Công nghệ 2014: Năm đại thắng của những ‘gã’ khổng lồ Trung Quốc

15/12/2014 14:12 PM | Công nghệ

Năm 2014 chứng kiến nhiều sự kiện công nghệ nổi bật. Tuy nhiên, đáng nói đến nhất và dễ nhận ra nhất có lẽ là sự nổi dậy mạnh mẽ của những công ty đến từ Trung Quốc như Alibaba hay Xiaomi.

Chiến thắng vang dội trên nhiều lĩnh vực

Cái tên nổi nhất trong làng công nghệ thế giới năm nay có lẽ không ai khác ngoài Alibaba, công ty thương mại điện tử vừa IPO trên sàn chứng khoán Mỹ.

Được thành lập năm 1999, 15 năm sau, với màn IPO ấn tượng trên sàn New York, Alibaba đã khiến giới công nghệ và tài chính toàn cầu phải bất ngờ với số vốn huy động được lên tới 25 tỷ USD.

Kể từ khi được thành lập từ căn hộ nhỏ của tỷ phú Jack Ma, hiện Alibaba trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới với vốn hoá thị trường lên tới 262,69 USD. Con số ấn tượng này không chỉ giúp Alibaba vượt xa so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ như eBay hay Amazon mà còn “qua mặt” cả những công ty lớn hàng đầu như Walmart.

Thành tích đáng nể này cũng giúp thúc đẩy đáng kể tới ngành thương mại điện tử của Trung Quốc. Hai trang mua sắm chính của hãng gồm Taobao và Tmall đã đạt doanh thu lên tới 296 tỷ USD tính riêng trong khoảng thời gian từ quý 2/2013 đến quý 2/2014. Ấn tượng hơn nữa, vào ngày Cô đơn 11/11 vừa qua (ngày hội mua sắm hàng hoá online tại Trung Quốc), Alibaba tuyên bố doanh số bán hàng của hãng đạt tới hơn 9 tỷ USD chỉ trong 1 ngày, một kỷ lục chưa từng có. 

Một điều kỳ diệu khác của Trung Quốc đến từ lĩnh vực điện thoại di động mang tên Xiaomi. Khó có thể tin được “hạt gạo bé nhỏ” Xiaomi mới chỉ thành lập cách đây 4 năm đã có lúc trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Samsung và Apple với 6% thị phần trong năm 2014.

Thậm chí, CEO của hãng này là Lei Jun còn mạnh dạn tuyên bố: “Không ai có thể nghĩ Xiaomi, một hãng điện thoại mới sản xuất chiếc di động đầu tiên cách đây 3 năm, lại có thể trở thành nhà sản xuất lớn thứ 3 thế giới. Trong vòng từ 5 - 10 năm nữa, chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội để trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới”.

Tham vọng này của CEO Lei không phải không có cơ sở. Trong quý đầu tiên của năm 2014, Xiaomi đã bán được 11 triệu chiếc điện thoại thông minh, trong đó 97% được tiêu thụ tại Trung Quốc. Dù sản lượng này chỉ chiếm 10% trong tổng số 97 triệu chiếc điện thoại được bán ra trong cùng kỳ tại Trung Quốc nhưng Xiaomi đã tăng gấp đôi được thị trường so với quý thứ 2 trong năm 2013 với chỉ 5%. Điều này khiến nó trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới.

Tham vọng toàn cầu

Đi kèm với tốc độ phát triển chóng mặt tại quê nhà, các hãng công nghệ như Alibaba và Xiaomi hiển nhiên đều đang ấp ủ tham vọng mở rộng thị trường ra toàn thế giới. Cụ thể, Alibaba đã sẵn sàng đứng trong hàng ngũ những trang bán lẻ hàng đầu tại Nga và Brazil - những thị trường mà hiện tại hãng gần như không có nhân viên nào. AliExpress - một website cho người sử dụng bên ngoài Trung Quốc đã trở thành trang mua sắm hàng đầu tại Nga, theo nghiên cứu của TNS.

Công ty này cũng đang xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay hoạt động trên toàn cầu trong nỗ lực xử lý doanh số bán hàng kỹ thuật số cho những doanh nghiệp nhỏ trên toàn thế giới. Alipay hiện có 17,9 triệu người dùng trên toàn cầu tại 100 quốc gia và được chấp nhận bởi 2.000 người bán trên toàn thế giới. 

Mặc dù Jack Ma khẳng định không muốn cạnh tranh tại thị trường Mỹ bởi thế giới rất rộng lớn và họ nhìn thấy nhiều cơ hội khác. Tuy nhiên, Liên minh các nhà bán lẻ Mỹ là Main Street gồm Best Buy, Target, JC Penney lại tỏ ra thận trọng với tuyên bố “Main Street sẽ không còn như trước đây” ngụ ý rằng họ sẽ cảnh giác hơn với Alibaba.

Trong khi đó, Xiaomi lại là một phần nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của Samsung điêu đứng trong nhiều tháng qua khi doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm. Lý do là bởi hãng này bị mất ngôi vương tại thị trường lớn là Trung Quốc vào tay Xiaomi. Cụ thể, mảng kinh doanh điện thoại – cỗ máy “in tiền” nhiều nhất cho Samsung kể từ năm 2011 cho thấy mức sụt giảm mạnh còn 1,75 nghìn tỷ won so với con số kỷ lục được thiết lập vào hồi đầu năm ngoái là 6,7 nghìn tỷ won.

Trái ngược với tuyên bố sớm giành vị trí số 1 thế giới có phần khoa trương của CEO Xiaomi, nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma tỏ ra thận trọng hơn. Ông khẳng định, hãng này đang đối mặt với thời khắc nguy hiểm nhất bởi "vấn đề là mọi người đang suy nghĩ theo chiều hướng quá tốt và rằng chúng tôi có thể làm được mọi thứ".

Tuy vậy, các chuyên gia đều nhận định đây chỉ là tài ăn nói khéo léo của tỷ phú Jack Ma nhằm chấn an nhân viên, tránh để họ tự mãn. Đa số đều đặt kỳ vọng hãng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Như cổ đông, đồng thời là CEO của Morgan Creek Capital Management là Mark Yusko gần đây tuyên bố với Reuter rằng Alibaba có thể đạt mức 250 USD/cổ phiếu trong vài năm tới.

>> Tại sao Alibaba, Baidu và Xiaomi chỉ 'nổi' tại Trung Quốc?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM