Xổ số điện toán: Lo kích thích tâm lý ăn thua, may rủi

25/11/2016 08:47 AM | Xã hội

Cơn sốt xổ số điện toán đã khiến các công ty xổ số truyền thống lo ngại bị cạnh tranh; địa phương lo hụt thu ngân sách, còn chuyên gia xã hội học băn khoăn trước xu hướng khích lệ ăn thua, may rủi, không có lợi cho xã hội ổn định.

Xổ số chỉ khích lệ hơn thua, may rủi

Nhìn nhận về xổ số điện toán do Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) cung cấp, GS Hà Tôn Vinh (người nhiều năm nghiên cứu về trò chơi có thưởng) cho rằng, xổ số điện toán ra đời với số tiền thưởng cộng dồn đã tạo khác biệt và thu hút người chơi. Với xổ số truyền thống, nếu không ai trúng, phần tiền thưởng sẽ nộp vào ngân sách hoặc tính vào doanh thu công ty; trong khi xổ số điện toán là cộng tới khi có người trúng. “Điều này đã tạo khác biệt và thu hút người chơi. Còn các công ty xổ số truyền thống cũng phải xem lại mình, lâu nay độc quyền, ít cạnh tranh thì nay phải thay đổi”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, cứ 100 đồng bán ra, Vietlott dành 55 đồng trả thưởng, 25 đồng nộp thuế, số còn lại chi cho hoạt động và lợi nhuận còn lại cũng nộp ngân sách. Do đó, nếu ngân sách địa phương thất thu thì ngân sách trung ương sẽ được lợi.

Vietlott có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Bộ Tài chính tính toán, tổng doanh thu toàn thị trường xổ số Việt Nam năm 2016 khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó Vietlott đặt mục tiêu doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng (chiếm 1,3% thị phần).

Chuyên gia xã hội học - TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, xổ số là trò chơi may rủi. Trong xã hội phát triển, ổn định đều có xổ số, casino. Nhưng trong một xã hội đang chuyển đổi, đầy rẫy thách thức của những giá trị, biến động, con người ta sống trông đợi vào may rủi, sống dựa vào các lực lượng siêu nhiên, xổ số chỉ càng khích lệ sự hơn thua. Điều đó không có lợi khi xây dựng một xã hội lành mạnh.

Theo ông Bình, có những câu chuyện cướp cả đống vé số của người bán dạo, bạn bè kiện nhau vì tờ vé số… Tất cả vì người ta nhìn thấy vé số là cơ may, là tiền mà không cần dùng sức lao động của mình làm ra.

Theo ông Bình, phát triển xổ số là bài toán của sự phát triển, ở cấp độ cá nhân xuất phát từ lòng tham, còn nhà nước xuất phát từ nguồn thu đang sụt giảm.

Phân chia thuế về các địa phương ra sao?

Liên quan tới khả năng địa phương sẽ hụt thu ngân sách do công ty xổ số địa phương bị cạnh tranh từ xổ số điện toán, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho biết: Do đặc thù kinh doanh tại nhiều địa phương trên cả nước, nên Vietlott được quyết toán doanh thu và thuế tại trụ sở chính. Sau khi quyết toán, dựa trên số thu thực tế tại mỗi địa phương, Vietlott sẽ phân bổ lại các khoản thuế về ngân sách từng địa phương có chi nhánh Vietlott hoạt động. Tiền thuế của Vietlott chuyển lại địa phương sẽ do HĐND tỉnh quyết định mục đích sử dụng.

Liên quan tới những kiến nghị của các doanh nghiệp xổ số truyền thống tại miền Nam, như việc Vietlott in vé sẵn đi bán dạo, bán sai địa bàn, vé bán dạo cao hơn giá niêm yết 1.000-2.000 đồng/vé…; ông Dương cho biết, sau khi nhận được phản ánh của các đơn vị đã có văn bản yêu cầu Vietlott kiểm tra, báo cáo. “Đây là hoạt động tự phát, không phải chủ trương của Vietlott, cũng không thể cấm người dân tự mua và bán lại”, ông Dương nói. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ xem xét để mở rộng thêm hoạt động cho Vietlott ra các tỉnh trên cả nước, khi các địa phương đều có điểm bán sẽ không còn tình trạng bán dạo nữa.

Về lo ngại xổ số điện toán của Vietlott khiến các công ty xổ số truyền thống thất thu, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng Giám đốc Vietlott khẳng định sẽ không xảy ra, mà tất cả sẽ cùng phát triển. Ông Đạm dẫn hàng loạt số liệu để minh chứng, như doanh số bán vé xổ số tại miền Nam 9 tháng đầu năm 2016 khoảng 190 tỷ đồng/ngày, Vietlott bình quân bán ra khoảng 4 triệu vé/kỳ (tương đương 40 tỷ đồng/2 ngày). Đồng thời, theo ông Đạm, dù Vietlott đã tham gia thị trường nhưng hết quý 3/2016 các công ty xổ số truyền thống tại 9 tỉnh miền Nam vẫn tăng trưởng hơn 9%.

Vietlott là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính, thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, Vietlott lại liên doanh với Tập đoàn Berjaya (Malaysia) để triển khai ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng Giám đốc Vietlott cho biết: Hợp tác này theo mô hình Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), được Chính phủ phê duyệt, Sở KH&ĐT Hà Nội cấp phép. Tập đoàn Berjaya chịu toàn bộ chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, vận hành, bảo dưỡng… hệ thống. Đổi lại, đối tác được nhận tỷ lệ phần trăm (%) theo doanh thu.

Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương, nói thêm: “Hợp đồng BCC không làm thay đổi bản chất sở hữu của Vietlott, đây vẫn là công ty nhà nước. Đối tác Berjaya phải chuyển giao công nghệ cho Vietlott theo lộ trình, đảm bảo hợp đồng kết thúc Vietlott sẽ làm chủ công nghệ”, ông Dương nói.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM