing thu hút khách hàng của mình. Vespa có i.e và 3V i.e, Yamaha có BlueCore và Honda là PGM-Fi, eSP… Tuy nhiên, từ rất lâu các thương hiệu xe máy dường như quên mất tính an toàn của dòng xe hai bánh.

ABS, ASR sẽ lấp chỗ trống này? Phải chăng, đã đến lúc ECU trên xe máy Việt Nam có nhiều việc làm hơn là quan tâm tới lượng xăng chảy vào buồng đốt?

Quả thực, người tiêu dùng Việt đang rất nôn nóng đón nhận làn gió mới từ các nhà sản xuất. Nhưng kích thước và giới hạn của xe máy không cho phép hệ thống điện tử nói chung và ABS nói riêng có kích thước và hoạt động tương tự như xe hơi. Cộng với nhiều lí do khác, các hãng xe hiếm khi tự sản xuất hệ thống điện tử cho họ mà thông qua các nhà sản xuất trung gian. Ví dụ cùng là ABS nhưng có nhà sản xuất là Bosch, Continental …

Hiệu quả của ABS không có gì phải bàn cãi. Nhưng chi phí cho bộ linh kiện ABS sẽ khiến giá xe tăng cao hơn nên các hãng phải tính toán bài toán kinh tế của mình. Ví dụ, một chiếc KTM 200 nhập khẩu nguyên chiếc có trang bị ABS và không trang bị ABS có giá bán chênh lệch xấp xỉ 30 triệu VND. Số tiền này nhỏ hay lớn khi lắp ABS lên một chiếc xe máy sản xuất tại Việt Nam?

Hệ thống điện tử ECU và ABS sẽ điều phối lực phanh trên cả bánh trước và sau của 946 để gạt bỏ hiện tượng chống bó cứng phanh khiến cho bánh sau bị trượt mất kiểm soát
Hệ thống điện tử ECU và ABS sẽ điều phối lực phanh trên cả bánh trước và sau của 946 để gạt bỏ hiện tượng chống bó cứng phanh khiến cho bánh sau bị trượt mất kiểm soát

Quay trở lại câu chuyện an toàn trên xe, theo nghiên cứ vào 2010 của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ - gần 37% tai nạn trên xe mô-tô có liên quan tới việc chúng không trang bị phanh ABS khiến cho chiếc xe bị trơn trượt. Ở Việt Nam, chúng ta chưa thống kê có bao nhiêu vụ tai nạn liên quan tới việc bó cứng bánh xe hai làm người lái mất kiểm soát nhưng chắc chắn đây là một con số không hề nhỏ.

Thử nghiệm thực tế tại nhà máy Piaggio Vĩnh Phúc giữa chiếc 946 có ABS, ASR và chiếc Liberty không được trang bị hệ thống tương tự đã chứng minh kết quả tích cực cho người trải nghiệm.

Trên cả đường trơn và đường ướt, ABS giúp cho 946 không bị bó cứng phanh, ASR kiểm soát độ bám bánh sau trong khi chiếc Liberty thường xuyên xảy ra hiện tượng bó phanh và mất kiểm soát bánh sau. Hiện tượng trơn trượt, bó phanh trước và sau là tình huống có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

 

 

Rõ ràng, màn thị phạm của Piaggio đã cho mọi người thấy được hiệu quả của ABS từ thử nghiệm tới thực tế. Song, khi nào và bao giờ ABS được ứng dụng vào thị trường Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn. Năm 2015 là năm An toàn giao thông Quốc gia, liệu Piaggio Việt Nam hay một hãng xe máy nào khác có thể mang tới cho người tiêu dùng Việt Nam một chiếc xe an toàn hơn?

Hi vọng, khi công nghệ này đến với các dòng xe máy made-in-Vietnam, giá thành sẽ ở mức chấp nhận được để người sử dụng xe hai bánh có thêm cơ hội lái xe an toàn.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM