Cây biến đổi gen sẽ cứu vãn thị trường sôcôla?

24/03/2015 20:00 PM | Công nghệ

Câu trả lời là có thể nhưng câu hỏi lớn nhất tiếp theo được đặt ra là: liệu chúng ta có muốn sử dụng chúng.

Nội dung nổi bật:

- Tuần lễ có ngày Valentine, chỉ tính riêng nước Mỹ đã tiêu thụ 29.000 tấn socola. Nhưng tương lai giá cacao có thể lên rất cao, chỉ trong 5 năm tới, thế giới thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn.

- Hiện các công ty socola lớn trên thế giới đã cho nghiên cứu cây cacao biến đổi gen nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt trong tương lai.

- Tuy nhiên, giải quyết được nhu cầu sản lượng thì lại vấp phải khó khăn khác: sự tẩy chay của người tiêu dùng với các thực phẩm biến đổi gen.


Sôcôla – sự kết hợp tuyệt vời giữa những hộp quà Valentine và những giỏ trứng Phục sinh – đang trong tình trạng khó khăn. Trung bình một người Mỹ tiêu thụ khoảng 6 kg sôcôla mỗi năm, và tổng cộng 29.000 tấn sôcôla được tiêu thụ trong tuần lễ của ngày Valentine.

Nhưng những điều đó sắp đi đến hồi kết. Sự thiếu hụt sôcôla, ước tính khoảng 1 triệu tấn, đã được dự đoán sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới, là kết quả của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhu cầu tăng liên tục của những người yêu thích sôcôla ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Thiên nhiên có trụ sở ở Ghana – đất nước đứng thứ 2 thế giới trong việc sản xuất sôcôla chỉ sau Bờ Biển Ngà – dự đoán rằng trong vòng 20 năm tới, sôcôla sẽ trở nên quý hiếm và đắt đỏ như là trứng cá muối.

Sôcôla được lấy từ trong hạt của cây cacao, loài cây cho trái trong những cái vỏ kích thước lớn như trái bóng, mọc trực tiếp từ thân cây. Được đặt tên là Theobroma cacao, nghĩa Latin chính là “món ăn của thần thánh”, cây cacao chính là những gì một người có thể mong đợi từ tổ tiên và đấng tối cao: một món ngon khó cưỡng lại chỉ mọc chung với một loại cây rất khó trồng.

Trái và hạt cacao, hình chụp bởi James L. Stanfield, National Geographic Creative

Trái và hạt cacao, hình chụp bởi James L. Stanfield, National Geographic Creative

Cây cacao, được tin rằng có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới Amazon ẩm ướt, rất khó có thể thích ứng với điều kiện nào khác ngoài quê hương của chúng: hiện nay chúng chỉ được trồng trên vành đai 20 độ bắc hoặc nam của đường Xích đạo, được đặt tên là “khu vực 20/20”. Xa hơn về phía bắc hoặc nam, cây cacao có thể được trồng và phát triển, nhưng chúng sẽ không thể cho hạt.

Cùng với những giới hạn về địa lý, cây cacao cực kì dễ mắc bệnh – tiêu biểu là bệnh đậu phù thủy, một loại nấm đã xóa sổ số cây cacao ở Ecuador vào những năm 1920, và phá hủy việc sản xuất sôcôla của Brazil – một trong những đất nước trồng cacao lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian 10 năm bắt đầu từ 1989. Trên thế giới hiện nay, những người trồng cacao mất hàng năm gần 750 triệu USD vì dịch bệnh.

Cây cacao còn đặc biệt ở chỗ phát triển rất chậm. Có thể sẽ phải mất 5 năm để cây có thể cho ra trái, và sẽ phải mất 10 năm trước khi ta biết được rằng các cây cacao đó có chống được bệnh tật hay cho hạt chất lượng hay không. “Thứ lỗi cho tiếng Pháp của tôi, nhưng cây cacao là một nỗi đau lớn”, Jim Ether, đồng tác giả của bìa sách Kéo dài thanh Sôcôla: Tương lai của dòng sôcôla sang trọng, đã nói như thế.

Trung tâm nghiên cứu cacao của Cộng hòa Trinidad, cùng với ngân hàng gen quốc tế của cacao là nơi chứa hơn 2.400 loại cây cacao khác nhau. Chúng có những tiềm năng lớn để sản xuất bất kì số lượng giống lai nào – nhưng với quy trình lai giống thông thường khi mà tốc độ phát triển của cây cacao rất chậm khiến việc này không hề dễ dàng.

Lai tạo cây cacao theo cách truyền thống cũng rất khó đoán. Lấy ví dụ giống cây CCN-51. Phát triển bởi Homero Castro gần đây, một nhà nông học say mê sôcôla đến từ Ecuador, đây là loài cây cacao được nhiều người biết đến như là giống tốt nhất thế giới có thể ngăn chặn những thảm họa dịch bệnh trên cây cacao.

Được chào bán bởi một số người với tên gọi “giống cây thần kì”, CNN-51 – cây thân thấp, béo tròn cho ra những vỏ hạt màu đỏ sáng – rất cứng cáp, chống lại dịch bệnh, và sai quả, cho ra năng suất gấp 4 tới 10 lần cây cacao thông thường.  Tuy nhiên, tin xấu là hạt của giống cây này có vị dở tệ. Miêu tả tốt bụng nhất mà hương vị của giống CNN-51 nhận được là “nhạt”. Những nhà phê bình khó tính khác thì so sánh chúng với móng tay thối, dấm, vỏ gỗ và “bụi chua”.

Nhưng nếu bỏ qua những khuyết điểm trên, các nhà sản xuất sôcôla lớn đều đã tìm đến CNN-51. Có tới khoảng 95% lượng sôcôla được làm từ “các hạt thô”, thường là những hạt có phẩm chất thấp được xử lý kỹ càng và tăng thêm hương vị bằng việc cho thêm đường và hương liệu, ví dụ như vani. Và vì mục đích như thế, giống cây CNN-51 là đã đủ; và họ tin rằng đa số người tiêu dùng sẽ không nhận ra được sự khác biệt.

Đối với những nhà làm sôcôla thủ công, những người phụ thuộc vào các hạt cacao ngon cho sản phẩm cuối cùng của họ, đây là một câu chuyện khác. Dẫn chứng từ trang web Chocopolis của Seattle, “Sôcôla thủ công cũng giống như một chai rượu ngon”, được trộn lẫn bởi các chuyên gia về sôcôla để chứa những hương vị phảng phất như: hạt điều, nho khô, trái anh đào, hoặc một ít “cỏ” hay “đất”.

Những nhà làm sôcôla này sẽ không chọn lựa những hạt có vị như bột chua axit, cho dù chúng có sai quả ra sao.

Đây có thể là lúc chúng ta tìm đến kĩ thuật gen.

Bộ gen của cây cacao đã được tái tạo vào năm 2011 (bởi 2 nhóm nhà khoa học khác nhau, một nhóm liên kết với công ty Mars – nhà sản xuất của các thương hiệu Snickers, Milky Way và M&Ms, và nhóm còn lại với công ty cạnh tranh Hershey’s). Trong khoảng 30.000 gen của cây cacao (nhiều hơn chúng ta khoảng 10.000 gen), các nhà khoa học đã tìm ra chuỗi gen quy định tính kháng bệnh và chỉ dẫn sự tạo thành các chất trao đổi và cơ cấu tạo hương vị cho hạt. Nhà sinh học phân tử Mark Guiltinan từ Đại học bang Pennylvania tin rằng những kỹ thuật phân tích gen sẽ giúp tạo ra cây cacao có khả năng chống bệnh tốt và cho năng suất cao.

Hiện nay, vẫn chưa có cây cacao biến đổi gen nào đuợc trồng trên những cánh đồng. Cho dù đã có những nghiên cứu tích cực về độ an toàn của giống cây cacao này, vẫn còn đó những áp lực từ công chúng tránh việc sử dụng những thực phẩm biến đổi gen – và đặc biệt trong những thanh sôcôla của họ.

Trên thực tế, có rất nhiều công ty sản xuất sôcôla đang tiến tới việc trở thành công ty không sử dụng thực phẩm biến đổi gen, thường là một quy trình khó khăn vì nó liên quan tới việc loại bỏ xi-rô bắp và chiết xuất từ đầu – những nguyên liệu thường có trong sôcôla – những nguyên liệu được làm từ các cây trồng biến đổi gen. (Theo báo cáo mới đây của USDA, “Cây trồng biến đổi gen ở Mỹ”, có gần 88% bắp Mỹ và 93% đậu Mỹ đã được biến đổi gen).

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tạo ra một loại sôcôla biến đổi gen lý tưởng sẽ không dễ dàng. Sôcôla là một loại thực phẩm phức tập, chứa hơn 600 loại hương vị khác nhau. (Ngay cả rượu đỏ chỉ đem lại khoảng 200 vị). Hòa trộn với nhau một hỗn hợp đúng các loại hương vị - cùng với giống cây chống bệnh, phát triển nhanh và cho năng suất cao – có thể được xem là một nhiệm vụ khó khăn.

Tuy nhiên, cùng với nhu cầu thế giới ngày càng tăng cao và tương lai có phần bất trắc của giống cây cacao, đây có thể là cơ hội tốt nhất để cứu lấy loại sôcôla mà chúng ta biết và yêu thích.

>> Lượng socola trên thế giới đang cạn kiệt dần

Mai Nguyễn

CTV Thinh OrientVN

Cùng chuyên mục
XEM