Chia sẻ dữ liệu trực tuyến: Xu hướng mây hóa và mô hình Peer-to-Peer
Các dịch vụ lưu trữ thông tin, đám mây
Cách đây khoảng 10 năm, việc sở hữu một ổ cứng có dung lượng 40GB đã là quá lớn và dư thừa. Với nhu cầu sử dụng lưu trữ thông tin di động thì có đĩa mềm (floopy disk) với dung lượng khá khiêm tốn là 4MB và USB thời điểm cao nhất lúc bấy giờ là 128MB.
Nhưng hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhu cầu sử dụng tài nguyên của con người ngày càng nhiều và những con số đó đã trở nên quá nhỏ bé. Với sự tiến bộ mạnh mẽ của internet, giờ đây cáp quang với tốc độ khá nhanh và phổ cập đã dần dần thay thế cáp đồng. Chính nhờ đó đã phát triển nên một ngành dịch vụ khá hot hiện nay đó là các dịch vụ lưu trữ thông tin trên mạng và qua đám mây. Các công ty lớn như Microsoft, Apple, Google,… lập tức cung cấp các dịch vụ lưu trữ và chia sẻ trên nền điện toán đám mây như Sky Drive, iCloud, Google Drive. Ngoài ra còn có những công ty khác như Box.com, Dropbox, Mediafire, Rapidshare…
Người sử dụng có thể thoải mái truy cập hoặc download các dữ liệu của mình hoặc của người khác chia sẻ trên đó tại bất cứ đâu có mạng internet. Hãy thử tưởng tượng sẽ thuận tiện thế nào khi bạn đi công tác nước ngoài xa cả mấy nghìn cây số nhưng vẫn có thể sử dụng kho dữ liệu của mình như đang ở nhà.
Những nhược điểm của việc lưu trữ thông tin qua đám mây
Nhược điểm đầu tiên và vô cùng quan trọng đó chính là các mối đe dọa an ninh dữ liệu khi nhiều thông tin nhạy cảm đang được trực tuyến.
Cách đây không lâu, Apple đã phải đối mặt với một scandal lớn liên quan tới việc bảo mật dữ liệu trên dịch vụ iCloud của họ, rất nhiều ảnh nóng của các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng đã bị hacker đánh cắp và phát tán trên mạng. Apple đã lên tiếng cho rằng, việc bảo mật của hãng là hoàn toàn tốt và vụ việc đáng tiếc trên là do chính sự bất cẩn của người dùng đã để hacker biết được password của mình. Sau sự việc đó, Apple đã thực hiện yêu cầu người dùng sử dụng bảo mật 2 lớp với iCloud và Apple ID của mình. Phải chăng, đây giống như việc mất bò mới lo làm chuồng?
Nhược điểm thứ hai cũng không kém quan trọng là các vấn đề pháp lý liên quan tới các thông tin được lưu trữ trên mạng.
Việc lưu trữ các thông tin trái pháp luật hoặc vi phạm bản quyền đang rất phổ biến hiện nay và nó ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận của các công ty sản xuất. Mặc dù trước khi đăng kí sử dụng dịch vụ, các website đều đưa thông tin cam kết sử dụng, nhưng có chăng chỉ là để qua mắt các cơ quan chính quyền. Để ngăn chặn các hành động này, các tổ chức bảo vệ luật bản quyền và các bộ luật bảo vệ bản quyền đã được thành lập và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện rà soát và đóng cửa các trang web có vi phạm.
Vào thời điểm hai bộ luật Dự luật Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA) và Dự luật PROTECT IP (PIPA) được áp dụng, rất nhiều trang web chia sẻ lớn đã bị kiểm tra và buộc ngừng hoạt động. Đặc biệt vào năm 2012, Megaupload một trong những trang web lưu trữ thông tin lớn nhất thế giới đã bị đóng cửa vì bị tố cáo vi phạm bản quyền. Ngay sau đó, các trang web lưu trữ dữ liệu đã tự rà soát và thắt chặt hơn quy định về đăng tải các dữ liệu có liên quan tới bản quyền. Người dùng đương nhiên không đồng tình với việc này và họ cho rằng hành động đó đã giết chết internet.
Nhược điểm thứ ba là có rất nhiều hạn chế đối với người dùng khi lưu trữ dữ liệu trên mây.
Điển hình như Kindle của Amazon không cho phép khách hàng truy cập và download những cuốn sách hay bài nhạc của mình về thiết bị khác để lưu trữ. Họ buộc người dùng phải sử dùng dữ liệu từ đám mây của họ. Và một ngày nào đó, nếu hệ thống lưu trữ của Amazon bị trục trặc liệu người dùng sẽ mất toàn bộ những gì mình đã bỏ tiền ra mua?
Mô hình mới peer-to-peer (P2P)
Với việc luật bản quyền gây khó khăn cho người sử dụng, họ đã tìm đến một mô hình mới đó chính là P2P. Về cơ bản lưu trữ thông tin trên mạng tức là lưu trữ thông tin tại một trung tâm dữ liệu ngoại tuyến dưới sự quản lý của nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng mô hình P2P không cần trung tâm dữ liệu ngoại tuyến nào cả, nó sử dụng chính những máy con tham gia mô hình làm nơi lưu trữ, nói cách khác, người download dữ liệu cũng chính là người upload dữ liệu.
Trang web thành công với dịch vụ này chính là “Vịnh hải tặc” đã bị đóng cửa cách đây vài ngày. Rất nhiều người thắc mắc làm thế nào để “Vịnh hải tặc” kiếm được tiền khi mà việc chia sẻ thông tin không thông qua một máy chủ nào. Không ai biết chính xác ngoại trừ chủ nhân của trang web. Lý do hợp lý nhất được đưa ra đó chính là quảng cáo. Với một lượng truy cập khổng lồ trên trang web chia sẻ lớn nhất thế giới này, các công ty không ngần ngại chi tiền để quảng cáo của mình có mặt trên website.
Xu thế mới này tại Việt Nam
Và ở Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, rất nhiều dịch vụ lưu trữ thông tin xuất hiện trong những năm gần đây. FPT Telecom với sản phẩm Fshare được cho là thành công nhất với 1,3 triệu tài khoản được đăng ký. Còn về P2P cũng xuất hiện rất nhiều trang web điển hình là viettorrent và HDVNbits với số lượng người đăng kí đáng kể.
Tuy nhiên cùng với đó là những nhược điểm khi sử dụng và đặc biệt là các luật bản quyền đang càng ngày càng chặt chẽ hơn khiến việc sử dụng các dịch vụ này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy rằng ở Việt Nam, luật bản quyền chưa thực sự phổ biến và chặt chẽ như ở nước ngoài nhưng không ít website đã bị cảnh cáo vi phạm. Điển hình như Zingmp3, vnsharing, và một số trang web khác đã bị sờ gáy khi vi phạm bản quyền
Việc lưu trữ thông tin trên mạng đã trở nên phổ biến, giải phóng được nhiều bộ nhớ và tiết kiệm nhiều chi phí cho việc cất trữ dữ liệu. Chính vì thế, “lên mây” đã trở thành xu thế mới và tất yếu trong tương lai. Song song với đó, xuất hiện khá nhiều vấn đề mà ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng chính là vấn đề vi phạm bản quyền.
Để khắc phục vấn đề này rất nhiều trang web đã đưa ra các giải pháp tuân thủ như kiểm tra nội dung của người dùng khi upload lên website và sẵn sàng xóa bỏ hay chặn tài khoản vĩnh viễn. Như vậy, chúng ta nên tìm cách khắc phục các nhược điểm của loại hình dịch vụ mới này để sử dụng một cách có hiệu quả chứ không nên bóp chết nó bằng các luật lệ hay các hình thức khác.
Long Lê