Chính phủ điện tử “tắc” vì người đứng đầu không hiểu công nghệ thông tin

22/07/2015 17:35 PM | Công nghệ

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 22-7 tại TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cản trở lớn nhất  trong triển khai Chính phủ điện tử chính là do một số lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan không hiểu công nghệ thông tin (CNTT) hoặc không muốn áp dụng. Hậu quả là khó cải cách hành chính, nhũng nhiễu, thiếu minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Theo ông Lê Mạnh Hà, việc thiếu minh bạch này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, thậm chí làm mất lòng tin của người dân vì muốn mọi thứ minh bạch bắt buộc phải ứng dụng CNTT. CNTT sẽ giúp người dân dễ giám sát và tin tưởng hơn vào bộ máy Nhà nước.

Ông Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Nội vụ xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về CNTT, đưa ứng dụng CNTT vào các dịch vụ công phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời giao Bộ Tài chính soạn thảo quy định các địa phương phải dành ra một khoản kinh phí từ ngân sách để ứng dụng CNTT vì trong các văn bản về ngân sách chưa có khoản chi này.

Theo thông cáo báo chí của hội thảo năm nay, khảo sát về chính phủ điện tử năm 2014 của Liên hiệp quốc cho thấy Việt Nam xếp thứ 99 trên 193 quốc gia trên thế giới về chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Riêng tại châu Á xếp hạng 26 trên 47, vượt qua Malaysia và Thái Lan.

Kết quả khảo sát dựa vào 3 tiêu chí gồm: Dịch vụ trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Ngoài ra, về chỉ số sẵn sàng kết nối CNTT toàn cầu thì Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng xếp Việt Nam ở vị trí 85 trên tổng số 143 quốc gia trong báo cáo tháng 4-2015, tụt 1 hạng so với năm trước.

Bên cạnh chủ đề Chính phủ điện tử thì dịch vụ Y tế điện tử và Giao thông thông minh là hai chủ đề mới của hội thảo năm nay. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) trong y tế hay Y tế điện tử (E-Health) tại Việt Nam cũng dành được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng và đã triển khai được những bước đầu tiên. Theo thống kế năm 2014, ứng dụng phần mềm tin học ở bệnh viện tuyến Trung ương là 100%, tuyến tỉnh là 68% và tuyến huyện là 61%.

Hiện tại, Bộ Y tế đang thí điểm triển khai dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống bệnh viện tại 6 bệnh viện: Nhi Trung ương, Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Trung ương,Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Hà Tĩnh và Đa khoa Trung ương Huế. Những bệnh viện này sẽ được chú trọng nâng cấp phần mềm quản lý tin học bệnh viện với mục đích cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cả người khám và được khám, chữa bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế đang triển khai kế hoạch phát hành Thẻ bảo hiểm Y tế điện tử vào năm 2018 với mục đích giảm thiểu thủ tục rườm rà cũng như tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả cho việc khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại hội thảo, ứng dụng Y tế điện tử của các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở việc khai thác công việc văn phòng, thống kê, báo cáo với từng phần riêng lẻ như quản lý nhân sự, viện phí, quản lý kho dược, bệnh nhân ra vào viện... Cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng và năng lực ứng dụng chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhiệm vụ của ngành.

Giao thông từ xưa đến nay luôn luôn là vấn đề nóng có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày đối với mỗi người dân nói riêng và với quốc gia nói chung. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, thời gian trung bình ùn tắc gây ra là 45 phút/ngày, xấp xỉ 15 giờ/tháng và 180 giờ/năm dẫn đến thiệt hại trung bình 30.000 tỷ VND mỗi năm theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia. Sự gia tăng dân số nhanh chóng cùng tốc độ đô thị hóa của thời đại giờ đã vượt xa mức có thể đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các dự án xây dựng 16 tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn là Hà Nội (8 tuyến) và Hồ Chí Minh (8 tuyến) với tổng chiều dài gần 500 km. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều khó khăn do quy mô cùng vốn đầu tư lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp.

Theo nhận định của những chuyên gia từ tập đoàn Siemens AG cuối năm 2014, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cùng ứng dụng những hệ thống giao thông thông minh sẽ đóng vai trò chủ chốt cũng như mang lại một khởi đầu vững chắc cho sự phát triển của thành phố.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM