Chính phủ Ấn Độ cấm hoàn toàn Free Basics của Facebook tại nước này

10/02/2016 14:00 PM | Công nghệ

Chính phủ Ấn Độ cho rằng, Free Basics mà Facebook cung cấp đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Thông qua The Verge, nguồn tin mới nhất từ Ấn Độ cho biết, mới đây, nhà chức trách nước này đã cấm hoàn toàn các dịch vụ liên quan tới việc cung cấp Internet miễn phí. Bao gồm cả Free Basics, một dịch vụ từ mạng xã hội Facebook cho phép người dùng truy cập Internet từ những nơi hẻo lánh nhất, mà không cần trả tiền.

Đáng chú ý quyết định này được đưa ra sau khi nhà mạng Reliance Communications tại nước này từng có kế hoạch hợp tác cùng Facebook. Trong đó, lý do lớn nhất khiến Free Basics không được lưu hành tại Ấn Độ là bởi, các dịch vụ như vậy đang vi phạm tính bình đẳng của Internet (hay còn gọi là Net neutrality).

Trong thông báo mới nhất của mình, các nhà chức trách Ấn Độ không nhắm tới một dịch vụ cụ thể nào, kể cả là Free Basics. Nhưng họ lại nhấn mạnh là "cấm hoàn toàn tất cả các dịch vụ cung cấp Internet miễn phí" tại Ấn Độ. Và nếu xét về tính chất, trong đó cũng bao gồm của chương trình Free Basics từ Facebook.

Được biết, để đưa ra một quyết định gây tranh cãi nêu trên, Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ (TRAI) đã mất một khoảng thời gian dài đấu tranh giữa 2 nhóm: những người ủng hộ Facebook và những người ủng hộ tính bình đẳng của Internet. Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã tạm đình chỉ Free Basics vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Tất nhiên, trong trường hợp này, Facebook cũng không phải dạng vừa. Ngay cả khi bị chính phủ Ấn Độ lẫn Cơ quan quản lý viễn thông nước này phản đổi, mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn kêu gọi sự ủng hộ từ người dùng, đồng thời tung ra các chương trình dùng thử, quảng cáo trên báo đài để vận động công chúng.

Miễn phí truy cập Internet chính thức trở thành giấc mơ không có thật tại Ấn Độ.
Miễn phí truy cập Internet chính thức trở thành giấc mơ không có thật tại Ấn Độ.

Ước tính, số tiền Facebook chi cho chiến dịch kể trên lên tới 45 triệu USD. Thậm chí, CEO của Facebook là Mark Zuckerberg còn đăng đàn trên tờ The Times của Ấn Độ để bảo vệ Free Basics. CEO Facebook cho biết, anh cảm thấy rất bất ngờ khi chính quyền nước này đang ra sức chống lại một dịch vụ có lợi cho người dùng:

"Thay vì để cho tất cả mọi người có thể cùng truy cập vào mạng Internet một cách miễn phí, các nhà phê bình của Ấn Độ lại cố tình tuyên truyền sai lệch về dịch vụ của chúng tôi. Có nghĩa là hơn một tỷ người dùng sẽ không được sử dụng những dịch vụ tốt nhất, tiết kiệm nhất. Ai lại đi phản đối dịch vụ có ích như vậy?"

Tuy nhiên, về phía các nhà phê bình, họ cho rằng, dịch vụ Free Basics mà Facebook cung cấp đang tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Minh chứng là bằng cách cung cấp cho người dùng những nội dung miễn phí, các công ty như Facebook sẽ thu hút được sự quan tâm của người dùng, khiến họ rời xa dịch vụ trả phí.

Vô hình chung, các công ty nhỏ hơn, vốn cung cấp các dịch vụ viễn thông trả phí sẽ khó lành cạnh tranh được với Facebook. Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên, các dịch vụ Internet miễn phí bị phản đối như tại Ấn Độ. Trước đó, nhà mạng Mỹ là T-Mobile tại Mỹ cũng từng đối mặt với những lời chỉ trích tương tự.

45 triệu USD chi ra cũng không giúp Free Basics của Facebook nhận được sự đồng tình của Ấn Độ.
45 triệu USD chi ra cũng không giúp Free Basics của Facebook nhận được sự đồng tình của Ấn Độ.

Đứng trước những phản đối này, đại diện Facebook khẳng định, cách làm của họ hướng tới sự nhân đạo, và cũng không cung cấp dịch vụ miễn phí hoàn toàn. Về cơ bản, người dùng có thể tự do sử dụng Free Basics, nhưng là với nội dung hạn chế. Hầu hết xoay quanh lĩnh vực mạng xã hội, thời tiết và y tế.

Thực chất, Facebook đang "thả mồi bắt bóng" hơn là vì cộng đồng, vì người dùng như các chiến dịch truyền thông hiện nay. Bởi chỉ tính riêng tại Ấn Độ, số người dùng có khả năng truy cập Internet từ điện thoại di động chỉ khoảng 19%. Và nếu có thể thâu tóm thị trường này, Facebook sẽ còn giàu lên trông thấy.

Đáng tiếc là sau quyết định từ Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ, giấc mơ làm giàu không khó của Facebook có rất ít khả năng trở thành hiện thực. Thậm chí, cẩn thận hơn nữa, cơ quan này còn đưa ra một văn bản cụ thể tạm dịch là "Cấm phân biệt đối xử thuế quan đối với Quy định dịch vụ dữ liệu".

Sắp tới, tính bình đẳng của Internet sẽ là chủ đề tranh luận hết sức nóng trên toàn cầu, thay vì chỉ diễn ra tại Ấn Độ.
Sắp tới, tính bình đẳng của Internet sẽ là chủ đề tranh luận hết sức nóng trên toàn cầu, thay vì chỉ diễn ra tại Ấn Độ.

Điều này đồng nghĩa, ngay cả khi các nhà mạng, các công ty cung cấp dịch vụ Internet không phải là miễn phí, họ cũng phải dè chừng với quy định trên. Trong đó, Cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ cũng nhấn mạnh, tất cả những gì họ đang làm đều hướng tới tính bình đẳng của Internet trên toàn cầu.

"Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo người tiêu dùng không bị cản trở và không bị phân biệt đối xử khi truy cập Internet", nhà chức trách cho hay. Và dù Ấn Độ có đạt được mục tiêu này hay không, chắc chắn, trong tương lai đây sẽ là chủ đề nóng được đưa ra bàn luận không chỉ tại Ấn Độ và mà toàn thế giới.

Theo Yến Thanh

Cùng chuyên mục
XEM