10 vụ sáp nhập “hoành tráng” nhất trong lịch sử ngành công nghệ

15/10/2015 08:27 AM | Công nghệ

Đáng tiếc là đại đa số những công ty tham gia vào các cuộc thâu tóm này đều có kết cục tương đối “thê thảm”.

Thương vụ Dell mua lại EMC với mức giá kỷ lục 67 tỷ USD không chỉ là thông tin làm “rúng động” cả thế giới mà còn xác lập một dấu mốc mới trong lịch sử sáp nhập của ngành công nghệ thông tin. Nhưng liệu vụ thâu tóm này có giúp Dell tiến xa hay cả hai cùng “ôm nhau chết chìm”?

1. Oracle là một trong số ít các công ty thu lời từ thương vụ sáp nhập. Tháng 1 năm 2008, Oracle quyết định bỏ ra 7,9 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất phần mềm lớp giữa BEA. Thương vụ này đã mang về cho Oracle một “vũ khí” quý giá là phần mềm WebLogic hiện vẫn được sử dụng hiệu quả cho sản phẩm Fushion Middleware dành cho các nhà phát triển.

2. Năm 1998, Compaq quyết định mua lại Digital Equipment Corp (DEC) với mức giá khá cao là 9,6 tỷ USD. Có lịch sử thành lập từ những năm 1960 và chuyên về lĩnh vực máy chủ nhưng DEC lại tỏ ra không “thức thời” khi bỏ qua vô số cơ hội từ ngành công nghiệp PC đang trên đà phát triển.

Vào thời điểm sáp nhập, tình hình của DEC thực sự rất “bết bát” và trì trệ với bộ máy hoạt động kém hiệu quả, chi phí vận hành cao trong khi không tạo ra được nhiều sản phẩm “sáng giá”. Và sai lầm của Compaq cũng chính là nằm ở đây, khi mà hãng này sáp nhập với DEC đồng thời cũng “thừa hưởng” luôn những vấn đề của công ty cũ còn sót lại.

3. Với tham vọng trở thành một địa chỉ tin cậy cho khách hàng gửi gắm và bảo vệ dữ liệu, “gã khổng lồ” diệt virus Symantec đã tìm mọi cách để mua lại Veritas, một công ty lưu trữ dữ liệu với giá ban đầu là 13,5 tỷ USD vào năm 2005.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư của Symantec thì không mấy “mặn mà” với kế hoạch này nên đã nhiệt tình “dìm giá” của Veritas và thương vụ được “chốt” ở mốc 10,5 tỷ USD. Sau 10 năm “chung sống dưới một mái nhà” mà không mang lại kết quả khả quan, Symantec cuối cùng cũng phải “nói lời chia tay” và bán lại Veritas với giá 8 tỷ USD theo hình thức LBO (sáp nhập bằng nguồn tài chính đi vay) trong mùa hè 2015.

4. Không chỉ được ghi dấu về giá trị sáp nhập lên tới 10,3 tỷ USD, việc Oracle mua lại nhà cung cấp phần mềm nhân sự PeopleSoft còn được đánh giá là thương vụ “khó nhằn” và nhiều kịch tính nhất. Oracle có hai lần đưa ra đề nghị sáp nhập cưỡng ép nhưng đều bị PeopleSoft từ chối thẳng thừng.

Tiếp đó, Oracle lại gặp phải rắc rối khi Bộ Tư pháp Mỹ “nhảy vào cuộc” vì quan ngại về nguy cơ hãng này nắm thế độc quyền sau khi sáp nhập. Sau bao “sóng gió” trắc trở, cuối cùng Oracle cũng chốt được thương vụ vào tháng 11 năm 2004 và PeopleSoft trở thành một phần trong danh mục sản phẩm của Oracle cho đến ngày hôm nay.

5. Electric Data Services (EDS) được thành lập năm 1962 bởi Ross Perot, một thương nhân và là cựu ứng cử viên cho chức tổng thống Hoa Kỳ. Tháng 7 năm 2008, HP chính thức mua lại EDS với giá 13,9 tỷ USD nhằm tạo nền tảng cho mảng kinh doanh mới HP Enterprise Services. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thành công, HP rơi vào tình trạng thường xuyên phải cắt giảm nhân sự và sắp tới đây, chuẩn bị tiếp tục có một đợt cắt giảm mới.

6. Tháng 6/2000, vào thời điểm cao trào nhất của giai đoạn bùng nổ dot-com, công ty công nghệ quang học JDS Uniphase đã mua lại E-Tek Dynamics, một công ty chuyên cung cấp các linh kiện cho mạng quang với giá 15 tỷ USD. Tuy nhiên, không may mắn cho JDS Uniphase là chỉ ít lâu sau đó, “bong bóng” dot-com vỡ tung và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các công ty “ăn theo” trào lưu này.

JDS Uniphase cũng bị “lao đao” và cố gắng “vật lộn” để chống lại hoàn cảnh. Nhưng JDS Uniphase cũng chỉ gắng gượng cho đến mùa hè năm ngoái, hãng này đã phải “chia đôi con đường” với công ty được sáp nhập và hoạt động dưới hình thức 2 công ty độc lập có quy mô nhỏ hơn.

7. Thương vụ tiếp theo trong danh sách là một “di tích” khác từ thời đại bùng nổ dot-com. Tháng 3/2000, công ty bảo mật email Verisign đã mua lại Network Solutions, một công ty chuyên về đăng ký tên miền với giá 20,8 tỷ USD. Thời điểm bấy giờ, Network Solutions có rất nhiều lợi thế bởi bên cạnh việc bán các tên miền, công ty này còn có “đặc quyền” giám sát các tên miền .com, .org và các tên miền cao cấp (TLDs – Top level domains).

Tuy nhiên, mọi sự lại kết thúc không mấy tốt đẹp khi Verisign phải bán lại dịch vụ đăng ký tên miền bởi các chi phí “đội” lên quá cao khi công ty vi phạm vào Luật Chứng khoán.

8. Thương vụ lịch sử giữa HP và Compaq được coi là một “thảm họa” sáp nhập. Năm 2002, giai đoạn mà HP được điều hành bởi Carly Fiorina, hiện là ứng cử viên cho chức tổng thống Hoa Kỳ, hãng đã có nhiều sự thay đổi để “vật lộn” với mảng kinh doanh PC. Tuy nhiên việc mua lại Compaq với giá 19 tỷ USD lại là một “nước cờ” sai lầm của Carly khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Vấn đề là thời điểm bấy giờ Compaq sau khi sáp nhập với DEC (như ở trên đã đề cập) đang gặp không ít khó khăn trong việc vận hành công ty. HP sáp nhập với Compaq đồng nghĩa với việc “gánh thêm” những khó khăn này lên bộ máy của công ty và kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, HP buộc lòng cắt giảm hơn 30.000 nhân viên. Một kết cục không có hậu cho cả hai công ty!

9. JDS Uniphase được ví như một “cỗ máy” sáp nhập. Vào tháng 7 năm 2000, chỉ một tháng sau thỏa thuận mua lại E-Tek thành công, JDS Uniphase tiếp tục thâu tóm cả nhà sản xuất linh kiện SDL với giá cao ngất ngưởng, 41 tỷ USD. Tuy nhiên, cái kết cho JDS Uniphase là công ty này phải tách làm đôi thành 2 công ty nhỏ hơn: nhà sản xuất linh kiện quang Lumentum và công ty tư vấn dịch vụ mạng Viavi.

10. Đứng cuối danh sách là thương vụ có giá trị cao nhất trong lịch sử với con số lên tới hàng trăm tỷ USD. Sự kiện AOL mua lại Time Warner với mức giá cao không tưởng, 181,6 tỷ USD đã từng được kỳ vọng sẽ tạo đà đưa AOL thành “đế chế” truyền thông hùng mạnh nhờ việc cung cấp các dịch vụ Internet. Tuy nhiên, “đời không như là mơ” và kế hoạch này đã hoàn toàn đổ bể vào năm 2009, khi Time Warner tách riêng ra khỏi AOL và hoạt động như một công ty độc lập.

Theo B.N

Cùng chuyên mục
XEM